Sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu

Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, cản trở sự phát triển của cả nền kinh tế.
ttxvntien2-15613882952301755069409-crop-1561388303904596673346-1634283205.jpg
Ảnh hưởng của Covid-19 khiến doanh nghiệp không thể trả nợ, dẫn đến nợ xấu nền kinh tế phát sinh

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận, dịch bệnh khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các doanh nghiệp không có dòng tiền, không thể trả nợ, vì vậy nợ xấu nền kinh tế phát sinh là điều tất yếu.
Tại báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực áp dụng các chính sách để xử lý nợ xấu; nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Đến 30/6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống là 1,73%, giảm so với thời điểm trước khi triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Tính từ cuối năm 2017 đến ngày 30/6/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 677.000 tỷ đồng nợ xấu nội bảng. Trong đó, nợ xấu do các ngân hàng tự xử lý là 554.600 tỷ đồng, chiếm 81,92%; nợ xấu bán cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là 110.300 tỷ đồng, chiếm 16,29%. Nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác là 12.100 tỷ đồng, chiếm 1,8%. Tính riêng từ 30/6/2020 đến 30/6/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 188.700 tỷ đồng nợ xấu nội bảng.
Đến cuối tháng 6/2021, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu tăng 2,8% so với cuối năm 2020 và có số dư 384.960 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,66% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư.
Nếu tính thêm các khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ này là 7,21%.
Trong số đó, nhiều ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng trong nửa đầu năm nay đang ở mức khá cao như: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agibank) ghi nhận mức tăng trưởng nợ xấu lần lượt là 52%, 31,3% và 13,5%...

Do đó, mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, 10 năm qua, việc xử lý nợ xấu rất vất vả và Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã hỗ trợ mang lại kết tích cực nhưng do tác động của COVID-19, tốc độ tăng nợ xấu tăng khá nhanh, khiến mục tiêu nợ xấu dưới 3% khó đạt được.

Trước thực tế này, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng tích cực phòng ngừa rủi ro, đẩy mạnh trích lập dự phòng. Ngân hàng đã cho phép các ngân hàng trích lập trong 3 năm mỗi năm tối thiểu 30% nợ cơ cấu lại. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc dự phòng sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của các ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, để kiểm soát rủi ro nợ xấu ngoài việc chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu thì cần theo dõi chặt diễn biến các khoản nợ. Các ngân hàng cũng nên xem xét lập quỹ dự phòng rủi ro đủ lớn để xử lý các khoản nợ xấu trong tương lai.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng dồi dào nguồn lợi nhuận, do đó, nhiều ngân hàng vẫn gặp khó khăn trong trích lập dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức “khiêm tốn”. Cụ thể, có thể kể đến Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGBank) tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến hết tháng 6/2021 mới chỉ đạt 33%, Ngân hàng Bản Việt là 44%...
Để kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh, nhiều ý kiến cho rằng, sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tiến tới thành lập thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cũng đang trình Quốc hội đánh giá tổng kết Nghị quyết số 42/2017/QH14, đề xuất Quốc hội xem xét việc rà soát, nghiên cứu để luật hóa các chính sách quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 để tiếp tục triển khai, áp dụng trong xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo hướng ban hành một luật riêng quy định về xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc ban hành Luật về xử lý nợ xấu sẽ giúp chính sách xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 được duy trì, giúp tổ chức tín dụng đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. Đồng thời, thu hồi vốn nhanh, khơi thông nguồn vốn cho tổ chức tín dụng hoạt động; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu của tổ chức tín dụng và tránh các nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế.