Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực

Dù tình hình thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở mức cao tại Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực trong tháng 4/2024.
thu-hoach-lua-1714390840.jpg
Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp trong tháng Tư diễn ra trong tình hình thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở mức cao tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chăn nuôi lợn và gia cầm tăng trưởng khá. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả tích cực. Giá bán sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực tăng cao do nhu cầu trong nước và quốc tế tăng, người sản xuất có lợi nhuận tích cực đầu tư mở rộng sản xuất.

Nông nghiệp

Tính đến ngày 15/4/2024, cả nước gieo cấy được 2.948,6 nghìn ha lúa đông xuân, giảm 2,5 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước.

Do thực hiện tốt công tác chăm sóc ngay từ khi gieo cấy nên hầu hết diện tích lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển tốt. Ngay từ đầu vụ, các địa phương ven biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn. Tháng Tư và nửa đầu tháng Năm, xâm nhập mặn đạt đỉnh trùng với thời kỳ lúa đông xuân bắt đầu cho thu hoạch nên nhu cầu nước cần ít hơn, do đó không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất vụ đông xuân.

Về lúa hè thu, tính đến giữa tháng Tư, các địa phương phía Nam gieo cấy được 553,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 130,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 544,8 nghìn ha, bằng 131,2%. Tuy nhiên, vụ hè thu thường chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên trong các tháng mùa khô. Do đó, các địa phương cần áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, bảo đảm nguồn nước tưới cho cây lúa, rà soát cơ cấu mùa vụ và điều chỉnh thời vụ gieo trồng đảm bảo khung thời vụ tốt nhất cho vụ mùa tiếp theo.

Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Tuy nhiên, diện tích một số cây như ngô, đậu tương, lạc tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao.

Chăn nuôi

chan-nuoi-1714390840.jpg
Tính đến ngày 23/4/2024, cả nước không còn dịch tai xanh. Ảnh minh họa

Chăn nuôi trâu, bò có xu hướng giảm. Đặc biệt, đàn trâu có xu hướng giảm rõ rệt ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, một số trang trại nuôi gà thịt kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển. Đàn lợn có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán thịt lợn hơi tăng , tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ.

Tính đến ngày 23/4/2024, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở Vĩnh Long; dịch lở mồm long móng còn ở Sơn La, Quảng Nam và dịch tả lợn châu Phi còn ở 17 địa phương chưa qua 21 ngày.

Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 4/2024 ước đạt 31 nghìn ha, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 7,5 triệu cây, giảm 1,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.481,2 nghìn m3, tăng 8% do giá gỗ nguyên liệu tăng, nhiều địa phương đẩy nhanh tiến độ khai thác. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Trị tăng 39,8%; Yên Bái tăng 38,3%; Bắc Kạn tăng 23,4%; Quảng Ngãi tăng 15,3%. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 68,3 nghìn ha, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 31,1 triệu cây, tăng 2,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5.133,8 nghìn m3, tăng 5,2%.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng là 133,8 ha, giảm 52,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó rừng bị chặt, phá là 75 ha, giảm 55,4%; diện tích rừng bị cháy là 58,7 ha, giảm 47,1%. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, cả nước có388,5 ha rừng bị thiệt hại, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 259,7 ha, giảm 27,1%; diện tích rừng bị cháy là 128,8 ha, giảm 27,5%.

Thủy sản

nuoi-ca-1714390840.jpg
Sản lượng cá tra trong tháng 4/2024 ước đạt 144,7 nghìn tấn. Ảnh minh họa

Sản lượng thủy sản tháng 4/2024 ước đạt 772,4 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 555,5 nghìn tấn, tăng 3,3%; tôm đạt 104,6 nghìn tấn, tăng 3,6%; thủy sản khác đạt 112,3 nghìn tấn, tăng 3,2%.

Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 418,3 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 279,5 nghìn tấn, tăng 5,9%; tôm đạt 92,7 nghìn tấn, tăng 3,9%.

Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do giá bán cá tra duy trì ổn định ở mức khá. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 144,7 nghìn tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Về nuôi tôm, sản lượng tôm trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do thị trường tiêu thụ ổn định, cùng với đó là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang được mở rộng. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 4/2024 ước đạt 65 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 23,7 nghìn tấn, tăng 1,7%.

Đối với thủy sản khai thác, sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 354,1 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi cho việc khai thác thủy sản. Trong tháng, sản lượng cá khai thác đạt 276 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước; tôm đạt 11,9 nghìn tấn, tăng 0,8%; thủy sản khác đạt 66,2 nghìn tấn, tăng 1,7%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 339,4 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 2.713,9 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.996,3 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 297,6 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khác đạt 420 nghìn tấn, tăng 2,3%./.

Đông Nghi