Siêu ‘Chiến lược nông nghiệp điện tử' sẽ thay đổi diện mạo nền nông nghiệp Indonesia

Sự hợp tác giữa FAO và Bộ Nông nghiệp Indonesia sẽ đẩy nhanh sự phát triển của nền nông nghiệp xứ vạn đảo.
indo1-1681875697.jpeg
Chiến lược quốc gia về nông nghiệp điện tử sẽ thay đổi diện mạo nền nông nghiệp Indonesia

Mới đây, tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới (FAO) đã phối hợp với Trung tâm dữ liệu và công nghệ thông tin (thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia) đưa ra chiến lược số hóa nông nghiệp ở Indonesia (Chiến lược quốc gia về nông nghiệp điện tử).

Tổng thư ký Bộ Nông nghiệp Indonesia, Tiến sĩ Kasdi Soebagyono cho biết sự hợp tác này sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp: “Chiến lược quốc gia về nông nghiệp điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ Bộ đang rất cần để thúc đẩy phát triển nông nghiệp của chúng tôi ở thượng nguồn, trang trại và sau thu hoạch, để nông dân củng cố vị thế của họ trong ngành nông nghiệp”.

Chiến lược quốc gia về nông nghiệp điện tử tại Indonesia đã chính thức được công bố vào ngày 28/2/2023.

Các công cụ Bộ Nông nghiệp Indonesia cần bao gồm dữ liệu về diện tích đất canh tác, dữ liệu năng suất, kênh tiếp thị, đa dạng hóa giá cả hàng hóa tiêu dùng và an toàn thực phẩm. Dữ liệu toàn diện như vậy có thể đẩy nhanh quá trình phát triển Hệ thống cảnh báo sớm (EWS) có thể làm giảm tác động của một số thảm họa quốc gia.

Dữ liệu chính xác là cần thiết vì Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới và là đất nước sản xuất nông nghiệp lớn. Gần 45% dân số Indonesia sống ở khu vực nông thôn và hơn 90% dân số nông thôn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp là các hộ sản xuất nhỏ. Đất nông nghiệp chiếm 32% tổng diện tích cả nước và ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 14% GDP quốc gia.

Nhưng thực tế ngành nông nghiệp Indonesia đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm: chi phí sản xuất cao - thực hành sử dụng nhiều lao động - nông dân sản xuất nhỏ luôn làm việc chăm chỉ, nhưng không nhận được sự chia sẻ công bằng về lợi ích từ công việc khó khăn của họ.

Lộ trình “Chiến lược nông nghiệp điện tử quốc gia Indonesia” nêu rõ, đến năm 2027, Indonesia sẽ có cơ sở dữ liệu tích hợp cho đất nông nghiệp và nông dân, cũng như cung cấp hệ thống cảnh báo sớm kỹ thuật số về các thảm họa đe dọa sản xuất nông nghiệp và vận hành hệ thống dữ liệu nông nghiệp thu thập, khai thác và phân tích.

"Một trong những điểm khởi đầu chính cho quá trình chuyển đổi hệ thống nông - lương thực ở Indonesia là số hóa nông nghiệp. Số hóa sẽ tạo ra dữ liệu đáng tin cậy và nền tảng để những người ra quyết định đưa ra các chính sách đúng mục tiêu. Chúng ta cần thu thập thông tin thực”, ông Rajendra Aryal, đại diện của FAO tại Indonesia và Timor Leste cho biết.

Ngoài ra, ông Rajendra tin số hóa nông nghiệp cũng là một cách để thu hút những người trẻ tuổi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp. “Số hóa là tương lai và tương lai bây giờ là trao quyền cho phụ nữ, nam giới và thanh niên trong nông nghiệp”.

Một trong những giải pháp kỹ thuật số cốt lõi trong “Chiến lược nông nghiệp điện tử quốc gia” của Indonesoa là dựa trên cơ sở dữ liệu đáng tin cậy để ra quyết định. Điều này được nêu trong hệ thống “Nền tảng thu thập dữ liệu” (DCP), có thể đối chiếu dữ liệu nông nghiệp từ nhiều nguồn và hệ thống khác nhau.

"Sau khi có dữ liệu, việc triển khai các giải pháp điện tử khác tương đối dễ theo dõi và tích hợp. Việc triển khai các giải pháp điện tử cho từng khu vực sẽ được thực hiện có chọn lọc dựa trên nhu cầu của khu vực, cơ sở hạ tầng sẵn có và trí tuệ địa phương", ông Rajendra cho biết.

Cùng với Khoa Nông nghiệp tại Đại học Gajah Mada, Bộ Nông nghiệp Indonesia và FAO đã tạo ra một DCP di động và dựa trên website có thể ghi dữ liệu theo thời gian thực. Dữ liệu do DCP thu thập và tổng hợp tại hiện trường được kết nối với trung tâm đầu não tại Bộ Nông nghiệp ở Jakarta./.