Lào cai: Rào cản tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp

Khó khăn cơ bản nhất trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại Lào Cai hiện nay là vấn đề tích tụ, tập trung đất đai.

Đây là phản ánh của các đại biểu, doanh nghiệp tại Hội nghị trực tuyến quán triệt triển khai Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức vào ngày 16/12 tại thành phố Lào Cai.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết; trong đó nhấn mạnh đến các rào cản cho vấn đề tích tụ đất đai.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, một trong những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh này là vấn đề đất sản xuất.

Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Lào Cai còn nhiều bất cập, hiện trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp và cơ sở dữ liệu đất quản lý có sự sai khác. Việc quản lý quy hoạch còn hạn chế, nhiều diện tích người dân tự chuyển đổi cây trồng vật nuôi không theo kế hoạch nên khó theo dõi, quản lý; việc quy chủ diện tích rừng và đất lâm nghiệp còn gặp khó khăn...

phu-tho-310721-1-1639650189.jpeg
Ảnh minh hoạ

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai Đỗ Văn Duy cho biết, phần lớn đất nông nghiệp của người dân đang sử dụng trên địa bàn tỉnh chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất là không hợp pháp nên không đủ căn cứ để thực hiện hỗ trợ.

Theo ông Phan Nhật Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chăn nuôi Xuân Tiến tại huyện Bảo Thắng, nhiều trường hợp người dân đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không muốn cho các tổ chức, cá nhân khác thuê dài hạn, dẫn đến rất khó tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn.

Nhằm giải quyết những khó khăn trong vấn đề tích tụ đất sản xuất, tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, ngay đầu năm 2022, tiến hành rà soát lại toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai để điều chỉnh cho phù hợp với mục đích sử dụng; khuyến khích liên kết, tập trung đất đai.

Trong thời gian tới, Lào Cai sẽ tập trung quy hoạch, phát triển tạo thành vùng sản xuất hàng hóa 6 ngành hàng chủ lực như sản xuất chè, dược liệu, cây chuối, cây dứa, chăn nuôi lợn, cây quế, phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương.

Để thực hiện mục tiêu đó, năm 2022, Lào Cai sẽ thực hiện chuyển đổi 1.568 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang phát triển ngành hàng chủ lực đảm bảo đủ diện tích cho 860 ha chè, 330 ha chuối, 280 ha dứa, 98 ha dược liệu.

Ngoài ra, tại hội nghị các đại biểu, doanh nghiệp cũng nêu ra một số khó khăn thuộc về các lĩnh vực khác như: đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hình thức tổ chức sản xuất; ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất...

Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng Trần Minh Sáng cho biết, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư vào địa bàn hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cùng với đó, theo Bí thư Huyện ủy Bắc Hà Nguyễn Duy Hòa, tại địa phương, hình thức tổ chức sản xuất còn yếu, cơ bản vẫn là kinh tế hộ, manh mún nhỏ lẻ; quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất mang tính tự phát.

Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Traphacosapa Đỗ Tiến Sỹ đề nghị, Lào Cai cần có cơ chế cụ thể hơn trong việc hỗ trợ liên kết giữa các ngành theo chủ trương phát triển dược liệu gắn với du lịch; tăng cường hơn nữa mối liên kết "4 nhà" (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp)...

Để thực hiện tốt Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương của Lào Cai tập trung tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết gắn với phong trào thi đua thường xuyên liên tục.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai nhấn mạnh, người đứng đầu các địa phương, ban, ngành của Lào Cai cần có quyết tâm chính trị cao trong quá trình thực hiện và cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu bằng các kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để đưa cơ chế, chính sách vào đời sống, tạo nguồn lực tập trung đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.

Theo Nghị quyết, giai đoạn 2021-2025, Lào Cai đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt khoảng 5,5%/năm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (giá so sánh 2010) đến năm 2025 đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 3.300 tỷ đồng so với năm 2020; tạo việc làm tăng thêm cho trên 16.000 lao động, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 35 triệu đồng/người/năm; Giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực đến năm 2025 đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 2,6 lần (tăng 4.000 tỷ đồng) so với năm 2020, chiếm khoảng 55% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp./.