Đọc diễn văn tại buổi lễ, ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn manh, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vị trí, vai trò, tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước, cùng với cả nước, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Quảng Trị đã phát huy truyền thống văn hóa và cách mạng, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, phấn đấu cống hiến to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tỉnh Quảng Trị như hình ảnh của cả nước Việt Nam thu nhỏ: Hai miền, hai khu vực với hai chế độ khác nhau. Trong cùng một lúc, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Trị đồng thời tiến hành 2 nhiệm vụ cách mạng cao cả đó là xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và miền Nam tiếp tục đấu tranh thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến tới thống nhất nước nhà.
Các phong trào thi đua yêu nước như: "Đánh giặc lập công", "Xe chưa qua, nhà không tiếc", "Tòng quân nhập ngũ", "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", … đã được quân và dân Quảng Trị hưởng ứng tích cực, cùng với cả nước hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Giai đoạn này, Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh (đơn vị hành chính độc lập thuộc Trung ương) đã đẩy mạnh các phong trào “Vượt gió duyên hải”, “Nổi gió đại phong”, phất cờ “Ba nhất”… Nhờ vậy thu được những kết quả hết sức to lớn trên tất cả các lĩnh vực, tiêu biểu là xây dựng công trình Thủy lợi La Ngà, có ý nghĩa kinh tế - xã hội hết sức to lớn...
Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh ngoài đặc điểm khó khăn chung như nhiều địa phương khác trên cả nước còn phải hứng chịu những hậu quả chiến tranh rất nặng nề. Với truyền thống cách mạng anh hùng, bản chất tốt đẹp của người dân Bình - Trị - Thiên đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.
Trong giai đoạn này, tỉnh đã tập trung xây dựng hợp tác xã cấp xã điểm, tiếp tục triển khai xây dựng các nông trường, “xây dựng huyện Hướng Hóa thành một miền núi kiểu mẫu” đã tích cực quy hoạch lại vùng trồng lúa nước, trồng màu, đồng thời kết hợp với phát triển thủy lợi… Tổ chức Binh đoàn lao động xung kích 4.000 người tại công trường Thủy nông Nam Thạch Hãn. Công trình thủy lợi này đã đưa sản lượng lúa đồng bằng Triệu Hải từ gần 5 vạn tấn lên 6,2 vạn tấn khi mới đưa vào sử dụng, về sau thì năng suất và tổng sản lượng đều tăng gấp đôi, hầu như giải quyết tận gốc tình trạng hạn hán vào mùa nắng và ngập úng vào mùa mưa, thực sự mở ra một trang mới trong sản xuất nông nghiệp.
Trong thời kỳ đổi mới, nhất là sau hơn 34 năm tái lập tỉnh, các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh đã phát triển liên tục, rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị, thể hiện sự phong phú về hình thức, sâu sắc về nội dung và đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với việc “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với các phong trào tiêu biểu như: Xóa đói giảm nghèo, Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, 5 xung kích, 4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào nhân rộng mô hình câu lạc bộ 100 triệu góp phần xóa đói, giảm nghèo của đồng bào miền núi, mô hình kinh tế 50 triệu đồng/ha; Dạy tốt, học tốt, thi đua Quyết thắng, Vì an ninh Tổ quốc, Dân vận khéo, Ngày vì người nghèo...".
Đặc biệt, phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng Nông thôn mới” được các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, trở thành phong trào thi đua rộng khắp, thiết thực và hiệu quả. Phong trào này lồng ghép các nguồn lực, đảm bảo các chương trình đầu tư thực hiện hiệu quả, đúng kế hoạch đề ra; góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Từ những phong trào thi đua yêu nướcs, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả mọi lĩnh vực. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá đạt 7,5-8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; GRDP bình quân đầu người đạt 85-90 triệu đồng/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu phát triển. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đến nay, Quảng Trị “đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước”.
Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng nghìn tỉ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, tác động lan toả trong cả nước, đến mọi tầng lớp nhân dân.
Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị cũng nhấn mạnh thêm, để phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong thời gian tới đạt hiệu quả cao. Qua đó, ông Võ Văn Hưng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung và sự phát triển của tỉnh nói riêng.
Hai là, bám sát nội dung, định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chủ đề thi đua là: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua, khen thưởng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Ba là, Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, trọng tâm là phát triển kinh tế nhanh, bền vữngvà chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, phải phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân, là ngọn cờ dẫn đầu trong các phong trào thi đua.
Bốn là, Cần tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền về những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là các nhân tố mới, để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng trong toàn xã hội, tạo động lực phát triển và lan toả sâu rộng trong từng đơn vị, cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Các cấp, các ngành, cơ quan thông tin, báo chí cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tốt việc học tập, nhân rộng điển hình tiên tiến. Qua đó, phát triển, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua.
Cũng tại buổi lễ, ông Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân; các dân tộc; tôn giáo; các cấp, các ngành, các địa phương, lực lượng vũ trang phát huy cao độ lòng tự hào dân tộc và giá trị truyền thống, văn hóa đặc sắc của người Quảng Trị, nhiệt tình hưởng ứng các phong trào thi đua để tạo nên thật nhiều kết quả sáng tạo, thiết thực.
Dịp này, tỉnh Quảng Trị đã tặng Bằng khen cho 26 tập thể và 53 cá nhân vì có thành tích trong phòng trào thi đua yêu nước thời gian qua.