Đoàn chúng tôi gồm 5 người nhưng có tới 3 ông già “hưu” rồi nhưng vẫn say mê rong ruổi. Anh Lê Hữu Quế, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Mới, Phó chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Xây dựng và Dich vụ Nông Lâm nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh; Vũ Văn Quang, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo bồi dưỡng ngiệp vụ truyền hình- Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí và tôi, một lão phu nghề báo, “già rồi mà vẫn thích đi”. Tháp tùng chúng tôi có 2 phóng viên trẻ năng động Hữu và Minh, các thủ tục khai báo Y tế, quét mã QR, hai cậu lo tất. Hà, không có bọn trẻ, những việc này với mấy ông già cũng phiền phức lắm đấy.
Khởi hành từ 8giờ30 mà 11giờ chúng tôi mới đến Hạ Long. Tiếp chúng tôi là ông Lê Quang Thắng, “lão nông dân” sản xuất giỏi của tỉnh Quảng Ninh. Ông vừa đi dự Đại hội vinh danh nông dân tiêu biểu toàn quốc do Trung ương Hội Nông dân Việt
Lần này đến TP Hạ Long, ấn tượng đầu tiên của tôi là sự tiêu điều do ảnh hưởng của đại dịch. Phố xá vắng vẻ, những con tàu vẫn nằm im trên bến, Bảo tàng tỉnh thường ngày đông vui là thế bây giờ chỉ có mấy con chim sẻ vô tư bay lên xà xuống.
Trước khi có dịch, tỉnh Quảng Ninh đón 14 triệu du khách/năm, doanh thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ đạt trên 30.000 tỷ đồng. Từ khi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đưa vào sử dụng, có tháng gia đình tôi tới Quảng Ninh 3 lần, nghỉ tại Nhà khách Chính Phủ trên đồi cao bên Tuần Châu, nơi có thể nhìn ra bến cảng rộn ràng tàu lượn, du thuyền đón khách thưởng ngắm vịnh Hạ Long. Nhưng hơn 2 năm nay, khi dịch Covid-19 xuất hiện, lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh thưa thớt. Khách quốc tế không thể nhập cảnh, khách nội địa cũng bị hạn chế vì đâu đâu cũng phòng, chống dịch.
Lang thang dọc bờ biển để tìm hiểu thông tin. Nhiều người lo lắng, kêu ca, tỏ ra thất vọng, tuy nhiên vẫn có những người lạc quan vui vẻ chờ sóng yên biển lặng. Thế mới biết cơn bão dịch quét qua trái đất thật khủng khiếp. Ngoài vịnh, gió vẫn ào ào thổi, đá vẫn lặng im giữa màu xanh nước biển, những con tàu như cũng hóa đá chong mắt nhìn vời vợi ra trùng khơi.
Chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ tàu du lịch ở Quảng Ninh đã không ngừng gặp khó khăn do những diễn biến phức tạp của đại dịch, đặc biệt kể từ khi làn sóng dịch thứ ba quật trở lại Việt Nam. Mọi hoạt động tham quan Vịnh Hạ Long gần như ngừng trệ lác đác rất ít tàu đón những vị khách nội địa dũng cảm. Vâng, ở miền bắc mùa đông ít người ra biển nhưng nếu không có dịch Quảng Ninh vẫn tấp nập như thường, rét cũng có nét đẹp riêng của rét, các bà các cô chả vẫn thích trưng bày trang phục mùa đông hơn mùa hè.
Tôi thấy, khó khăn lại không hoàn toàn nằm ở tình trạng vắng khách, mà ở những chi phí phát sinh từ những con tàu đang neo đậu trong bến cả tháng trời không ra khơi, trong đó có tiền vay ngân hàng phải trả định kỳ khiến các chủ tàu đứng trước rất nhiều nguy cơ nợ nần. Mùa du lịch có trên 6.000 lao động làm việc trên các con tàu, khi dừng hoạt động vẫn còn khoảng một nửa số người thay nhau làm việc và doanh nghiệp phải chi trả thù lao trong khi không có nguồn thu... Tàu du lịch không có khách, không vận hành nhưng mỗi tháng, doanh nghiệp vẫn phải chi trả hàng chục triệu đồng để duy trì tình trạng đỗ tại bến. Hiện nay, trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long có 533 tàu được cấp phép hoạt động du lịch (trong đó: 331 tàu tham quan với tổng số 15.619 ghế và 202 tàu lưu trú với tổng số giường là 4.159).
Để ngành du lịch phục hồi sau mỗi lần đại dịch được kiểm soát, Quảng Ninh có kế hoạch tổ chức hàng trăm sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại hấp dẫn, đặc sắc nhằm thu hút du khách nội địa đến với những điểm đến độc đáo của tỉnh. Để đạt “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững địa bàn an toàn, duy trì đà tăng trưởng kinh tế, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch. Nhưng không phải cứ muốn là trôi chảy, bởi dịch luôn chứa đầy bất trắc.
Theo kế hoạch, năm 2021 tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức 88 sự kiện, hoạt động, chương trình kích cầu du lịch, trong đó có 35 hoạt động, sự kiện quy mô cấp tỉnh, 53 hoạt động, sự kiện quy mô cấp thấp hơn. Các hoạt động được tổ chức trong điều kiện an toàn về phòng chống dịch. Tỉnh vẫn xác định lấy du lịch nội địa làm nội lực, phát huy liên minh, liên kết cùng các địa phương trọng điểm trên toàn quốc với phương châm “Liên kết, Hành động và Phát triển.”. Thôi thì đành lấy ngắn nuôi dài, lấy khách nội địa cơm cháo qua thời chờ ngày bùng nổ.
Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, tất cả các ngành, nghề đều bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng ngành du lịch bị tác động nhiều nhất. Hy vọng sẽ có cơ chế, chính sách của các nhà quản lý, các ngân hàng chung tay để "vực" doanh nghiệp nói chung, các tàu du lịch Hạ Long nói riêng bởi đây là điểm nhấn du lịch của Quảng Ninh. Tôi hỏi anh Thắng “lão nông minh mẫn”, doanh nghiệp của anh bị ảnh hưởng đến mức nào? Anh cười: Dưới gầm trời này đâu mà chả thế, bão có chừa ai đâu, xây dựng thì đình trệ, rau làm ra cũng phải bán, đến rác cũng còn ít đi nữa là… Là nói vui vậy, nhà máy xử lý rác Khe Giang của anh vẫn rực cháy ngày đêm.
Cưỡi ngựa xem hoa ngắm biển, ngắm đá, ngắm tàu, lang thang cùng phố vắng, lòng cứ ngậm ngùi nhớ những ngày sôi động./.