Sản phẩm OCOP đã tìm được chỗ đứng trên thị trường?

Để được chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể phải tốn rất nhiều công sức. Thế nhưng khi “những đứa con tinh thần” được gắn nhãn sản phẩm OCOP thì các "ông chủ" lại gặp khó khăn tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm do độ phủ sóng còn nhiều hạn chế.
san-pham-ocop-1701943566.jpg
Sản phẩm OCOP trong buổi triển lãm, giới thiệu nông sản sạch

Sản phẩm OCOP là gì?

OCOP là sản phẩm hàng hoá có nguồn gốc từ địa phương, mang đặc trưng về giá trị văn hoá, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên và văn hóa vùng miền của mỗi địa phương. Đặc biệt là những sản phẩm đặc sản, sản phẩm của các làng nghề và các sản phẩm du lịch cộng đồng… được Hội đồng cấp huyện và cấp tỉnh thẩm định công nhận theo Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Sau 5 năm thực hiện, nhiều sản phẩm chất lượng đã được Hội đồng thẩm định là sản phẩm OCOP, từ đó đưa thương hiệu sản phẩm lên một tầm cao mới, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, khác với sự kỳ vọng của chủ sản phẩm, bởi lẽ khi những đứa con cưng của mình đã được “gắn sao” thương hiệu nhưng độ “tỏa sáng” trên thị trường lại rất hạn chế, nhiều người dân còn chưa biết đến sản phẩm OCOP.

Tại tỉnh Thanh Hóa, sau 5 năm thực hiện “chương trình mỗi xã một sản phẩm”, đến nay toàn tỉnh đã có 445 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao; 338 sản phẩm 3 sao. Thế nhưng nhiều sản phẩm OCOP vẫn “vắng bóng” trên kệ hàng của các trung tâm thương mại, siêu thị…

san-pham-ocop-2-1701943675.jpg
Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh chưa cao

Bà Nguyễn Thị Út Thương, chủ cửa hàng tạp hóa tại phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa ngạc nhiên khi được hỏi vì sao không đưa sản phẩm OCOP về bán: “Sản phẩm OCOP là gì vậy, có đắt không, có bán chạy hay không…”

Không chỉ thiếu về sân chơi, sản phẩm OCOP thậm chí còn khó cạnh tranh với sản phẩm thường bởi giá thành cao hơn do phải đầu tư mẫu mã, bao bì… trong khi người tiêu dùng thường có tâm lý lựa chọn những sản phẩm tươi ngon, bổ rẻ.

Chia sẻ về sự chọn lựa giữa sản phẩm thường và sản phẩm OCOP, chị Nguyễn Thị Lệ, công nhân khu công nghiệp Lễ Môn cho biết: “Vẫn biết sản phẩm OCOP chất lượng tốt, có xuất xứ rõ ràng, nhưng giá thành lại cao, nên tôi hay mua những sản phẩm thường, rất ít khi dùng các sản phẩm OCOP, nếu có thì chỉ mua làm quà biếu trong các dịp lễ tết”.

Theo tìm hiểu, phần lớn những sản phẩm OCOP tại Thanh Hóa đều có chuỗi cửa hàng trưng bày, giao dịch sản phẩm, nhưng vẫn còn hạn chế. Điều này tạo ra trở lực lớn cho việc tiếp thị sản phẩm. Một sản phẩm khi được tung ra thị trường cần tính đến việc thu hút khách hàng và tiếp cận đến với khách hàng. Điểm bày bán thiếu, mặc nhiên người dân sẽ không thể tiếp cận được với sản phẩm, sức tiêu thụ sản phẩm vì thế bị hạn chế.

Quảng bá hạn hẹp, OCOP khó cạnh tranh

Để xây dựng thương hiệu là sản phẩm OCOP đã khó, nhưng việc đưa sản phẩm đến với công chúng còn khó khăn hơn. Trừ những dịp quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại do chính quyền, liên minh HTX tổ chức thì phần lớn các chủ sở hữu sản phẩm đều tự mày mò bày bán, quảng bá qua mạng xã hội, showroom, các cửa hàng và thương lái quen thuộc, chính bởi vậy lượng người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm còn khiêm tốn.

