Chuyện tặng quà ngày 20/11

Quà – Một thứ rất đỗi quen thuộc trong đời sống hàng ngày và là một phần không thể thiếu trong các mối quan hệ từ gia đình đến xã hội. Từ việc tặng quà cho đến nhận quà sao cho có nghĩa luôn là một đề tài thu hút sự quan tâm. Nó là một nét văn hoá của mỗi quốc gia, dân tộc, là thước đo trình độ văn hoá, sự tinh tế, hiểu biết hay lối cư xử của mỗi người. Việc tặng quà, nhận quà – tưởng chừng chỉ là một thủ tục rất đơn giản, nhưng lại ẩn chứa trong nó rất nhiều điều đáng suy ngẫm.

Ý nghĩa của việc tặng quà

Ngay từ buổi đầu của quá trình xã hội hóa, loài người đã biết lấy việc tặng quà đã làm một yếu tố quan trọng để thiết lập và củng cố các mối quan hệ xã hội. Trong thời cổ đại, tặng quà là một cách để chứng minh giá trị xã hội của một người. Và trong thời hiện đại hơn, các quốc gia đã dựa vào việc tặng quà chính thức để báo hiệu ý định của các mối quan hệ ngoại giao. Còn trong các mối quan hệ cá nhân, việc tặng quà được sử dụng để củng cố các mối quan hệ xã hội.

Về bản chất, tặng quà là một cách nào đó để chúng ta bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn đối với những người được nhận quà. Đó có thể là các thành viên trong gia đình, là thầy cô giáo, là đồng nghiệp, cấp trên hoặc bạn bè…Người ta có thể dùng quà tặng để thiết lập các mối quan hệ xã giao: Muốn được làm quen, hợp tác, muốn gây ấn tượng tốt đẹp hoặc thưởng cho sự cố gắng của ai đó, kỷ niệm một dịp nào đó. Tặng quà để bộc lộ tình cảm: yêu thương, quan tâm, lòng biết ơn, hoặc cũng có thể được gửi đến người nhận thay cho lời xin lỗi để hoá giải tất cả những hờn giận, hiểu lầm… Hoặc đơn giản là gửi gắm những nguyện vọng mong được người khác giúp đỡ. Đôi khi, chúng ta dựa vào những món quà để truyền tải những thông điệp mà chúng ta không thể diễn đạt bằng lời, đành chọn những món quà phù hợp để thay mình nói lên điều đó.

Sắp đến ngày tôn vinh Nhà giáo Việt Nam 20/11, chuyện tặng quà lại nóng hơn bao giờ hết. Khắp các diễn đàn "làm cha mẹ" phụ huynh đều bàn tán sôi nổi chọn quà nào cho hay, quà nào cho ý nghĩa để tri ân đến các thầy cô giáo đang dẫn dắt con em mình.

Tặng quà là cả một nghệ thuật

Nhiều năm liền làm trong nghề dạy học, đón nhận không ít những tình cảm của phụ huynh và học trò, mà sao lần này cô Hương thấy mình tủi thân đến thế! Mở hộp quà của một học trò lớp cô chủ nhiệm, cô không khỏi băn khoăn vì tấm thiệp chúc mừng đã được xoá, sửa tên và chuyển thành tên cô. Quà tặng là một là một bộ ấm chén có in dòng chữ kỷ niệm ngày thành lập huyện của một đơn vị nào đó tặng cho mẹ cháu. Bất giác cô thấy mình rơi lệ, vì món quà kỷ niệm của một ai kia lại được chuyển cho mình. Lần khác, cô cũng mất biết bao đêm không ngủ, vì một phụ huynh nọ chuẩn bị quà cho con và không biết hữu ý hay vô tình đã để lại nhãn mác ghi giá tiền của một chiếc túi xách da trơn.

tcc-1668391831.jpg
(Ảnh minh họa, nguồn: internet)

Một lần vì phạt học sinh hư gây gổ đánh nhau với bạn trong trường học có nguy cơ bị đình chỉ học, cô được tiếp một vị phụ huynh đến nhà với những hộp quà sang, xịn giá cả nghìn đô. Vị phụ huynh rất thành khẩn ăn năn, anh nhận lỗi vì quá bận rộn kinh doanh nay Bắc mai Nam nên không để ý con việc học. Tấm chân tình đã tỏ bày mà sao cô quá bối rối, biết làm sao khi tội lỗi đã bị phơi bày? Cảm giác những món quà như mua, như chuộc lúc này đúng kiểu “Của biếu là của lo” làm cô khó xử.

