Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hướng hữu cơ đang được phát triển mạnh mẽ

Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã hình thành và phát triển kinh tế trang trại theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp; chuyển ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản; dồn điền đổi thửa; phát triển chăn nuôi trang trại ngoài khu dân cư; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng gần 3.000 cơ sở sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại. Trong đó có 195 trang trại đạt tiêu chí theo quy định, diện tích hơn 910 ha, tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng.

Phương thức chăn nuôi chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nhỏ, chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn, theo hướng sản xuất hàng hoá, thay thế dần chăn nuôi trong khu dân cư.

Đồng thời, khai thác triệt để các chính sách hỗ trợ về vốn, về chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.

Các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất như kỹ thuật nuôi cá thâm canh; kỹ thuật chăn nuôi lợn hướng nạc, chăn nuôi gà công nghiệp; lựa chọn bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao được áp dụng rộng khắp.

Hệ thống chuồng trại chăn nuôi, bể nuôi, ươm con giống, mua máy móc, trang thiết bị tiên tiến để phục vụ sản xuất kinh doanh, từng bước thực hiện cơ giới hóa trong quá trình sản xuất nên năng suất và chất lượng sản phẩm vượt trội hơn so với hộ gia đình sản xuất đơn thuần.

214be2c5759dc2ffc3487e1aa2442f802-1664413036.jpg
Ngành Nông nghiệp Bắc Ninh đang tập trung nguồn lực và các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh.

Đặc biệt, đối với những trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng kín có hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn, nước uống tự động đã được ứng dụng rộng rãi ở hầu hết trong các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn và vừa, nhằm tăng mật độ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên một đơn vị diện tích và bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trước những nguy cơ, diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap hoặc theo hướng hữu cơ đang được phát triển mạnh mẽ.

Tổng doanh thu từ kinh tế trang trại đạt hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm, năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận bình quân mỗi trang trại đạt khoảng gần 900 triệu đồng/ năm. Mức thu nhập này vượt trội so với sản xuất nông nghiệp thông thường.

Do vậy, kinh tế trang trại là động lực mới phát huy năng lực kinh tế hộ, đây là điểm đột phá trong bước chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô vừa và lớn.

Ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Ninh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến;

Xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

"Thời gian tới, Bắc Ninh sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư, có cơ chế chính sách nhằm phát triển nhóm danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh theo phương thức sản xuất bằng các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

khu-chan-16255885003916303858193-1664413061.jpg
Khu chăn nuôi lợn nái của gia đình anh tỷ phú nông dân Đào Viết Xuê, xã Phù Lương (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Báo Dân Việt

Tỉnh cũng tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm theo hướng có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và tiến tới thị trường xuất khẩu", ông Đặng Trần Trung thông tin.

Cũng theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh, đối với các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh có tiềm năng phát triển quy mô lớn, tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

Vận chính sách, giải pháp và nguồn lực để mở rộng quy mô, chất lượng, thương hiệu sản phẩm bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khi đủ điều kiện, hướng đến thị trường xuất khẩu, từng bước hình thành nền nông nghiệp xanh, bền vững, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi nền kinh tế địa phương theo hướng kinh tế tuần hoàn...