Theo đó, các đơn vị thường xuyên theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động phối hợp chính quyền địa phương tìm phương án phù hợp để ứng phó với bão.
Duy trì nghiêm quân số trực theo quy định, sẵn sàng lực lượng và phương tiện (ô tô, tàu, thuyền, ca nô…) thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, tham gia tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão.
Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 6.174 tàu cá và gần 18.700 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. BĐBP tỉnh đã theo dõi, nắm bắt cụ thể để hướng dẫn, hỗ trợ kêu gọi tàu cá, ngư dân vào bờ, neo đậu an toàn.
Tại các Cảng Hòn La, cảng Gianh có 46 tàu, xà lan, phương tiện đường thủy với gần 200 người; các hệ thống nuôi trồng thủy sản tại Hòn La, Đảo Yến, sông Gianh... được theo dõi để khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động các phương án phòng tránh bão.
Theo đánh giá, khu vực biên giới có 5 điểm nguy cơ sạt lở bờ biển, 2 điểm sạt lở núi; dự kiến khi xảy ra mưa lớn, tuyến biên giới đất liền có 13 điểm ngập lụt, làm chia cắt cục bộ 21 thôn, bản tại 8 xã biên giới.
Về lực lượng , trên 600 cán bộ, chiến sĩ được huy động tham gia trực và sẵn sàng cơ động ứng phó trên các hướng; 42 tổ/120 đồng chí trực tại các địa bàn trọng điểm.
Về phương tiện, 42 phương tiện gồm các loại xe, xuồng, tàu được huy động, bố trí tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hải đội 2 và các đồn biên phòng, bảo đảm chủ động ứng phó với mọi tình huống, đồng hành, hỗ trợ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP chỉ đạo các đơn vị phối hợp chính quyền địa phương, các lực lượng tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện các điểm sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét mà chưa được phát hiện, để kịp thời tham mưu, phối hợp địa phương có phương án ứng phó kịp thời.
Trước đó, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã ra công điện về việc ứng phó với bão TRAMI gần Biển Đông./.