Nhận quà

Tặng quà đã vậy, nhận quà sao cho tinh tế, khéo léo và làm đẹp lòng người tặng cũng là cả một vấn đề. Sở dĩ vậy là bởi cả việc cho đi và nhận lại đều nhằm mục đích kết nối, khiến những con người lạ mà trở nên quen, xa mà trở nên gần, và đã thân thì càng thêm thắm thiết. Câu chuyện về một cô giáo trẻ vui vẻ nhận món quà đơn sơ từ cậu học trò mồ côi mẹ đã không khiến cho ít người cảm động. Kỷ nhiệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 với hoạt động trải nghiệm “ Tấm thiệp tri ân” đã giúp cô được đón nhận biết bao cung bậc cảm xúc của các học trò gửi tặng. Những tấm thiệp lần lượt được đưa ra trước cả lớp kèm theo lời chúc. Đến lượt Minh, cậu bé rụt rè, thập thò rút trong vở ra một tờ giấy màu đã lấm lem, nguệch ngoạc. Chiều qua mải phụ bán hàng cho bố mà cậu chưa kịp làm. Việc đòi hỏi sự khéo léo này Minh rất cần mẹ giúp, mà mẹ em đã ở một nơi rất xa! Tiếng chế giễu, cười nhạo của bạn bè làm cho Minh trực khóc, cô Mai bước xuống thật nhanh vỗ về cậu học trò, cô cầm quyển vở trên tay Minh và mở ra điểm 10 đỏ chói: “Đây mới chính là bông hoa đẹp nhất cô được nhận từ em”! Lòng Minh bỗng chốc nhẹ tênh khi các tiếng vỗ tay reo len tán thưởng, còn cô Mai không quên âu yếm nhắc nhở các học trò về một số phép lịch sự khi nhận được nhận quà.

20/11 năm trước trời mưa rả rích, có tiếng người gọi cửa dưới mưa. Cô vội vàng bật ô ra đón khách thì bất ngờ thấy một bà già lưng còng dắt bộ đứa cháu đến nhà chúc mừng 20/11. Thì ra, đó là một học sinh lớp cô chủ nhiệm cách đó đã 3 năm, đến chính cô cũng không ngờ trò còn nhớ. Tay run run gói gọn mớ cải xanh vừa nhổ, giọng bà ôn tồn: “Muốn được tặng cô”! Đón lấy món quà từ tay bà cụ mà cô không sao nín nổi, giọt nước mắt rơi hoà lẫn những giọt mưa. Trò của cô hoàn cảnh thật đặc biệt, một mình bà nuôi cháu tần tảo sớm hôm, cô bỗng thấy ân hận vô cùng và tự trách mình sao gặp bà vài lần mà không kịp đỗ lại mua rau ủng hộ. Chính sự trân trọng của cô mỗi lúc nhận quà đã kéo gần khoảng cách giàu nghèo của những phụ huynh lam lũ, làm cho họ có thêm động lực mà gạt bỏ tự ti bày tỏ tấm lòng thành.

Cô nhớ lại câu chuyện của một đồng nghiệp từng chia sẻ: “Quà to thì tấm lòng mới to, nhiều người coi mình chẳng ra gì nên chọn quà bèo bọt, rẻ tiền”. Câu chuyện đó nhận được sự đồng tình của nhiều người ngồi cạnh, nhưng cũng có người lặng lẽ âm thầm vì mình bị rơi vào trạng thái tương tự như trên.

tc-1668391765.jpeg
(Ảnh minh họa, nguồn: wintel.vn)

Có lần, vì rất trân trọng và muốn bày tỏ lòng biết ơn với thầy cô, và 20/11 cũng đúng vào ngày nghỉ nên nên chị Xoan hào hứng đưa con đến tận nhà cô giáo chúc mừng. Trước mắt chị là hình ảnh hàng mấy chục gói quà bày ra la liệt. Chị Xoan ngượng ngùng vì cảm giác như đó là một lời “nhắc khéo” cho những ai đến đây đúng ngày này. Buồn hơn, hôm sau nghe con trai chị về nhà phụng phịu: Sao mẹ lại tặng cô có một món quà? Hôm nay cô bóc quà trên lớp, bạn Nghĩa cũng chỉ tặng cho cô có mỗi thỏi son, trong khi mẹ bạn A, bạn B tặng cho cô cả bộ vải may áo dài với biết bao đồ dùng, mỹ phẩm…

Vẫn biết đón nhận quà với sự háo hức, vui tươi là đúng, nhưng sao việc mở quà trước mặt học trò vẫn khiến cho nhiều người thấy vị đắng khó trôi.

Thay lời muốn nói

Dù là ai và có vị trí nào trong xã hội thì việc tặng hay nhận quà theo đúng nghĩa cũng mang lại những lợi ích tuyệt vời về mặt tinh thần. Nó khiến mình thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn khi đã gửi trao đi những gì muốn gửi, hoặc thấy hân hoan, phấn khởi khi được đón nhận những tình cảm từ người đã cho đi. Dù là mối quan hệ nào, tặng quà đúng cách luôn để thể hiện sự trân trọng của chúng ta đối với một người cụ thể. Nhận quà có văn hoá cũng làm cho chúng ta tạo mối quan hệ thân thiết hơn với những người cho đi. Hãy dùng cả tâm hồn yêu thương để nhận và cho đi, để mỗi khi nhắc đến chữ Quà mỗi người đều thấy thật là mong đợi!

Huyền Thương