Bài học kinh nghiệm đắt giá từ ngành nông nghiệp của đất nước 1,4 tỷ dân

GS. Jikun Huan, Giám đốc Trung tâm Chính sách Nông nghiệp Trung Quốc (Đại học Bắc Kinh) chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc về chuyển đổi sang nền nông nghiệp giảm phát thải.
nong-nghiep-trung-quoc-5-optimized-1639629619.jpg
Ảnh minh họa

Trong 4 thập kỷ vừa qua, Trung Quốc có mức tăng trưởng nông nghiệp và dân số hàng năm khá ngoạn mục trong mức tăng trưởng chung toàn cầu.Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức liên quan đến thu nhập của người nông dân tại khu vực nông thôn.

Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nông thôn tăng trung bình 7,3%/năm kể từ năm 1978 nhưng chênh lệch về thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn vẫn ở mức cao. Đặc biệt trong giai đoạn 2003 - 2013 mức chênh lệch là gấp 3 lần.

Bên cạnh đó, mặc dù Trung Quốc sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn lương thực thực phẩm từ đầu những năm 2000. Ngoài ra, Trung Quốc đã phải trả giá đắt cho việc tăng trưởng sản lượng trong những năm trước bằng sự suy thoái tài nguyên và môi trường đe dọa tới phát triển bền vững.

Theo đó, Trung Quốc đã có nhiều chính sách và chiến lược quốc gia để đảm bảo thu nhập khu vực nông thôn. Cụ thể, từ năm 2004, Trung Quốc chuyển dịch chính sách từ đánh thuế sang trợ cấp cho nông nghiệp. Những trợ cấp này được chuyển sang hỗ trợ thu nhập vừa học vừa làm cho người dân ở nông thôn từ năm 2016.

Giai đoạn 2004 - 2014, Trung Quốc có sự can thiệp mạnh mẽ vào thị trường nông sản để nâng cao thu nhập và sản xuất của nông dân. Tuy nhiên việc can thiệp vào thị trường đã dẫn đến những vấn đề về quan hệ cung cầu và vấn đề cơ cấu ngành nông nghiệp Trung Quốc.

“Đó là bài học kinh nghiệm đắt giá. Từ năm 2014 - 2015, Trung Quốc bắt đầu loại bỏ dần việc can thiệp thị trường đối với tất cả mặt hàng ngoại trừ ngũ cốc (gạo, lúa mì) và bông ở Tân Cương. Chúng tôi cũng chuyển dịch chính sách sang trợ cấp thu nhập không gắn với và sản lượng từ năm 2016”, GS. Jikun Huan chia sẻ. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra những chiến lược phát triển tích hợp đô thị - nông thôn từ năm 2018.

Trong lĩnh vực an ninh lương thực, Trung Quốc đã ban hành chiến lược Dự trữ thực phẩm trong công nghệ từ năm 2015. Điểm nổi bật trong chiến lược là việc nâng cao, đổi mới năng lực nghiên cứu và phát triển, cụ thể là công nghệ sinh học và công nghệ kỹ thuật số. Trung Quốc đã chi ngân sách 4,1 tỷ USD vào năm 2015 cho nghiên cứu, phát triển nông nghiệp.

Chiến lược Dự trữ thực phẩm trong đất từ năm 2015 của Trung Quốc đã đặt ra giới hạn về canh tác đất (120 triệu ha) và đẩy mạnh cải thiện chất lượng đất đai dựa trên việc xây dựng các nông trại tiêu chuẩn cao. Trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, từ năm 1999, Trung Quốc đã triển khai Chương trình ngũ cốc xanh, qua đó chuyển đổi đất dốc nông nghiệp sang đất rừng hoặc đất trồng cỏ để cải thiện môi trường sinh thái và nông nghiệp bền vững.

Từ năm 1999, Trung Quốc cũng triển khai Chương trình bảo vệ tài nguyên rừng tự nhiên bằng cách ngừng hoàn toàn việc khai thác gỗ thương mại. Từ năm 2011, Chương trình đền bù sinh thái đồng cỏ nhằm giảm cường độ chăn thả thông qua đền bù được triển khai tại tất cả các tỉnh có diện tích đồng cỏ lớn. Năm 2015, Trung Quốc thực hiện kế hoạch hướng tới tỷ lệ tăng trưởng của hóa chất được sử dụng bằng 0 vào năm 2020. Theo đó, việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đã giảm thiểu những năm gần đây.

“Từ những bài học kinh nghiệm của Trung Quốc, để nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, Việt Nam rất cần những cam kết chính trị trong cải cách thể chế, hỗ trợ chính sách và đầu tư vào nông nghiệp”, GS. Jikun Huan nhấn mạnh./.