"Phổ cập hoá" Thẻ tín dụng - Vì sao tăng trưởng nóng? (Kỳ 2)

Được ban hành chính thức vào năm 2021, nghị định số 101 của Thủ tướng Chính Phủ tạo hành lang thông thoáng để các ngân hàng có điều kiện đẩy mạnh phát triển nền kinh tế không tiền mặt. Tuy nhiên, những hỗ trợ này từ phía Nhà Nước có đang được các kênh Kinh doanh tiền tệ sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả tích cực trong dài hạn?

Nhu cầu thực tế của người tiêu dùng trẻ

Cùng làn sóng phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong nước và Quốc tế với đa số người dùng là những người trẻ tuổi (từ 18-24 và 25-34), nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao khiến thẻ tín dụng được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Việc thanh toán mua hàng trực tuyến được đối ưu để đảm bảo sự tiện lợi khiến mức tiêu dùng tăng cao, tạo tiền đề cho lợi nhuận của TMĐT, Ngân hàng và chính người tiêu dùng. Thanh toán trực tuyến thông qua thẻ tín dụng là xu hướng tiêu dùng phổ biến trong thời 5 năm trở lại đây, tạo bước đà cho ngành Tài chính - Tín dụng và các ngành dịch vụ phụ trợ phát triển thần tốc. Bên cạnh đó, các sản phẩm số như ứng dụng di động hay trò chơi điện tử trực tuyến dần chuyển đổi 100% sang thanh toán số cũng là nguyên nhân khiến các hình thức thanh toán cũ như VAS 2.0 (thanh toán qua tin nhắn) hay thẻ cào dần suy thoái.

ung-dung-di-dong-1641359203.jpg
Các ứng dụng di động hiện đại đòi hỏi thanh toán số để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao của người tiêu dùng Gen Z

Đáp ứng các nhu cầu offline của khách hàng trẻ tuổi, giờ đây không khó để bắt gặp những địa chỉ ăn uống, giải trí thiết lập hệ thống thanh toán thẻ như một nhu cầu tất yếu. Hầu hết các nhà hàng, quán cafe hay dịch vụ tương tự được đầu tư và hoạt động bài bản đều có máy POS (máy quẹt thẻ cầm tay) để đáp ứng nhu cầu thanh toán nhanh, tiện lợi của khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng di động phục vụ nhu cầu di chuyển như Grab, Be... hay đặt phòng trực tuyến như AIrBnB, Booking.com, và gần đây nhất là LuxStay do một đơn vị có uy tín tại Việt Nam triển khai, người tiêu dùng hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ chỉ thông qua một vài thao tác trên điện thoại thông minh và thẻ tín dụng.

Không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, thẻ tín dụng cũng được những bạn trẻ đam mê kinh doanh với quy mô hoạt động nhỏ hoặc siêu nhỏ sử dụng để đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại. Bằng hình thức quẹt thẻ tại các điểm rút tiền qua máy POS, một lượng tiền mặt tương ứng với hạn mức chi tiêu của thẻ tín dụng được người kinh doanh lựa chọn như một kênh tín chấp chi phí thấp và tốc độ giải ngân siêu tốc, giúp tối ưu dòng tiền. Các dịch vụ đặt hàng xuyên quốc gia cũng được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ lợi thế được miễn lãi trong khoảng thời gian 1,5 tháng, giúp mô hình kinh doanh trực tuyến được hỗ trợ tối đa.

dat-hang-online-1641359889.png
Mua sắm "xuyên biên giới" là nhu cầu mới của người tiêu dùng và là miền đất hứa cho các doanh nghiệp dịch vụ

Ngân hàng truyền thống chuyển mình thần tốc

Nắm bắt thời điểm vàng để chuyển mình trong cuộc chơi số, các ngân hàng truyền thống cũng đẩy mạnh nhiều chiến lược để bắt kịp thời đại. Marketing trong thời đại 4.0 đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn nhanh, nhạy với các xu hướng, nền tảng truyền thông toàn cầu. Thay vì xây dựng hình ảnh thương hiệu gắn liền với những người nổi tiếng, thường là các sao hạng A trên thị trường giải trí cùng giá trị hợp đồng luôn ở ngưỡng 9 con số, các ngân hàng đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng sử dụng những KOLs/ Influencer (người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng có tính đặc thù cao), giảm thiểu chi phí và tối ưu hiệu quả truyền thông.

the-tin-dung-vib-1641360623.png
Sử dụng các KOLs, Influencer đã trở thành xu hướng quảng cáo trực tuyến mới, thay vì người nổi tiếng như diễn viên hay ca sĩ như mô hình truyền thông truyền thống

Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư cho truyền thông, giá trị cốt lõi mà sản phẩm được các ngân hàng cung cấp cũng cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Thay vì kỳ hạn miễn lãi 45 ngày như trước đây, nhiều ngân hàng TMCP như VPBank, Sacombank... đã nâng thời hạn thêm 10 ngày, lên 55 ngày cho mọi hoạt động giao dịch tín dụng. Các chính sách khuyến mại như quà tặng hiện vật hoặc tiền mặt cũng được áp dụng triệt để. Ngoài ra, các hậu mãi như cashback (hoàn tiền sau chi tiêu) và điểm thưởng để sử dụng tại các dịch vụ liên kết với ngân hàng như Bông Sen Vàng (dịch vụ được cung cấp bởi hãng Hàng Không Quốc gia Vietnam Airlines), vé ra vào tại các sân golf cao cấp hay bữa tối tại những nhà hàng, khách sạn sang trọng. Việc thúc đẩy phát triển sản phẩm giúp người tiêu dùng nhận được nhiều lợi ích, qua đó từng bước đến gần hơn với mục tiêu "xã hội không tiền mặt".

techcombank-bong-sen-vang-1641440715.jpg
Thẻ đồng thương hiệu Techcombank - VietnamAirlines là một trong những sản phẩm trọng điểm của hãng dành cho tệp khách hàng cao cấp

Vấn đề bảo mật thông tin cá nhân và thông tin thẻ cũng được những nhà phát triển sản phẩm đặc biệt lưu tâm khi giờ đây mọi giao dịch qua môi trường số đều yêu cầu khách hàng phải xác nhận thanh toán 2 lớp (số CVV thẻ và mã OTP được gửi tới số điện thoại di động của khách hàng), giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình sử dụng hay trong trường hợp thất lạc thẻ. Ngoài ra, mỗi ngân hàng hiện nay đều có một ứng dụng di động độc quyền để hỗ trợ mọi yêu cầu từ khách hàng 24/24, kể cả các dịp lễ, Tết.

Cuộc chiến giành thị phần giữa các Ngân hàng và các nền tảng thanh toán số vẫn đang diễn ra khốc liệt, khi gần đây một start-up của Việt Nam chính thức tham gia "CLB tỷ USD" là Ví điện tử Momo. Tuy nhiên, dù hình thức thanh toán nào chiếm lợi thế và thống trị thị trường, thì trong giai đoạn trước mắt, người tiêu dùng vẫn được hưởng lợi nhờ những thay đổi mà doanh nghiệp buộc phải cải tiến để tăng sức cạnh tranh.