Quả đặc sản bán đắt hàng dịp tết Nguyên đán giúp người nông dân thoát nghèo

Cam bù hiện được biết đến là một trong những loại quả đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh, được trồng chủ yếu ở 3 huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang với diện tích lên tới hàng trăm nghìn ha. Cam bù là giống chín muộn, chín đúng vào dịp tết Nguyên đán nên đã mạng lại nguồn thu nhập giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình.
z5142466202145-acad83c2b889465b253f78f71615ff2a-1707271826.jpg

Cam bù, quả đặc sản bán đắt hàng dịp tết Nguyên đán giúp người dân thoát nghèo.

Từ loại quả đặc sản nơi "chảo lửa túi mưa"

Hà Tĩnh là địa phương có điệu kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nơi được coi là “chảo lửa, túi mưa” ở giải đất miền Trung. Nhưng với sự chịu thương, chịu khó của bà con cùng với điều kiện đất đai đã cho ra đời những loại quả đặc sản như: cam chanh, bưởi Phúc Trạch và đặc biệt là quả cam bù.

Đến Hà Tĩnh vào những ngày giáp tết Nguyên đán này, tại các chợ, các sạp hàng hoa quả và dọc các tuyến đường tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang…sẽ bắt gặp những thùng cam bù chín vàng ươm được người dân, tiểu thương bày bán.

Tại các huyện miền núi của Hà Tĩnh, đây là giống cây chủ lực đưa người dân vươn lên thoát nghèo và có mức thu nhập cao, ổn định.… giúp người dân nơi đây làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Trong đó, huyện Hương Sơn được xem là địa bàn có diện tích trồng cây cam bù lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh.

z5142466169689-02c195370cf4c06371ef208e7abc331f-1707271869.jpg
Cam bù là quả đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh.

Anh Nguyễn Văn Sơn một hộ dân trồng cam ở xã Sơn Trường chia sẻ: Gia đình tôi ngoài sản xuất nông nghiệp còn tập trung làm kinh tế vườn đồi. Cây trồng chúng tôi chọn là trồng và chăm sóc cam bù. Những năm gần đây, cây cam bù ngày càng mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ dân nên hằng năm đều có cán bộ chuyên môn của huyện, của xã về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để cây cam phát triển khỏe, cho năng suất cao. Đặc biệt là hướng dẫn sản xuất sản phẩm sạch theo hướng hữu cơ, đạt theo tiêu chuẩn VietGap để làm nên thương hiệu cam bù Hương Sơn. Không chỉ gia đình tôi mà thời gian gần dây nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích.

Theo người dân huyện Hương Sơn, trước đây các hộ trồng cam bù cũng chỉ thấy cây phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên trồng, chủ yếu cung cấp cho bà con xung quanh huyện Hương Sơn. Nhưng sau này, cam bù trở thành quả đặc sản được khách hàng trên khắp cả nước biết đến đặt hàng để mua dùng, mua làm quà biếu.

Bà Tâm, chủ trang trại cam xã Sơn Mai (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Việc trồng cam bù cũng khá vất vả, quan trọng nhất là việc chăm sóc và tỉa cành cũng rất kỳ công. Cam bù Hương Sơn phải được bón bằng phân chuồng, mỗi lần làm phải thuê nhân công với chi phí mỗi ngày hơn 200.000 đồng. Một cây cam bù trồng 4 năm mới cho quả.

z5143313662551-412f2387e7c8790e8cfeed60239a7116-1707272062.jpg
Cam thường chín vào dịp sát tết Nguyên đán.

Mùa thu hoạch cam bù Hương Sơnnói riêng và ở Hà Tĩnh nói chung bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến qua Tết Nguyên đán sang tháng 2 âm lịch. Mỗi cây cam bù cao khoảng 2- 3 m, cho chừng 100 quả, có cây gần 200 quả. Để cho quả không sà xuống mặt đất, người dân đã phải chống cọc tre xung quanh các cành cây để làm giá đỡ. Tuổi thọ trung bình của mỗi cây là 10 - 15 năm, sau đó phải trồng mới.

Cam bù có màu vàng đậm, một số quả chưa chín thì màu pha lẫn vàng xanh. Cứ gần tết, người dân thường thu hái đem đi bán, nhập cho các đại lý bán lẻ, một số trang trại lớn thì được thương lái tới thu mua ngay tại vườn để phục vụ thị trường tết Nguyên đán.

