Quản lý thương hiệu Mật ong bạc hà - Vấn đề cần thực hiện sớm và nghiêm

Năm 2013, mật ong Bạc Hà Mèo Vạc đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp chỉ dẫn địa lý. Trên cơ sở đó, tỉnh Hà Giang đã thành lập Hiệp hội nuôi ong, đồng thời ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc dùng cho sản phẩm mật ong bạc hà.

Kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên hiện nay ở bất cứ đâu trên thị trường người tiêu dùng cũng có thể thấy các sản phẩm được quảng bá là mật ong bạc hà Hà Giang chào bán. Điều này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng và thương hiệu của sản phẩm mật ong Bạc Hà.

Không chỉ ở Hà Giang mà rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước người tiêu dùng có thể nhìn thấy các gian hàng bày bán sản phẩm mật ong được giới thiệu là mật ong bạc hà Hà Giang. Trên môi trường mạng thì tràn lan các sản phẩm, video quảng của tổ chức, cá nhân cáo giới thiệu sản phẩm mật ong được gọi với cái tên là mật ong bạc hà Hà Giang. Về mức giá các sản phẩm này không đồng đều mà giao động từ 300 nghìn đến 1 triệu đồng/lít.

bh-1674695471.png
Sản phẩm mật ong Bạc hà đã và đang xây dựng được uy tín về chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng

Không chỉ lộn xộn trong thị trường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mật ong bạc hà mà việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hiện nay cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Tại 4 huyện trong vùng được cấp chỉ dẫn địa lý đều có hàng chục doanh nghiệp, HTX, thậm chí là hộ chăn nuôi xây dựng các nhãn hiệu riêng biệt. Xét ở một khía cạnh nào đó là phù hợp với quy luật của thị trường, tuy nhiên điều này cũng sẽ xảy ra tình trạng chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng hoặc mạnh ai nấy làm.

Mật ong bạc hà Mèo Vạc Hà Giang là sản phẩm có tiếng trên thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao. Sản phẩm cũng đã trở thành hàng hóa mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp, HTX. Song lợi dụng danh tiếng của sản phẩm nên hiện nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân bày bán, giới thiệu các sản phẩm được gọi là mật ong bạc hà Hà Giang.

Tuy nhiên việc quản lý nguồn gốc, chất lượng và thương hiệu sản phẩm hiện nay dường như còn bỏ ngỏ. Thực tiễn đã chứng minh, có rất nhiều sản phẩm sau khi xây dựng được danh tiếng, song không quản lý tốt quá trình sản xuất, phân phối và thương mại hóa sản phẩm, dẫn đến tình trạng trà trộn, mượn danh tiếng của sản phẩm để kiếm lời bất chính. Những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường này nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời thì sớm hay muộn người tiêu dùng sẽ quay lưng với sản phẩm./.

Tuấn Quỳnh - Văn Hương