Sầu riêng bất ngờ lao dốc, nhà vườn vẫn vững tâm liên kết với doanh nghiệp

Sau Tết, do nguồn cung khan hiếm nên giá sầu riêng liên tục tăng cao. Tuy nhiên thời điểm này, tại các vùng trồng sầu riêng ở Tiền Giang giá bất ngờ giảm mạnh. Với mức giá hiện tại nhà vườn vẫn có lãi. Tuy vậy, vấn đề liên kết phát triển bền vững trái sầu riêng cần được đẩy mạnh.
sau-rieng-03-1712800705.jpg
Do thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài và bị nhiễm bệnh cháy lá nên năng suất và chất lượng trái sầu riêng ở thời điểm này giảm hơn cùng vụ các năm trước.(Ảnh minh họa)

Dù khan hàng, sầu riêng bất ngờ giảm mạnh

Khoảng một tuần nay, giá các loại trái sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang đều lao dốc. Trái sầu riêng Monthong loại 1 giá từ mức 230.000 đồng/kg nay giảm còn khoảng trên dưới 130.000 đồng/kg; còn sầu riêng Ri 6 loại 1 có giá khoảng 150.000 đồng/kg, nay giảm còn hơn 70.000 đồng/kg, giảm gần 50% so với tháng trước. Tuy nhiên theo nhà vườn, trái sầu riêng ở mức giá trên 40.000 đồng/kg là đã có lãi.

Thông tin từ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang khoảng 10 ngày trước, giá sầu riêng Monthong loại A “lập đỉnh” ở mức 230.000 đồng/kg, còn sầu riêng Ri 6 loại A có giá khoảng 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện giá sầu riêng các loại này đã giảm mạnh.

Cụ thể, từ ngày 9/4, giá sầu riêng Monthong loại A (2,7 hộc, từ 1,9 - 5,2 kg) được các vựa thu mua với giá từ 120.000 - 125.000 đồng/kg; loại B có giá 100.000 - 105.000 đồng/kg (2,5 hộc, từ 1,7 - 5,7 kg).

Đối với sầu riêng Ri 6 được vựa thu mua loại A với giá 83.000 - 87.000 (2,7 hộc, từ 1,9 - 5,2 kg); loại B 70.000 - 72.000 đồng/kg (2,5 hộc, 1,7 - 5,7 kg). Như vậy, với mức giá này, giá sầu riêng các loại đã giảm khoảng 1 nửa so với lúc đỉnh điểm.

sau-rieng-02-1712800693.jpg
Khoảng một tuần nay, giá các loại trái sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang đều giảm mạnh.(Ảnh minh họa)

Còn tại vùng trồng sầu riêng xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), năm nay, do thời tiết bất lợi, sầu riêng bị cháy lá dẫn đến không đậu trái khiến nhà vườn thất mùa. Dù giá cao, nhưng nhiều nhà vườn không có sầu riêng để bán.

Ông Phan Văn Tro (ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp) có 5 công trồng sầu riêng Ri 6. Theo ông Tro, do ảnh hưởng của thời tiết nên vụ sầu siêng nghịch mùa năm nay, gia đình ông thu hoạch chỉ khoảng 7 tấn, ít hơn năm trước 4 tấn.

Tại huyện Cái Bè, những ngày gần đây, giá sầu riêng cũng đang giảm mạnh. Theo một vựa sầu riêng tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, hiện sầu riêng Ri 6 có giá trung bình từ 73.000 - 88.000 đồng/kg, còn sầu riêng Monthong do không có hàng nên chưa cập nhật giá.

Theo lãnh đạo UBND huyện Cái Bè, hiện giá sầu riêng trên địa bàn huyện đã giảm khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg so với khoảng 10 ngày trước.

Toàn tỉnh Tiền Giang có gần 23.000 ha cây sầu riêng; trong đó có khoảng 15.000 ha vườn cây đang cho trái. Hiện nay, nhiều vườn sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang cho thu hoạch vụ nghịch. Do thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài và bị nhiễm bệnh cháy lá nên năng suất và chất lượng trái sầu riêng ở thời điểm này giảm hơn cùng vụ các năm trước.

Ông Trình Văn Sỹ vừa là nhà vườn vừa là chủ doanh nghiệp thu mua trái sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy nói: “Giá sầu riêng giảm nhiều. Nhà vườn vẫn lãi bình thường, giá trên 40.000 đồng/kg là có lãi. Nhà vựa thì không có lãi, đang lỗ, vựa nào cũng lỗ vì đang mua giá cao mà này sụt xuống, đặt tiền cọc trước thì lỗ nặng”.

