Quảng Nam thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển bền vững

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang tập trung kêu gọi làn sóng đầu tư mới với các dự án trọng điểm nhằm tạo sự thúc đẩy phát triển lan tỏa vùng.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, định hướng của tỉnh là tập trung phát triển cụm ngành động lực lợi thế của tỉnh, đảm bảo năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững gắn liền với các trung tâm đô thị.

Quảng Nam sẽ chú trọng thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, trong đó ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường; khuyến khích và ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài vào những loại hình dịch vụ chất lượng cao; xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế, nhất là tại các địa bàn trọng điểm của tỉnh; trong đó, vùng đông nam là động lực phát triển có quy hoạch chiến lược, đúng định hướng. Quan điểm xuyên suốt của tỉnh là không vội vàng lấp đầy dự án, có chọn lọc để đón các nhà đầu tư nhiều tiềm lực.

Để kích hoạt tiềm năng và lợi thế của vùng kinh tế, Quảng Nam đang xây dựng chiến lược phát triển vùng Đông Nam một cách bài bản, lâu dài với nòng cốt là triển khai những nhóm, các dự án trọng điểm nhằm tạo sự thúc đẩy phát triển lan tỏa vùng.

Đó là nhóm công nghiệp cơ khí ô tô đa dụng, mà hạt nhân là Chu Lai - Trường Hải; nhóm công nghiệp hàng không với sân bay Chu Lai là hạt nhân; nhóm dự án khí - điện đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch các nhà máy điện khí tại Chu Lai và Dung Quất; nhóm du lịch - dịch vụ với hạt nhân là Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An; nhóm công nghiệp dệt may - da giày với hạt nhân là Công ty Panko (Hàn Quốc) và cuối cùng là nhóm dự án thủy - hải sản mà hạt nhân là cảng cá Tam Quang.

Việc xác định phát triển công nghiệp và chỉ phát triển công nghiệp mới tạo sự bứt phá, mở con đường ngắn nhất để đưa Quảng Nam thoát khỏi một tỉnh vốn thuần nông. Vì vậy, Quảng Nam đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kinh tế nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư.

203quang-nam-de-xuat-dang-cai-nam-du-lich-quoc-gia-2021-1644391215.gif
Một góc phố cổ Hội An

Đặc biệt, việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu công nghiệp được chú trọng và xem đây là hướng đột phá trong phát triển kinh tế. Theo đó, cùng với việc vận dụng các cơ chế chính sách hiện có của trung ương, Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, Khu kinh tế mở Chu Lai.

Sau 25 năm tái lập tỉnh đến nay Quảng Nam đã có Khu kinh tế mở Chu Lai đầu tiên của cả nước và 9 khu công nghiệp được quy hoạch và đang kêu gọi thu hút đầu tư. Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc là khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh và hiện nay trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư không chỉ của địa phương mà của cả khu vực miền Trung.

Tính đến nay, khu công nghiệp này đã thu hút 63 dự án đăng ký đầu tư; trong đó có 29 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng và gần 500 triệu USD. Hiện nay kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi năm tại khu công nghiệp này chiếm đến 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Nếu tính tại thời điểm mới tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam chỉ có 13 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 230 triệu USD thì đến nay đã có 166 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 5,8 tỷ USD.

Với sự gia tăng mạnh mẽ của dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI, tỉnh Quảng Nam tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp và hạ tầng giao thông đồng bộ, để không ngừng mở rộng và thu hút đầu tư nhất là vùng Đông Nam của tỉnh.

Chất lượng quy hoạch phải đặt lên hàng đầu, việc thu hút đầu tư phải bám chặt vào quy hoạch, không để xảy ra tình trạng thu hút dự án manh mún, xé lẻ. Vùng phía Đông của tỉnh chỉ thu hút các dự án có quy mô tối thiểu vài trăm ha trở lên, thay vì giao đất nhỏ lẻ, dễ phát sinh vướng mắc về giải phóng mặt bằng… ./.