Giá sầu riêng tăng cao nhà vườn kỳ vọng bội thu
Huyện Phong Điền có diện tích trồng sầu riêng hơn 3.530 hecta, và diện tích đang cho trái hơn 2.000 hecta. Hiện nay, sầu riêng của Phong Điền đang bước vào giai đoạn thu hoạch chính vụ, ước sản lượng sầu riêng năm nay của Phong Điền trên 32.600 tấn.
Theo UBND huyện Phong Điền, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều thương lái đến tận các vườn để đặt cọc mua sầu riêng với giá cao. Có trường hợp cắt trái rất sớm trước ngày sầu riêng chín, rồi xử lý hóa chất để chín trái, sau đó đem đi tiêu thụ làm giảm chất lượng và ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng của địa phương.
Vườn sầu riêng sớm của chị Lý Thị Thu Thủy, ở xã Trường Long, huyện Phong Điền bắt đầu chín. Chị Thủy cho biết, thương lái đã đến đặt cọc mua với giá 130.000 đồng/kg đối với sầu riêng Ri 6 loại 1, cao hơn cùng kỳ năm ngoái (giá 83.000 đồng/kg).
"Như vậy, khu vườn của tôi có 1,5ha với sản lượng hơn 35 tấn trái; xem như năm nay kiếm bạc tỉ…", chị Thủy chia vui. Cũng ở xã Trường Long, gần 6 công sầu riêng Ri 6 của ông Nguyễn Văn Nhường cho thu hoạch sớm vụ này được 10 tấn trái. Bán cho thương lái với giá bình quân hơn 120.000 đồng/kg, đảm bảo mức lợi nhuận rất cao so với nhiều loại cây trồng khác.
Theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Điền) cho hay, từ trước Tết Nguyên đán 2024 giá sầu riêng tăng rất cao và duy trì kéo dài đến nay.
Hiện thương lái đến thu mua phục vụ xuất khẩu từ 120.000-130.000 đồng/kg (sầu riêng Ri 6), còn sầu riêng Thái từ 180.000-210.000 đồng/kg, kỷ lục so các năm qua.
"Nếu canh tác hợp lý, sử dụng phân bón cân đối, nhất là dùng nhiều phân hữu cơ giúp chất lượng trái sầu riêng đảm bảo và chi phí đầu tư chỉ dao động tầm 15.000-20.000 đồng/kg. So với giá bán hiện nay thì người trồng sầu riêng trúng rất đậm, khó cây nào theo kịp", ông Chiến phân tích.
Tuy nhiên, gần 1 tháng trở lại đây tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ xuất hiện tình trạng thương lái thu mua sầu riêng non, kém chất lượng, xử lý hóa chất để chín trái, sau đó đem đi tiêu thụ làm ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng của địa phương. Trước thực trạng này, huyện Phong Điền đã yêu cầu các xã, thị trấn nắm chặt tình hình mua bán sầu riêng và khuyến cáo người dân thu hoạch sầu riêng đúng thời điểm để đạt chất lượng cao nhất.
Cẩn trọng trong mua bán sầu riêng, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp
Theo ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc HTX Tân Thới 1, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, nhiều thương lái đến tận vườn thu mua sầu riêng của người dân, khi này thương lái sẽ đẩy giá tăng cao rồi làm hợp đồng viết tay với người dân. Khi đến ngày thu hoạch thương lái sẽ cắt trái khoảng 5% diện tích, sau đó chèn ép nông dân để hạ giá từ 20 đến 30%, nếu người dân không bán thì thương lái bỏ cọc.
Ông Huỳnh Văn Hoảnh chia sẻ, nếu sầu riêng đã cắt một đợt trái mà muốn bán cho thương lái khác thì giá lại tiếp tục giảm từ 30 đến 35% so với giá đã thỏa thuận trước đó. Như vậy, thua thiệt tiếp tục thuộc về người dân, điều này vô tình đã làm ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu trái sầu riêng của địa phương.
Theo ngành chức năng huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ), hiện nay thương lái vào tận vườn đặt cọc mua sầu riêng của người dân vẫn diễn ra. Tuy nhiên, đến khi sầu riêng đến ngày thu hoạch thì không thấy thương lái, lúc này người dân mòn mỏi chờ đợi thương lái. Số tiền đặt cọc của thương lái không nhiều so với thiệt hại mà các nhà vườn phải gánh chịu. Đây có thể được xem là hình thức làm nhiễu thị trường, gây thiệt hại kinh tế cho một nhà vườn và xa hơn là ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng của địa phương.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, thời gian qua có nhiều thương lái vào địa bàn để thu mua sầu riêng, có những thương lái không rõ nguồn gốc thu mua sầu riêng ở các nơi khác nhưng sau đó nói thu mua sầu riêng tại Phong Điền, vô tình đã làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sầu riêng tại địa phương. Có những trường hợp thương lái thu mua sầu riêng kém chất lượng, sầu riêng non để đưa đi xuất khẩu.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, để tránh thiệt hại cho người dân và mất uy tín sầu riêng của địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn nắm chặt diễn biến tình hình mua bán sầu riêng và khuyến cáo người dân thu hoạch sầu riêng đúng thời điểm. Đối với doanh nghiệp đã đăng ký thu mua sầu riêng tại địa phương thì cần ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ và thực hiện đúng các nội dung đã cam kết với người dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, hiện nay diện tích trồng sầu riêng của thành phố gần 5.000 hecta, đây là cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và các địa phương đã tập trung hướng dẫn người dân các biện pháp quản lý dịch hại, chăm sóc, thu hoạch sầu riêng đảm bảo chất lượng, phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Để hạn chế rủi ro cho việc tiêu thụ sầu riêng trong thời gian tới, ngành tập trung nhiều giải pháp để kết nối các vùng trồng được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu; tập trung các giải pháp để thu hút doanh nghiệp xây dựng các cơ sở đóng gói trên địa bàn. Ðồng thời, khuyến cáo bà con thực hiện các giải pháp chăm sóc, nâng cao chất lượng và không thu hoạch trái non, thực hiện tốt các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp./.