Tỉnh Quảng Ninh hiện có 7.966 tàu; trong đó có trên 200 tàu đánh bắt xa bờ (từ 15m trở lên), còn lại là các tàu đánh bắt vùng ven biển (nhỏ hơn hoặc từ 6m đến dưới 15m). Các tàu cá trong tỉnh hoạt động các nhóm nghề chủ yếu như: Lưới chụp, lưới kéo, lưới rê, câu, pha xúc, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản và nghề khác; ngư trường khai thác chủ yếu vùng biển Vịnh Bắc Bộ, một số tàu cá hoạt động tại vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ.
Thời gian vừa qua giá nhiên liệu liên tục tăng khiến ngư dân đi đánh bắt gần như thua lỗ, đỉnh điểm là ngày 11/3, giá dầu diezel chạm mốc gần 26.000 đồng/lít. Anh Hoàng Văn Chất, ở xã Đường Hoa, huyện Hải Hà, chủ tàu cá số hiệu QN/90878/TS buồn bã chia sẻ, tàu anh thuộc nhóm đánh bắt xa bờ, sau chuyến biển cập bến từ ngày 8/3 đến nay tàu anh đã đỗ bến, dừng nghỉ vì sau khi hạch toán đã bị lỗ khoảng 130 triệu đồng. Anh Chất cho biết dầu là chi phí lớn nhất trong các chi phí, nhưng thời gian vừa qua giá dầu tăng liên tục nên sản lượng đánh bắt không đủ để trang trải, tiền công cho 5 lao động bị nợ lại, anh Chất chia sẻ anh rất lo lắng vì gia đình anh vẫn còn nợ ngân hàng trên 1 tỷ đồng, nhưng nghề mưu sinh chính là đánh bắt bị thua lỗ thì không biết nhìn vào đâu để trả nợ và nuôi gia đình. Anh Chất khẳng định với giá dầu hiện nay không dám ra khơi, vì càng làm càng bị âm vào vốn, công nhân cũng đã cho nghỉ.
Tại Cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) có gần 400 tàu cố định, nhưng chỉ có khoảng 20 tàu đi khai thác, còn lại đang dừng nghỉ, chủ yếu là các tàu đánh ở tuyến ven bờ.
Theo anh Lưu Văn Duy, Tổ Kiểm soát Cảng cá Cái Rồng thuộc Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, giá dầu tăng nên nhiều tàu nghỉ và dự kiến sẽ có thêm tàu nghỉ vì trong chuyến vừa rồi thống kê ban đầu có khoảng 90% số tàu bị lỗ, có rất ít tàu hòa vốn.
Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết, hiện nay có đến 70% tàu đánh bắt xa bờ và khoảng 55% tàu đánh bắt ven bờ dừng nghỉ không ra khơi vì không gồng gánh được chi phí. Phần lớn các chủ tàu đang nghe ngóng tình hình điều chỉnh giá dầu chứ chưa có ý định ra khơi.
Bên cạnh giá dầu, ngư dân còn gánh thêm các loại chi phí khác như: Nước đá, chi phí sửa chữa ngư cụ, thuê lao động, mua lương thực, thực phẩm…Tỷ lệ chi phí dành cho việc mua dầu diezel để hoạt động đối với nhóm tàu làm nghề lưới kéo, nghề lưới chiếm trên 60% tổng chi phí của chuyến biển, đối với nhóm nghề lưới rê và câu thì chi phí mua dầu diezel chiếm vào khoảng 50% tổng chi phí chuyến biển. Do đó phần lớn các chủ tàu đang cho tàu đỗ nghỉ.
Đối với số ít tàu còn bám trụ buộc chủ tàu giảm chi phí hoạt động sản xuất bằng cách: giảm nhân lực lao động trên mỗi đơn vị thuyền nghề, không thuê thêm người làm ngoài gia đình, kéo dài thời gian hoạt động trên biển; một số tàu phải chuyển sang hoạt động kiêm nghề.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh thông tin, giá xăng dầu tăng đột biến khiến việc sản xuất của ngư dân gặp khó khăn do chi phí sản xuất của một chuyến đi biển tăng hơn so với bình thường rất cao. Ngư dân hiện về bờ và đang theo dõi tình hình biến động của giá dầu, họ hy vọng tới đây giá nhiên liệu hạ nhiệt. Đơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đề xuất, kiến nghị với Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí mua dầu cho ngư dân khai thác thủy sản; vốn đóng mới, cải hoán nâng cấp, thay máy sang máy ít tiêu hao nhiên liệu…
Đồng thời, cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho một bộ phận ngư dân để giảm áp lực đến nguồn lợi ven bờ, chuyển từ nghề đánh bắt gây xâm phạm nguồn lợi, hiệu quả thấp sang các ngành nghề khai thác chọn lọc, thân thiện với môi trường, chuyển đổi từ nghề khai thác gần bờ ra xa bờ./.