Ngày hội cây cảnh đem rộn ràng sắc xuân đến với vùng quê Cẩm Hà

Vừa qua, xã Cẩm Hà, TP. Hội An vừa đón bằng công nhận nghề truyền thống “Trồng quật Cẩm Hà” và tổ chức thành công “Ngày hội cây quật cảnh” Cẩm Hà 2024. Trước đó, ngày 4/12/2023, Sở NN&PTNT Quảng Nam đã công nhận “Nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam” đối với nghề trồng quật (quất - PV) Cẩm Hà.
don-bang-cong-nhan-nghe-tt-1706267814.jpg
Năm nay, nghề trồng quật (quất - PV)  tại xã Cẩm Hà được công nhận là nghề truyền thống. Ảnh: Cáp Vương

Rộn ràng quật cảnh nghinh xuân

“Ngày hội cây quật cảnh” lần thứ VIII năm 2024 được xã Cẩm Hà (Hội An) tổ chức lớn hơn mọi năm. Cũng tại chương trình khai mạc ngày hội, lãnh đạo TP. Hội An trao Bằng công nhận nghề trồng quật Cẩm Hà là nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam. Đây là 1 trong 6 nghề được Sở NN&PTNT công nhận là nghề truyền thống theo Quyết định 631 ngày 4/12/2023.

Ngày hội này được Ủy ban nhân dân xã Cẩm Hà tổ chức nhằm quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hóa làng nghề trồng hoa cây cảnh, nhất là cây quật cảnh Cẩm Hà. Tại ngày hội, Ủy ban nhân dân xã cũng tạo điều kiện cho bà con nông dân, các nghệ nhân giao lưu mua bán quật cảnh trong dịp tết Giáp Thìn năm 2024, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thêm sản phẩm du lịch cho địa phương.

chup-hinh-cung-quat-canh-1706267814.jpg
Đến tham quan ngày hội, du khách được ngắm nhìn và chụp ảnh với hàng trăm cây quật tạo hình độc đáo, ấn tượng từ bàn tay của các nghệ nhân hàng đầu làng quật cảnh Cẩm Hà. Ảnh: Cáp Vương

Ngày hội năm nay khá sôi động và thu hút sự tham gia của nhiều du khách lẫn người dân địa phương. Ông Bùi Phước Hữu (phường Sơn Phong, thành phố Hội An) cho biết: “Năm nào địa phương tổ chức ngày hội cây cảnh tôi cũng đến. Tôi đi tham quan học hỏi những tác phẩm và thấy công sức lao động của người trồng quật rất đáng quý”.

Cùng đến tham gia ngày hội, ông Trần Trung Hưng (phường Cẩm Phô, thành phố Hội An) chia sẻ: “Tôi là người Hội An nhưng cũng là lần đầu đến ngày hội này. Tôi thấy hội thi và những dịp như thế này rất hay và ý nghĩa. Vì Tết đến, mỗi gia đình đều có chưng chậu quật hoặc chậu cúc. Năm nay đến tham quan, tôi thấy có rất nhiều chậu đẹp, bắt mắt, cuốn hút”.

Theo ghi nhận, quy mô và chất lượng của ngày hội lần thứ VIII cũng được du khách và người dân đánh giá cao. Bà Huỳnh Sương (phường Cửa Đại, Hội An) cho biết: “Mình tham dự ngày hội này cũng là lần thứ ba, thứ tư rồi. Năm nay thì mọi người tổ chức hoành tráng hơn mấy năm trước, vui hơn nhiều, cũng có nhiều chương trình hơn, khách đến thăm cũng đông hơn”.

gian-hang-cho-phien-1706267813.jpg
Tại đây còn có các gian hàng chợ phiên, các sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công,... Ảnh: Cáp Vương

Tham gia ngày hội, du khách còn được tham quan, thưởng thức những món ăn, thức uống được chế biến từ trái quật như: nước quật, rượu quật, mứt quật… Bà Trần Thị Kim Soi, chủ 1 gian hàng trong ngày hội, cũng chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi tham gia ngày hội này. Không khí năm nay đông vui hơn, chương trình cũng hấp dẫn hơn. Người dân cũng tham gia nhiều hơn so với mọi năm”.

Cũng trong sự kiện này, UBND xã Cẩm Hà đã vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh và những nông dân tiêu biểu trong việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, đồng thời phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Niềm vui nhân đôi khi đón bằng công nhận nghề truyền thống

Xã Cẩm Hà nổi tiếng với hai thương hiệu là rau Trà Quế và quật cảnh Cẩm Hà. Đây được xem là hai nghề mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho đại đa số người dân, đồng thời cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế và tạo môi trường phát triển du lịch làng quê sinh thái hiệu quả nhất trong thời gian gần đây.

