Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của Bắc Giang tăng 19,11%

Sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì đà tăng trưởng từ cuối năm 2023 và có nhiều khởi sắc. Trong 6 tháng năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương này ước tính tăng 19,11% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh.
220240301161857-1719459731.jpg
Bắc Giang tăng cường hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực hiện các thủ tục đầu tư và trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng khá cao so cùng kỳ, ước tăng 26,45%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 315.145 tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch, tăng 28% so cùng kỳ.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 311.986,8 tỷ đồng, tăng 28,14%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước 1.769 tỷ đồng, tăng 14,9%; công nghiệp khai thác 1.076,7 tỷ đồng, tăng 12,18%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải 312,6 tỷ đồng, tăng 8,19%.

10/10 huyện, thị xã, thành phố đều có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng, một số địa phương có mức tăng cao như: Việt Yên tăng 27,23%, Yên Dũng tăng 18,36%, Hiệp Hòa tăng 17,27%, thành phố Bắc Giang tăng 16,3%,...

Tính đến tháng 6, Bắc Giang có 706 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 4,2% so với cùng kỳ, vốn đăng ký đạt 5.931 tỷ đồng. Các doanh nghiệp FDI tiếp tục đóng góp mạnh mẽ vào mức tăng trưởng và quy mô kinh tế của tỉnh, chiếm tỷ trọng trên 33% trong GRDP. Tính đến ngày 16/5/2024, vốn đầu tư quy đổi tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng kết quả thu hút FDI, Bắc Giang đứng thứ 7 cả nước, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Thời gian tới, để đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tỉnh Bắc Giang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chủ động, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý những vấn đề tồn đọng cũng như phát sinh mới nhất là về vốn, thị trường tiêu thụ, lao động, chi phí nguyên vật liệu, xuất nhập khẩu hàng hóa... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất, thúc đẩy phục hồi chuỗi cung ứng, tạo năng lực sản xuất mới./.

Trần Quỳnh