Phát triển thương mại điện tử nhằm thúc đẩy liên kết vùng mở rộng kết nối giao thương

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh và năng động nhất thế giới; Việc tận dụng thương mại điện tử sẽ giúp các sản phẩm thế mạnh của địa phương tiêu thụ rộng rãi hơn trong vùng và cả nước lẫn quốc tế, không cạnh tranh mà hỗ trợ, liên kết lẫn nhau.

Nội dung trên được chia sẻ tại Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Bình Định và các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 25/9.

thuong-mai-dien-tu-lien-ket-vung-5-1727253819.jpg
Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Bình Định và các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. (Ảnh: XH)

Phát triển thương mại điện tử bắt nhịp xu thế toàn cầu

Tại Hội nghị, Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh và năng động nhất thế giới.

Tuy nhiên, cũng bộc lộ không ít hạn chế như khoảng cách phát triển giữa các địa phương không đồng đều, sản phẩm thương mại điện tử nhiều khi trùng lặp và cạnh tranh lẫn nhau.

Bà Lê Hoàng Oanh cho biết khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là địa bàn đặc biệt quan trọng. Các tỉnh trong khu vực này có chung bờ biển (chiếm hơn 55% bờ biển cả nước); chung sự đa dạng về tài nguyên biển và tài nguyên rừng, nhất là đều nổi tiếng với các sản phẩm chủ lực như hải sản chế biến, đồ khô, mắm, yến… được định hướng tập trung phát triển kinh tế biển.

thuong-mai-dien-tu-lien-ket-vung-4-1727253851.jpg
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng cục thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương. (Ảnh: XH)

Chính vì thế, việc tận dụng thương mại điện tử sẽ giúp các sản phẩm thế mạnh của địa phương tiêu thụ rộng rãi hơn trong vùng và cả nước lẫn quốc tế, không cạnh tranh mà hỗ trợ, liên kết lẫn nhau.

“Chúng tôi mong muốn các chuyên gia, diễn giả cùng chia sẻ, cung cấp những giải pháp mới, hữu ích, phù hợp cũng như những định hướng về quản lý nhà nước… nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử - lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số hướng tới thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả. Từ đó, phát huy tối đa các nguồn lực của vùng,” bà Lê Hoàng Oanh thông tin thêm.

Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến thương mại điện tử

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, thành phố Quy Nhơn được xác định là đô thị loại 1, trung tâm phía Nam của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ và giao thương của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Hiện nay, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đang phát triển khả quan, từ giai đoạn hình thành, tạo lập hạ tầng sang phổ biến rộng rãi và đang từng bước đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

thuong-mai-dien-tu-lien-ket-vung-3-1727253881.jpg
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: XH)

Cũng theo ông Hoàng, đến cuối năm 2023, Bình Định có hơn 4.180 website có tên miền quốc gia “.vn”, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đến năm 2024, chỉ số thương mại điện tử của tỉnh xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với cùng kỳ năm 2023. Người dân cũng dần thay đổi thói quen từ phương thức mua hàng truyền thống sang mua hàng trực tuyến.

Các doanh nghiệp quan tâm hơn đến thương mại điện tử, chủ động tham gia các ứng dụng, sàn thương mại điện tử, xây dựng website riêng để phục vụ trao đổi, mua bán; đồng thời, thực hiện chuyển đổi số, tăng năng suất hoạt động, hiệu quả quản lý, sức cạnh tranh trên thị trường.

Các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận liên quan đến lĩnh vực phát triển thương mại điện tử như: “Chính sách và giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại Bình Định và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung,” “Thực trạng phát triển thương mại điện tử tại tỉnh Bình Định."

thuong-mai-dien-tu-lien-ket-vung-1-1727253794.jpg
Các chuyên gia, diễn giả tham gia buổi tọa đàm với nội dung kết nối thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT. (Ảnh: Hải Yến)
thuong-mai-dien-tu-lien-ket-vung-2-1727253946.jpg
Các đơn vị cung cấp dịch vụ TMĐT ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ cho các DN thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. (Ảnh: Hải Yến)

Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho hay thời gian tới, tỉnh hướng đến hỗ trợ phát triển thương mại điện tử cho đối tượng dễ bị tổn thương (tiểu thương, hộ kinh doanh) tại các chợ truyền thống; hỗ trợ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận, ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, xây dựng các kênh phân phối mới, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa địa phương; ứng dụng chữ ký số, thực hiện hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.

Dịp này, các đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã Ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung./.

Bình Nguyên