Sầu riêng vượt mốc 100 nghìn đồng/kg, dự kiến tiếp tục sốt giá khi Tây Nguyên bước vào thu hoạch

Chuyên gia cho rằng, giá sầu riêng hiện đã vượt mốc 100.000 đồng/kg là mức giá rất khả quan, có xu hướng tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm. Sản lượng sầu riêng từ Tây Nguyên vẫn còn rất lớn, trong khi đó các nước lân cận qua mùa vụ. Sầu riêng Việt Nam sẽ chiếm lĩnh thị trường và mang lại doanh số tốt cho xuất khẩu rau củ quả Việt Nam những tháng cuối năm.
sau-rieng-tay-nguyen-1-1722759395.jpg
Chuyên gia cho rằng, giá sầu riêng hiện đã vượt mốc 100.000 đồng/kg là mức giá rất khả quan, có xu hướng tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm.(Ảnh minh họa)

Chỉ còn khoảng hơn 1 tuần nữa là bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng ở các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay, giá sầu riêng đang ở mức cao và việc thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu khá thuận lợi nên có nhiều doanh nghiệp đến thu mua.

Thời điểm này, giá sầu riêng duy trì ổn định tại cả ba khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đạt mức cao nhất 103.000 – 105.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), xác nhận giá sầu riêng đang tăng mạnh là do đứt lứa. "Vùng trồng Đông Nam Bộ đang cuối mùa, sầu riêng Tây Nguyên thì mới vào đầu vụ nên sản lượng sụt giảm, đẩy giá tăng cao. Ngoài ra, do năm nay hạn hán, sầu riêng bị mất mùa, tỉ lệ trái đạt loại 1 và 2 ít hơn các năm dẫn đến giá sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu ở mức cao" – ông Mười phân tích.

Cũng theo ông Mười, do năm nay diện tích sầu riêng mới đi vào khai thác tăng nên về tổng thể sản lượng sầu riêng thu hoạch vẫn tăng. Dù vậy, tỉ lệ sầu riêng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khá nhiều và phải bán với giá thấp.

sau-rieng-tay-nguyen-3-1722759450.jpg
Khoảng hơn 1 tuần nữa là bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng ở các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay, giá sầu riêng đang ở mức cao và việc thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu khá thuận lợi. (Ảnh minh họa)

Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, ông Trương Việt Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng, lại cho rằng việc giá sầu riêng tăng cao như hiện nay do có hiện tượng đầu cơ, đặc biệt là sầu riêng Monthong.

"Một số đầu mối trong nước tham gia thị trường sầu riêng và đẩy giá nội địa lên cao. Nhiều trường hợp giá sầu riêng Monthong tại Việt Nam còn cao hơn giá tại chợ đầu mối của Trung Quốc. Điều này là không hợp lý, gây khó cho nhu cầu tiêu dùng sầu riêng thật" – ông Thắng nói.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành rau củ quả sẽ tập trung vào thị trường khu vực Đông Bắc Á. Từ đó, cùng với các thị trường tiềm năng, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... sẽ giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được mục tiêu 7 tỷ USD trong năm 2024.

Thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang chiếm ưu thế nhập khẩu rau củ quả từ Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc đã dành 2,161 tỉ USD để nhập khẩu rau quả; Hàn Quốc: 164 triệu USD; Nhật Bản: 98 triệu USD. Đặc biệt, Hàn Quốc từ vị trí thứ 3 trong các nước nhập khẩu nhiều rau quả của Việt Nam đã vượt lên vị trí thứ 2, đẩy Hoa Kỳ xuống vị trí thứ 3.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng tiếp tục mang lại giá trị xuất khẩu lớn trong năm 2024, tiếp đó là các loại trái cây có giá trị khác như thanh long, chuối, xoài, mít, dừa, vải, nhãn, dưa hấu... Đây là những mặt hàng chiến lược, góp phần giúp doanh số xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam đạt mức 6,5 - 7 tỉ USD trong năm nay.

Trong đó, dự kiến sầu riêng sẽ mang về 3 tỉ USD, thanh long sẽ thu về khoảng 600 - 650 triệu USD; xoài khoảng 250 triệu USD; dừa khoảng 240 - 250 triệu USD; mít khoảng 200 triệu USD...

sau-rieng-tay-nguyen-2-1722759482.jpg
Sầu riêng Việt Nam kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh thị trường và mang lại doanh số tốt cho xuất khẩu rau củ quả Việt Nam những tháng cuối năm.(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Phúc Nguyên cũng cho rằng, giá sầu riêng hiện đã vượt mốc 100.000 đồng/kg là mức giá rất khả quan, có xu hướng tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm. Sản lượng sầu riêng từ Tây Nguyên vẫn còn rất lớn, trong khi đó các nước lân cận qua mùa vụ.

Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. Từ nay tới cuối năm, sầu riêng Việt Nam sẽ chiếm lĩnh thị trường và mang lại doanh số tốt cho xuất khẩu rau củ quả Việt Nam./.

Bình Nguyên