Chia sẻ về những khó khăn trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, anh Nguyễn Văn Tuấn chủ doanh nghiệp sở hữu 6 sản phẩm OCOP về đông trùng hạ thảo huyện Nga Sơn cho biết: “Doanh nghiệp của tôi đa số bán hàng qua các trang mạng xã hội, hoặc bán tại cửa hàng, các điểm kinh doanh, ngoài ra cũng phối hợp với các HTX khác để trưng bày sản phẩm. Còn để đưa sản phẩm vào siêu thị bán chỉ có lỗ vì sản phẩm cần phải bảo quản đúng kỹ thuật, hơn nữa, chiết khấu tại các trung tâm thương mại rất cao”.

Hiện nay, việc tiếp cận các kênh bán hàng qua trung tâm siêu thị, hệ thống thương mại là rất khó, đặc biệt là những HTX sản xuất nông nghiệp số vốn lưu động nhỏ, nên những sản phẩm được công nhận OCOP nhưng vẫn khó mở rộng thị trường. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ thông qua các nền tảng mạng xã hội, bán lẻ, hoặc bán qua các thương lái quen nên thị trường không ổn định, giá trị kinh tế không cao.

Ông Hoàng Văn Mao, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thắng, cho biết: Trên địa bàn hiện có khoảng 30 ha sản xuất dưa hấu, song chỉ có 5 ha được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. HTX cũng mong muốn đưa sản phẩm vào tiêu thụ ở hệ thống phân phối hiện đại. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm vào các siêu thị, hệ thống thương mại hiện đại cần chi phí lớn để vận chuyển, thủ tục, hồ sơ nhiều, thời gian quay vòng, thu hồi vốn lâu”.

Không chỉ khó khăn về nguồn vốn, một số sản phẩm OCOP ở các huyện miền núi còn gặp những khó khăn về giao thông và chi phí vận chuyển, dẫn đến giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng tăng lên rất khó cạnh tranh với những sản phẩm thường.

Ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX Dược liệu Pù Luông, cho biết: “Mật ong Pù Luông được công nhận OCOP 3 sao năm 2021. Mặc dù, sản phẩm đã được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng nhưng do điều kiện địa lý cách trở, dẫn đến khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm bị hạn chế nên phần lớn sản lượng mật ong được sản xuất ra tiêu thụ theo hình thức truyền thống, bán tự do trên thị trường”.

Theo lãnh đạo của các địa phương, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chủ sản phẩm loay hoay tìm thị trường tiêu thụ là do sản xuất quy mô nhỏ, việc hình thành chuỗi sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn ít. Ngoài ra, nhiều đơn vị sản xuất chưa chú trọng đầu tư quảng bá sản phẩm, mẫu mã còn nghèo nàn, nhiều sản phẩm sản xuất mang tính thời vụ nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Chị Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX sản xuất và thương mại Vinaco, đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ hồ sơ, thủ tục cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xúc tiến thương mại lại cho rằng, để sản phẩm OCOP có được vị thế trên thị trường trước hết cần sự nỗ lực của chủ sản phẩm.

“Nhà nước đã hỗ trợ vốn để thiết kế mẫu mã cũng như quảng bá thương hiệu cho các HTX, ngoài ra phía Liên minh HTX cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để chủ sản phẩm tiếp cận các kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên do khoảng cách về địa lý nên nhiều HTX không tham gia được. Bên cạnh đó, một số đơn vị vẫn giữ lối kinh doanh truyền thống dẫn đến giá trị sản phẩm không cao, lượng tiêu thụ không nhiều”.

Cũng theo chị Vân, để giải quyết vấn đề này, trước hết không chứng nhận sản phẩm OCOP cùng một sản phẩm tại các địa phương gần nhau, mà tập trung đầu tư phát triển vào một đầu mối bao tiêu sản phẩm cho cả vùng. Có như vậy HTX mới lớn mạnh, có sức cạnh tranh hơn.

Được chứng nhận sản phẩm OCOP đã khó, nhưng để các sản phẩm có thương hiệu đến với công chúng còn khó khăn hơn. Để giải quyết vấn này, cần chung tay vào cuộc của HTX, các ban, ngành và hệ thống chính trị của địa phương. Tạo điều kiện để doanh nghiệp được đào tạo, tập huấn, tiếp cận với các kỹ năng quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần được tiếp cần các nguồn vốn ưu đãi để tiếp tục đầu tư khoa học công nghệ vào trong sản xuất từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP./.

Hà Khải