Nghệ An: Chủ động ứng phó bão số 6

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) và Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh Nghệ An vừa có công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị xã; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và cơ quan liên quan triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão số 6.
nesat-1665842151551696178938-18-0-596-925-crop-1665842418109591751626-1665976452.jpg
Vị trí và đường đi của bão số 6 (Ảnh: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều ngày 16/10, bão NESAT đã đi biển Đông và trở thành cơn bão số 6. Ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 118,9 độ Kinh Đông cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 880 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 13. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15 km và có khả năng mạnh thêm với cường độ cấp 12, giật cấp 15. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 phía Đông khu vực Bắc biển Đông.

Để chủ động ứng phó với bão số 6, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị xã; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và cơ quan liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung.

Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc Công điện số 34/CĐ-QG ngày 16/10/2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Đồng thời, theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.

Lãnh đạo các địa phương thành lập đoàn để kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ động phương án vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước, đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở đất…

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Bên cạnh đó, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh cần phải sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng phó khi có yêu cầu.

Các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến bão số 6 để người dân nắm bắt thông tin và có các biện pháp để sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ. Đồng thời tuyên truyền công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

Quốc Cường