Cam bù có vị ngọt thanh, thơm, mọng nước được người dân Hà Tĩnh xem là đặc sản quý, thường được mua làm quà biếu mỗi khi đi xa. Việc thu hoạch cũng rất cầu kỳ, để quả cam còn tươi nguyên cuống và lá, phải dùng kéo cắt tỉa rất cẩn thận.

Loại quả giúp người dân phát triển kinh tế

Ông Lê Hùng người trồng cam bù tại huyện Hương Sơn cho hay: Cam bù Hương Sơn là cây mang lại thu nhập chủ yếu cho gia đình tôi cũng như người dân trên địa bàn xã Sơn Mai. Trung bình mỗi vụ, các hộ thu về khoảng vài chục triệu, có nhiều gia đình thu nhập lên đến vài tỷ đồng.

z5143313662550-7ff3147d66c6f415c1a5aca463f53e69-1707272069.jpg
Càng đến những ngày cận tết, các nahf vườn lại tất bật thu hoạch cam để cung ứng cho thị trường tết.

Ông Phạm Quang Hùng, một hộ trồng cam tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê cho biết: Trang trại của tôi hiện có hơn 3.500 gốc cam bù, đã vào mùa thu hoạch thứ 9. Năm nay, ước tính sản lượng đạt cỡ hơn 20 tấn, với giá bán hiện nay có thể thu về trên 1 tỷ đồng.

Đặc điểm của cam bù là quả chín vào đúng dịp Tết, có màu vàng đỏ bắt mắt, dễ bóc vỏ, múi mọng nước có mùi thơm đặc trưng không trộn lẫn. Tùy chất đất của mỗi địa phương mà cam bù có vị đặc trưng khác nhau. Cam thường chín vào dịp giáp tết nên bán được giá.

Khi thu hoạch, đối với những nhà vườn lớn, gia chủ phải thuê nhân công để cắt quả. Công cụ đựng cam là những chiếc hộp nhựa, sọt tre, mây to, sau đó được đưa ra bãi tập kết cho khách.

Mỗi quả cam bù trung bình nặng khoảng 0,3kg, có những quả nặng hơn 0,7kg. Giá cam bù tại vườn được bán với giá 30 - 60.000 đồng/kg tùy loại, kích cỡ. Khi ra ngoài chợ, giá giao động từ 70 - 100 ngàn đồng.

z5142466202036-f1b870e70463f70fce23949bddfeba00-1707271897.jpg
Cam bù được trồng chủ yếu tại các huyện Hương Khê, Hương SƠn, Vũ Quang của tỉnh Hà Tĩnh.

Bên cạnh các cây cam bù, người dân thường trồng xen cẽ các cây cam chanh. Cam chanh để bán vào dịp Tết.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Kiều Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: Với huyện Hương Sơn, cây cam bù cùng với nuôi hươu được xem là một trong những cây phát triển kinh tế chủ lực của huyện, nó giúp cho đời sống của bà con được nâng lên.

Trước đây, chưa nhiều người biết đến đặc sản thương hiệu của cam bù Hương Sơn, nhưng từ khi được chính quyền quan tâm hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, cũng như về giống, quảng bá thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, xây dựng sản phẩm VietGap mà được khách hàng trên cả nước biết đến.

z5142466202250-8669181afea259f8e3070380bbd24bbb-1707271856.jpg
Được chăm sóc đúng kỹ thuật, cam bù ngày càng cho mẫu mã đẹp mắt, chất lượng thơm ngon.

Hiện tại, trên toàn huyện Hương Sơn có tổng tổng diện tích hơn 1100 ha trồng cam bù, trong đó có hơn 793 ha cho sản phẩm, năng suất 145 tạ/ha, sản lượng 11.500 tấn; cao hơn năm trước 4.400 tấn. Tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Trường, Kim Hoa, Sơn Lâm, Sơn Mai.

Cũng chính nhờ trồng cam bù đặc sản kết hợp với phát triển chăn nuôi hươu lấy lộc nhung và bán con giống liên tiếp được mùa, được giá nên hàng ngàn hộ dân nghèo, khó khăn ở huyện Hương Sơn nay đã nhanh chóng vươn lên thoát nghèo, làm giàu, đời sống được nâng cao rõ rệt./.

Nguyễn Duyên