Năm nay, hòa chung không khí vui tươi của ngày hội, người dân và các nghệ nhân trồng quật càng hào hứng hơn khi được đón Bằng công nhận nghề truyền thống. Đây là sự công nhận có ý nghĩa lớn với người dân tại xã Cẩm Hà, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế và văn hóa của cộng đồng người nông dân trồng quật. 

Ông Bùi Phước Hữu (phường Sơn Phong, thành phố Hội An) cho biết: “Sở công nhận nghề truyền thống này thì tốt cho dân quá. Sự công nhận này sẽ góp phần quảng bá cho cả đất nước về quật cảnh Cẩm Hà, cho những ai có nhu cầu chưng cây. Tôi thấy cây này dùng trang trí trong ngày xuân rất đẹp và ý nghĩa”.

Cũng là người đang kinh doanh sản phẩm về quật và có một quầy hàng tham gia trong “Ngày hội cây quật cảnh” lần thứ VIII, chị Trần Thị Kim Soi (phường Điện Nam Đông, Điện Bàn) chia sẻ: “Bản thân tôi là người ở Cẩm Hà và làm sản phẩm từ trái quật, việc được đón bằng công nhận là nghề truyền thống của Quảng Nam là cơ duyên, và cũng là niềm tự hào của người dân Cẩm Hà. Không chỉ riêng bản thân tôi mà người dân Cẩm Hà đều thấy hạnh phúc, tự hào”.

quang-canh-ngay-hoi-quat-canh-1706267814.jpg
Quang cảnh “Ngày hội cây quật cảnh” lần thứ VIII năm 2024 xã Cẩm Hà. Ảnh: Cáp Vương

Ông Mai Kim Phương – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà phấn khởi cho biết, cây quật hiện nay là ngành kinh tế mũi nhọn, là nguồn thu nhập chính của bà con nông dân tại xã Cẩm Hà trong năm. Vì vậy, người dân rất quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng. Địa phương cũng luôn tuyên truyền, vận động bà con nông dân không nên phát triển mạnh về số lượng mà tập trung phát triển về chất lượng với hình dáng độc đáo, tăng cường quật thế, quật lớn để tăng giá trị và tăng thu nhập.

Có thể thấy qua từng năm, số lượng cây quật ít hơn nhưng chất lượng, cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật, đều đạt yêu cầu và đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Tay nghề người nông dân ngày một nâng cao, đồng thời càng tỉ mỉ trong từng công đoạn, tạo thế, tạo dáng cây quật,... nên giá trị của cây quật mỗi năm cũng cao hơn. 

nguoi-dan-du-khach-vs-ngay-hoi-1706267814.jpg
Người dân, du khách háo hức tham quan ngày hội. Ảnh Cáp Vương
du-khach-tham-quan-chup-anh-quat-1706267814.jpg
Du khách thích thú tham quan, chụp ảnh lưu niệm các cây quật thế, quật dáng. Ảnh: Cáp Vương

Được biết, xã Cẩm Hà hiện có khoảng 65 ha trồng quật và hoa cây cảnh. Thu nhập từ kinh tế vườn, đặc biệt là từ cây quật cũng ngày càng tăng cao. Kinh tế vườn nói chung và nghề trồng quật nói riêng đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Thống kê bình quân mỗi năm doanh thu từ nghề trồng quật tại “thủ phủ” quất cảnh miền Trung lên đến 45 tỷ đồng. Đến nay, bình quân mỗi năm doanh thu đã lên đến 45 tỷ đồng. Riêng năm vừa rồi, doanh thu từ nghề trồng quật đạt gần 50 tỷ đồng.

Trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, người nông dân tại xã Cẩm Hà đã trồng 65 nghìn chậu quật cảnh và hơn 350 nghìn cây quật đất. Thời điểm này, các thương lái ở các tỉnh thành đều đã đặt cọc và thu mua hơn 70% số quật cảnh tại vườn của các hộ dân với mức giá ổn định. 

Theo đại diện UBND xã Cẩm Hà, thời gian đến địa phương sẽ định hướng việc nâng cao chất lượng, kỹ - mỹ thuật trồng cây quật cảnh để nâng cao giá trị; tìm hướng đi mới phát triển mô hình quật đất hữu cơ để tạo ra các sản phẩm sạch từ trái quật. Bên cạnh đó, định hình liên kết các nhà vườn trong xã để có thể phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch từ nông nghiệp như: tham quan và check in vườn quật, tham gia trực tiếp trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm từ cây quật./.

Bảo Hân