Đẩy mạnh liên kết tạo lợi thế và thương hiệu sầu riêng

Để tránh tình trạng bấp bênh của trái sầu riêng, tại TP. Cần Thơ nhiều công ty, doanh nghiệp đã bắt tay với người dân đầu tư cơ sở vật chất, liên kết, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sầu riêng cho nông dân với mục tiêu xây dựng thương hiệu sầu riêng để xuất khẩu.

Ngay từ đầu năm, UBND huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ đã có công văn tăng cường công tác liên kết tiêu thụ sầu riêng năm 2024 trên địa bàn của huyện. Theo đó, diện tích sầu riêng của Phong Điền 3.534 ha, diện tích cho trái hơn 2.000 ha, ước sản lượng năm nay trên 32.600 tấn và có hơn 1.100 ha diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Với diện tích sầu riêng lớn nên ngay từ đầu vụ đã có những Công ty thực hiện liên kết với các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã để xây dựng quy trình canh tác an toàn, đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Đang thực hiện việc liên kết, bao tiêu sầu riêng cho các hộ dân trên địa Cần Thơ với diện tích hơn 600 ha, Công ty TNHH MTV Ngọc Minh – LS đã xây dựng quy trình canh tác bền vững đến các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã về kỹ thuật, chăm sóc vùng nguyên liệu, kiểm soát đầu vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các quy chuẩn, quy trình đảm bảo sầu riêng an toàn, chất lượng phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

sau-rieng-44-1712800665.jpg
Để tránh tình trạng bán sầu riêng non và bị ép giá, TP Cần Thơ khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết. (Ảnh minh họa)

Theo bà Chu Thị Tú Liên, Công ty TNHH MTV Ngọc Minh – LS, hiện nay diện tích liên kết, bao tiêu sầu riêng cho các hộ dân của Công ty tập trung nhiều tại xã Tân Thới huyện Phong Điền. Công ty liên kết, bao tiêu sầu riêng của người dân để xuất khẩu nên yếu tố tiêu chuẩn, chất lượng được đặt lên hàng đầu.

Theo bà Liên, chậm nhất 15 ngày sau khi kiểm tra sầu riêng nếu đánh giá đạt chất lượng sẽ thu mua theo giá trị trường, còn nếu chưa đạt thì hướng dẫn nhà vườn chăm sóc hiệu quả hơn. Trái sầu riêng đạt chất lượng phải đạt độ chín theo đúng tiêu chuẩn, không cắt trái non, trái sâu bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu. Việc thu mua sầu riêng với các hộ dân gặp thuận lợi khi Công ty thanh toán tiền cho người dân ngay và chỉ trừ chi phí vật tư, phân bón đã hỗ trợ vào cuối vụ.

“Trước ngày thu hoạch từ 7 - 10 ngày doanh nghiệp sẽ cho kỹ thuật xuống kiểm tra về chất lượng cũng như mang sản phẩm đi kiểm nghiệm và kiểm tra độ chín của trái đạt cơm vàng, bột ngọt thì doanh nghiệp mới thu mua. Năm nay cũng có một số bà con thông báo cho công ty vào thăm vườn mua sớm một chút, thương lái họ đi mua sớm, cũng là khó khăn cho doanh nghiệp, vì đây cũng là một cách lũng đoạn thị trường”, bà Chu Thị Tú Liên chia sẻ.

Với diện tích trồng sầu riêng khoảng 5.000 ha, Cần Thơ đang khuyến khích người dân tham gia vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra, từng bước xây dựng thương hiệu, phục vụ nhu cầu xuất khẩu với loại trái cây giá trị tỷ USD này.

Theo ông Tống Văn Ngọt, nông dân xã Tân Thới, huyện Phong Điền, khi liên kết với doanh nghiệp người dân yên tâm sản xuất theo quy trình, áp dụng các biện pháp quản lý dịch bệnh, đảm bảo thời gian cách ly thuốc khi thu hoạch, đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

“Khi có mối liên kết mình yên tâm hơn, ký kết hợp đồng với công ty rồi thì họ sẽ mua với giá ổn định hơn, không sợ giá lên xuống thất thường. Khi bán cho thương lái tự do, họ muốn mua cho được thì họ chốt giá cao, khi xảy ra chuyện giá tuột thì họ có những cách nhà vườn không hài lòng, giống như xin giá, bỏ vườn hoặc là cắt với hình thức nhà vườn không vừa ý”, ông Tống Văn Ngọt nói.

Liên kết là hướng đi đúng đắn không chỉ giúp cho doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, người dân tập trung sản xuất theo hướng GAP để duy trì mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu và phục vụ nhu cầu xuất khẩu./.

Bình Nguyên