Phú Thọ có gần 800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn trên 4.300 tỷ đồng

Qua 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh Phú Thọ có 774 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 4.383,9 tỷ đồng, tăng 9,8% về số doanh nghiệp. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 5,7 tỷ đồng.
z5947474534087-0db391f6eddfbab766ba9a0ca82c341c-1729351693.jpg
Công ty TNHH Giấy Mylan đầu tư dây chuyền hiện đại.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Qua 9 tháng của năm 2024, nhìn chung, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục gặp nhiều khó khăn; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tuy có gia tăng nhưng giảm sâu về số vốn đăng ký, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, giải thể tăng khá cao. Bên cạnh đó số doanh nghiệp đánh giá kết quả SXKD quý III/2024 tốt hơn quý II/2024 có chiều hướng giảm chỉ đạt 25,25% (quý II/2024 đạt 35,35%). 

Tính đến ngày 17/9/2024, toàn tỉnh có 774 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 4.383,9 tỷ đồng, tăng 9,8% về số doanh nghiệp nhưng giảm 75,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 5,7 tỷ đồng, giảm 77,9% cùng kỳ năm trước.

Theo loại hình doanh nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có 499 doanh nghiệp đăng ký mới, chiếm 64,5% tổng số, tăng 12,9% so với cùng kỳ; công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có 151 doanh nghiệp, chiếm 19,5% tổng số, tăng 0,7%; công ty cổ phần có 120 doanh nghiệp, chiếm 15,5% tổng số, tăng 8,1%; doanh nghiệp tư nhân có 4 doanh nghiệp, gấp 2 lần cùng kỳ. 

Toàn tỉnh có 248 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 6,4% so với cùng kỳ, tập trung ở loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn với 189 doanh nghiệp, giảm 9,6%. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 536 doanh nghiệp, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 403 công ty trách nhiệm hữu hạn (chiếm 75,2%), 116 công ty cổ phần (chiếm 21,6%) và 17 doanh nghiệp tư nhân.Trong kỳ, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải làm thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động SXKD là 73 doanh nghiệp (tăng 28 doanh nghiệp so với cùng kỳ), trong đó có 44 công ty trách nhiệm hữu hạn (chiếm 60,3%), 26 công ty cổ phần.

Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Theo kết quả điều tra xu hướng SXKD của các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh quý III so với quý II năm 2024: Có 25,25% doanh nghiệp trả lời tình hình SXKD quý tốt lên; 44,45% số doanh nghiệp có tình hình sản xuất ổn định giữ nguyên và 30,3% doanh nghiệp tình hình SXKD khó khăn (có 75% DN Nhà nước; 24,53% DN ngoài Nhà nước và 33,33% DN FDI sản xuất khó khăn hơn).

Dự báo quý IV năm 2024, SXKD của các doanh nghiệp có xu hướng khả quan hơn so với quý III/2024: 26,26% số doanh nghiệp trả lời tình SXKD sẽ tốt hơn (khu vực DN Nhà nước có 25%; khu vực DN ngoài Nhà nước có 22,64% và khu vực DN FDI có 30,95% đánh giá xu hướng SXKD tốt hơn); 50,51% doanh nghiệp dự báo SXKD ổn định; 23,23% doanh nghiệp dự báo SXKD gặp khó khăn. 

Về đơn đặt hàng: Quý III/2024 so với quý II/2024, có 71,58% số doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới tăng lên và giữ ổn định (24,21% DN đánh giá tăng và 47,37% DN đánh giá giữ ổn định); có 28,42% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới giảm. Xu hướng quý IV so với quý III/2024, 77,9% doanh nghiệp dự báo có đơn hàng tăng và giữ ổn định; 22,1% doanh nghiệp dự báo giảm.

Đơn đặt hàng xuất khẩu: Quý III/2024 so với quý II/2024, có 70,77% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng và giữ nguyên (21,54% DN tăng và 49,23% DN giữ nguyên); có 29,23% doanh nghiệp đánh giá giảm. Xu hướng quý IV so với quý III/2024, có 87,88% doanh nghiệp dự báo có số đơn hàng xuất khẩu mới tăng và giữ ổn định (34,85% DN tăng và 53,03% DN giữ nguyên); có 12,12% doanh nghiệp dự báo giảm.

111d5075940t1660l7-t1-3-1729351665.jpg
Công ty TNHH Innovation Future Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Hà) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.

Tình hình sử dụng lao động tại doanh nghiệp

Về sử dụng lao động: Quý III/2024 so với quý II/2024, có 77,78% doanh nghiệp đánh giá quy mô lao động giữ ổn định và tăng lên (62,63% DN giữ ổn định; có 15,79% DN tăng); có 22,22% doanh nghiệp đánh giá giảm quy mô lao động. Xu hướng quý IV/2024 so với quý III/2024, có 86,87% số doanh nghiệp dự báo số lao động tăng và giữ ổn định (13,13% DN tăng; 73,74% DN ổn định); có 13,13% doanh nghiệp dự báo giảm số lượng lao động.

Về khối lượng sản xuất: Quý III/2024 so với quý II/2024, có 70,7% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định (26,26% DN đánh giá tăng; 44,44% DN giữ ổn định) và có 29,3% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Xu hướng quý IV so với quý III/2024, có 76,76% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng và ổn định (29,29% DN dự báo tăng; 47,47% DN giữ ổn định); có 23,23% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm./.

Kim Bằng