Sản xuất công nghiệp Phú Thọ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao

Sản xuất công nghiệp quý III/2024 của tỉnh Phú Thọ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 48,21% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, IIP tăng 38,65%.
128-1729264005.jpg
Gia công linh kiện điện tử phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH Bando Vina, Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì.

Năm 2024 sắp kết thúc với không ít khó khăn, thách thức, song hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định. Các doanh nghiệp đã hoạch định kế hoạch, chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh với những giải pháp căn cơ, kỳ vọng một năm với nhiều thắng lợi. Trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 40,3%;... IIP tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ sự đóng góp đáng kể của một số doanh nghiệp quy mô lớn mới đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, sự ổn định trong sản xuất, mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng trong và ngoài nước của các doanh nghiệp cũng là các nhân tố quan trọng thúc đẩy toàn ngành công nghiệp tăng trưởng,...

Chỉ số sản xuất công nghiệp đem lại nhiều triển vọng

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 năm 2024 tăng 8,02% so với tháng trước (trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,46%). So với tháng cùng kỳ, IIP tăng 37,11%, chủ yếu ở nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo (38,87%), trong đó, tập trung ở: In, sao chép bản ghi các loại tăng 87,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 61,65%; sản xuất đồ uống tăng 41,33%; sản xuất thiết bị điện tăng 36,51%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 30,64%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tăng 28,52%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 21,88%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 17,21%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,14%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 0,54%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 0,27%;...

Các ngành còn lại sản xuất giảm, thậm chí giảm sâu: Dệt giảm 28,22%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 26,82%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 23,55%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 20,41%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 19,03%; sản xuất trang phục giảm 8,44%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 8,37%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 7,65%. 

So với quý cùng kỳ, sản xuất công nghiệp quý III tăng 48,21% chủ yếu ở các ngành: Sản xuất thiết bị điện gấp hơn 3 lần; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 89,47%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 77,58%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 48,01%; sản xuất đồ uống tăng 24,1%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tăng 21,42%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 18,84%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,88%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 7,72%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,57%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 3,86%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 2,44%; sản xuất trang phục tăng 1,08%;...

sp-1729265084.jpg
Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đầu tư dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ hướng tới công nghệ xanh.

Ngược lại, các ngành sản xuất giảm: Công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 15,45%; dệt giảm 15,24%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 12,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 11,91%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 6,86%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 1,62%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 năm 2024 tăng 38,65% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 23,41%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 40,3%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,62%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,82%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng so với cùng kỳ ở một số ngành như: Sản xuất thiết bị điện tăng 11,9 lần; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 56,47%; sản xuất đồ uống tăng 49,48%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 31,03%. ản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 12,79%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tăng 11,45%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 11,33%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 7,06%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6,15%; sản xuất trang phục tăng 3,54%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 1,66%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 0,64%.

Công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: Máy tính xách tay (kể cả notebook và subnotebook) ước đạt 10,3 triệu sản phẩm, tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ; phân supe photphat (P2O5) ước đạt 322,2 nghìn tấn, tăng 19,6%; phân NPK ước đạt 325 nghìn tấn, tăng 9%; nước máy ước đạt 31,8 triệu m3, tăng 8,1%; bia hơi, bia đóng lon ước đạt 57,7 triệu lít, tăng 7,1%; giấy và bìa các loại ước đạt 202,4 nghìn tấn, tăng 7,1%; mạch điện tử tích hợp ước đạt 51,9 triệu sản phẩm, tăng 6,9%; sản phẩm bằng plastic ước đạt 103,7 nghìn tấn, tăng 6%; quần áo may sẵn ước đạt 76 triệu sản phẩm, tăng 3,6%; chè ước đạt 36,8 nghìn tấn, tăng 2,7%; giày thể thao ước đạt 3,8 triệu đôi, tăng 0,6%. Một số sản phẩm chủ yếu giảm: Dung lượng ắc quy ước đạt 13,9 nghìn kwh, giảm 49,7%; gạch lát ước đạt 26,8 triệu m2, giảm 21,8%; xi măng ước đạt 765,8 nghìn tấn, giảm 21,3%; cao lanh ước đạt 219,3 nghìn tấn, giảm 19,8%; mỳ chính ước đạt 16,3 nghìn tấn, giảm 18,7%; vải thành phẩm ước đạt 29,1 triệu m2, giảm 15,7%; ống camera truyền hình, bộ chuyển đổi hình ảnh và bộ tăng cường hình ảnh, ống đèn âm cực quang điện khác ước đạt 170,5 triệu sản phẩm, giảm 6%; sợi toàn bộ ước đạt 7,4 nghìn tấn, giảm 3,4%;....

Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2024 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, chỉ số tiêu thụ giảm 7,2% so với cùng kỳ, trong đó: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 24,85%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 22,94%; sản xuất thiết bị điện giảm 22,86%; dệt giảm 18,01%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 8,33%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 7,17%. Tuy nhiên vẫn có nhiều điểm sáng đáng chú ý khi ngành còn lại có chỉ số tiêu thụ tăng đáng kể: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 17,7%; sản xuất trang phục tăng 10,42%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 8,01%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,44%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 7,06%; sản xuất đồ uống tăng 6,21%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,2%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 3,62%. 

Nhờ nắm bắt được tình hình gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng, các doanh nghiệp đã chủ động có kế hoạch sản xuất hợp lý nên lượng tồn kho ngành công nghiệp có chiều hướng giảm. Tại thời điểm tháng 9/2024, chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến, chế tạo 72,14%, giảm 27,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có lượng tồn kho thấp, chỉ số tồn kho giảm như: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 47,26% (giảm 52,74%); sản xuất thiết bị điện 51,2% (giảm 48,8%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) 56,39% (giảm 43,61%); sản xuất trang phục 71,31% (giảm 28,69%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy 71,87% (giảm 28,13%); dệt 92,55% (giảm 7,45%)

Sản xuất công nghiệp năm 2024 cơ hội có nhiều, song thách thức vẫn còn hiện hữu, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động với những nhân tố mới trong sản xuất kết hợp với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng sự quyết tâm cao của các cấp, ngành, sự năng động nhạy bén của cộng đồng doanh nghiệp, tin tưởng rằng sản xuất công nghiệp của tỉnh sẽ tạo được dấu ấn quan trọng, góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh./.

Kim Bằng