Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới

Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 đặt nhiệm vụ tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng cường tiêu sản phẩm Việt Nam trong và ngoài nước thông qua thương mại điện tử… bên cạnh những mục tiêu về phát triển thương mại điện tử xanh, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử.
thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-3-1725349912.jpg
Việt Nam và Thái Lan đã nổi lên là 2 thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. (Ảnh minh họa)

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định

Báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á của tổ chức OpenGov Asia công bố gần đây cho biết, Việt Nam và Thái Lan đã nổi lên là 2 thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Trong 4 năm qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 16-30% cao nhất thế giới.

Hiện nay, ưu điểm lớn nhất của thương mại điện tử là giúp hàng hoá có thể đi thẳng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, giảm bớt khâu trung gian. Khách hàng vì thế được mua với giá rẻ hơn mà lại thuận tiện hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Chưa bao giờ nền kinh tế số - hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng như hiện nay, tạo ra hàng triệu việc làm cả trực tiếp và gián tiếp.

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện nay, hơn một nửa doanh nghiệp trên cả nước đã triển khai các kênh bán hàng trực tuyến, 44% số doanh nghiệp được hỏi đã xây dựng các trang web, 58% số doanh nghiệp có bán hàng thông qua mạng xã hội và hơn 24% các doanh nghiệp đã tham gia các sàn thương mại điện tử. Sự chuyển dịch trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang tạo áp lực buộc doanh nghiệp phải thay đổi phương thức cũng như chiến lược kinh doanh của mình.

thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-2-1725349962.jpg
Trong 4 năm qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 16-30% cao nhất thế giới. (Ảnh minh họa)

TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế đánh giá tiềm năng, cơ hội vô cùng lớn, không phải ngẫu nhiên mà chúng ta coi chuyển đổi số, coi phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam là một nước đi sau để có thể bắt kịp, để có thể đi cùng với thời đại, với các nước.

"Thương mại điện tử là bộ phận cấu thành rất quan trọng của nền kinh tế số. Đây là lĩnh vực gắn liền tốt nhất "ảo" với "thực". Đôi khi chúng ta nhìn thế giới ảo, thế giới số tách rời thế giới thực mà điều quan trọng nhất của kinh tế số chính là để cho kinh tế thực phát triển”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, các động lực để thúc đẩy xuất nhập khẩu đó là động lực về đổi mới sáng tạo, động lực kinh tế tuần hoàn, kinh tế số - kinh tế xanh, trong đó sử dụng những công cụ số để bảo vệ môi trường.

Theo Chiến lược phát triển, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa từ 6-7%/năm và tăng trưởng nhập khẩu từ 5-6%/năm, còn cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu thị trường EU đạt 17% kim ngạch xuất khẩu, còn thị trường truyền thống lớn nhất là châu Á đạt 50%, châu Mỹ đạt 32-22%... Ngoài ra, một mặt vẫn duy trì những mặt hàng xuất khẩu có lợi thế như: dệt may, da giày, tuy nhiên trong những mặt hàng đó phải thúc đẩy gia tăng giá trị.

Theo ông Trần Thanh Hải, để phát triển xuất khẩu cần phải chú trọng đầu tư vào xây dựng thương hiệu, khâu thiết kế, phân phối bán hàng. Mở rộng thị trường không chỉ bằng các phương tiện truyền thống như: tham dự hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương mà phát triển thị trường thông qua nền tảng trực tuyến, thương mại điện tử xuyên biên giới và các nền tảng số.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới

Theo các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, cơ hội phát triển thương mại điện tử là rất lớn, trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chứng minh quan điểm nêu trên, ông Hoàng Ninh, Trưởng phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho hay, mỗi năm tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đạt 16-30%, với việc người tiêu dùng càng ngày càng chú trọng mua sắm không chỉ dừng lại ở thương mại điện tử trong nước mà còn vươn ra các mặt hàng ở nước ngoài. Điều này cho thấy dư địa lớn cho phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chính vì vậy, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 đặt nhiệm vụ tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng cường tiêu sản phẩm Việt Nam trong và ngoài nước thông qua thương mại điện tử…bên cạnh những mục tiêu về phát triển thương mại điện tử xanh, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử.

thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-1-1725349998.jpg
Theo các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, cơ hội phát triển thương mại điện tử là rất lớn, trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới. (Ảnh minh họa)

Để đạt được những mục tiêu trên, cần tập trung vào các giải pháp như: hoàn thiện chính sách thể chế, hoàn thiện hạ tầng phát triển thương mại điện tử bền vững, xây dựng các nền tảng cốt lõi, liên kết vùng thương mại điện tử, tuyên truyền đào tạo, hợp tác quốc tế.

"Trên thực tế, trong thời gian qua, Bộ Công thương cũng đã tiến hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các khóa đào tạo thương mại điện tử xuyên biên giới cả trực tiếp và trực tuyến hoàn toàn miễn phí. Qua đó, giúp doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của mình tại thị trường trong nước và quốc tế” - ông Hoàng Ninh nhấn mạnh.

Ủng hộ chủ trương của cơ quan nhà nước, ở góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling cũng chia sẻ về những giải pháp từ Amazon Global Selling Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tuyến, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng thành công.

Cụ thể, Amazon hỗ trợ doanh nghiệp về mặt kiến thức trong đó có những nền tảng online với tài liệu bằng tiếng Việt đúc kết những kinh nghiệm để tăng trưởng kinh doanh. Bên cạnh đó, Amazon còn hỗ trợ về tối ưu chi phí trong việc bán hàng để có thể tối ưu chi phí thu được lợi nhuận tốt nhất.

Cuối cùng là đào tạo nhà bán hàng, Amazon Global Selling đã có những chương trình đào tạo liên kết với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số như đào tạo được hơn 10.000 nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới trong vòng 5 năm./.

Trọng Bình