Siết chặt quản lý sản xuất sầu riêng, tạo ngành hàng xuất khẩu mạnh

Chiều ngày 12/9, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc nhằm thảo luận và thống nhất cách thức triển khai việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc một cách chặt chẽ, chuyên nghiệp, minh bạch.
1-2-1662980762837972086857-1662983278.jpg
Hội nghị phát triển sầu riêng thành ngành hàng mũi nhọn của lĩnh vực trồng trọt - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đến nay, trái sầu riêng của Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết, cùng với danh sách 51 vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt.

Số lượng này có thể tăng lên sau khi hồ sơ của các vùng trồng và cơ sở đóng gói khác được tiếp tục gửi để Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) xem xét phê duyệt hoặc có thể giảm xuống, thậm chí mất thị trường xuất khẩu nếu các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp mã số không được kiểm soát chặt chẽ, không bảo đảm chất lượng hàng hóa, vi phạm quy định nhập khẩu của Trung Quốc. Thêm vào đó, việc gian lận mã số cũng có thể xảy ra.

Trước đó, để chuẩn bị cho việc xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã tiến hành nhiều hoạt động như tổ chức các lớp tập huấn về các yêu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc; về thiết lập và quản lý mã số vùng trồng (MSVT), cơ sở đóng gói cho các bên liên quan ngay sau khi Nghị định thư được ký kết, tuyên truyền phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức khác nhau giúp người dân tiếp cận được với các quy định, yêu cầu đối với sầu riêng xuất khẩu.

Đồng thời, Cục chỉ đạo toàn bộ hệ thống kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu kiểm tra xuất xứ của hàng hóa liên quan đến mã số, yêu cầu kỹ thuật về bao bì nhãn mác nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm thời gian, nhanh chóng đưa sản phẩm sầu riêng tươi sang Trung Quốc.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến "hệ sinh thái sầu riêng", với sự tham dự của nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp, đại diện nông dân, hợp tác xã. Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định sầu riêng là ngành hàng còn nhiều tiềm năng, song cũng cần lưu ý những rủi ro, đặc biệt là rủi ro từ nội địa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Nghị định thư xuất khẩu mặt hàng này có được sau "4 năm vất vả, trăn trở" và thậm chí còn có những đánh đổi nhất định trong thương mại song phương. Chúng ta hôm nay mang tâm thế của những người sắp vươn xa, mà muốn vươn xa thì phải đi cùng nhau. Song, khi lợi ích không được minh bạch, công khai, thì rất khó vươn xa. Tôi rất kỳ vọng chúng ta làm được nhiều điều lớn hơn".

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, các nước như Malaysia hay Thái Lan, vốn đang chiếm thị phần sầu riêng rất lớn ở Trung Quốc, sẽ "không đi nếm thử sầu riêng Việt Nam ngon hơn, ngọt hơn hay không", mà xem xét cách chúng ta triển khai xuất khẩu.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc Việt Nam đang có loại trái cây đặc biệt, nhưng để đẩy mạnh giá trị của nó, thì cần dựa vào hệ sinh thái gồm những người làm trong ngành hàng này. Đó mới là yếu tố tiên quyết tạo nên sức sống của sầu riêng ở thị trường hơn 1,4 tỷ dân.

Để có được điều đó, cần sự đoàn kết giữa nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Tránh tư duy chen chúc, giành giật nhau. Bán buổi sáng không được thì bán buổi chiều. Bán xa không được thì bán gần. Xuất khẩu không được thì gắn biển giải cứu nông sản. "Cứ luẩn quẩn thế rồi cũng xong. Nhưng chúng ta không thể mãi đi theo nền nông nghiệp mù mờ như vậy".

Với trường hợp cụ thể về sầu riêng, Bộ trưởng Hoan cho rằng hình ảnh hệ sinh thái sầu riêng quan trọng hơn trái sầu riêng đơn lẻ. Bởi lẽ, hệ sinh thái từ trồng, chăm sóc, sơ chế, đóng gói mới mang lại giá trị, mang lại thương hiệu sầu riêng Việt Nam, khẳng định vị thế trái cây Việt Nam.

Minh chứng cho điều này là những nông dân đang thành công với nhãn hữu cơ ở Hưng Yên. "Ban đầu họ cũng khó, cũng khổ lắm chứ. Nhưng họ nhìn xa, họ biết tạo ra giá trị của hệ sinh thái. Một nghề cho chín còn hơn chín nghề, chúng ta phải làm thật tốt từng khâu nhỏ đã".

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), thời gian tới, để duy trì và tiếp tục nâng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, các đơn vị liên quan cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như sau: Cục BVTV và các Chi cục Trồng trọt & BVTV các tỉnh trồng và có cơ sở đóng gói sầu riêng tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký, khắc phục để gửi GACC xem xét phê duyệt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Các đơn vị kiểm dịch thực vật kiểm soát chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại cửa khẩu bảo đảm các lô hàng xuất khẩu tuân thủ đúng quy định của Trung Quốc.

Các cơ quan quản lý địa phương cần tiếp tục bám sát, đồng hành cùng các vườn trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng để kịp thời hướng dẫn, giải quyết những vấn đề phát sinh; cập nhật và cung cấp những quy định mới nhất liên quan đến sầu riêng. Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Cục BVTV xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói, đào tạo họ thành lực lượng nòng cốt trong giám sát, thiết lập vùng trồng theo yêu cầu của Trung Quốc. Ngoài ra, hệ thống thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ mở rộng thị trường và quảng bá hình ảnh sản phẩm sầu riêng của Việt Nam.

Các doanh nghiệp xuất khẩu phối hợp với các cơ sở đóng gói, các vùng trồng đã được cấp mã số phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Trung Quốc, không chỉ khi được kiểm tra mà phải luôn duy trì việc đáp ứng về giám sát dư lượng, kiểm soát sinh vật gây hại trong suốt quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, các vùng trồng sầu riêng cần hạn chế trồng xen với các loại cây trồng khác, giúp cho việc kiểm soát lây nhiễm chéo sinh vật gây hại từ các loại cây trồng khác, nhất là ruồi đục quả. Thông qua đó, số lượng các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đạt chuẩn sẽ được nâng cao.