Quyết liệt xử lý tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm

Việc nhập lậu gia súc, gia cầm không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chăn nuôi trong nước, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm đến các đàn gia súc, gia cầm...
chan-nuoi-1-1697688782.jpg
Việc nhập lậu gia súc gia cầm gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành chăn nuôi trong nước. Ảnh minh họa

Theo thông tin tại "Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững" mới đây, trong 5 năm trở lại đây, chăn nuôi là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng ổn định nhất (4,5-6%). Tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng trưởng trung bình 2,7%/năm; sản lượng trứng tăng 7,1%/năm và sản lượng sữa tươi nguyên liệu tăng 4,5%/năm. Ngày càng có nhiều sản phẩm chăn nuôi được mở rộng xuất khẩu như mật ong, lợn sữa, tổ yến, trứng vịt muối, sữa và thịt gà chế biến…

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới vào Việt Nam diễn ra rất phức tạp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường cung cấp giống gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan ở nội địa mà còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm đến các đàn gia súc, gia cầm tại Việt Nam.

Trong số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. Mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam. Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền trung và miền nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia.

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam thẳng thắn chỉ ra rằng tình trạng buôn lậu gia súc gia cầm diễn biến hết sức phức tạp từ nhiều năm nay, nhất là những lúc chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và ngước ngoài. Hậu quả là gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành chăn nuôi trong nước, làm giảm sức cạnh tranh của gia cầm trong nước với sản phẩm nhập lậu. Do đó, việc phòng chống buôn lậu phải làm thường xuyên liên tục chứ không chỉ làm từng đợt cao điểm.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cũng chỉ ra rằng hệ lụy từ nhập lậu gia cầm là dịch bệnh lan tràn từ các nước khác vào Việt Nam. Công tác chống buôn lậu, nhập lậu vô cùng quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Do đó, hoạt động này cần được quan tâm đúng mực và đấu tranh quyết liệt.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng hiện tại các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện... về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... đã có đầy đủ, vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả. Các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh cần phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống thú y các cấp từ tỉnh tới thôn bản. Xây dựng lực lượng này thành một khối thống nhất, liên kết chặt chẽ theo tinh thần làm việc bằng hết tâm trí, có trách nhiệm để bảo vệ ngành chăn nuôi, doanh nghiệp, người sản xuất trong nước.

Đông Nghi