Quảng cáo #128

Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh cần một cách tiếp cận mới về tư duy thị trường

Thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực quốc gia mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển. Việc minh bạch hóa các chính sách và quy định, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, sẽ là chìa khóa để xây dựng một thị trường năng lượng hiệu quả, bền vững.

Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2020, với mục tiêu xây dựng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng (than, khí, điện) cạnh tranh lành mạnh, theo từng giai đoạn và có sự điều tiết của Nhà nước. Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia góp phần đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường hội nhập quốc tế.

phat-trien-thi-truong-nang-luong-canh-tranh-3-1733473964.jpg
Bảo đảm an ninh năng lượng luôn là ưu tiên trong chiến lược phát triển của các quốc gia. (Ảnh minh họa)

Bảo đảm an ninh năng lượng luôn là ưu tiên trong chiến lược phát triển

Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, do Ban Tuyên giáo Trung ương giao Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đồng tổ chức ngày 6/12, nhiều ý kiến thống nhất với nhận định: Năng lượng là yếu tố then chốt, có tính quyết định tạo khả năng phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Do vậy, bảo đảm an ninh năng lượng luôn là ưu tiên trong chiến lược phát triển của các quốc gia.

Diễn đàn không chỉ nhằm đánh giá kết quả gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, mà còn nhằm thúc đẩy nhận thức sâu rộng hơn trong các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp và xã hội về sự cần thiết phải phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh minh bạch, đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ.

Thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực quốc gia mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển. Việc minh bạch hóa các chính sách và quy định, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, sẽ là chìa khóa để xây dựng một thị trường năng lượng hiệu quả, bền vững.

Diễn đàn là một minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đối với lĩnh vực năng lượng – một lĩnh vực có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

phat-trien-thi-truong-nang-luong-canh-tranh-1-1733474018.jpg
Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những vấn đề đặt ra sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 2233/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thảo luận về thách thức, cơ hội của ngành năng lượng và phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.

Diễn đàn cũng nêu nhiều “điểm nghẽn” trong đảm bảo an ninh năng lượng hiện nay, đó là: nhu cầu năng lượng tăng cao đang gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, nhu cầu vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, thách thức về tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng ngày càng gia tăng.

Đặc biệt, nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước còn hạn chế, dẫn đến phụ thuộc ngày càng tăng nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. Việc trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia. Dự báo, từ năm 2020 - 2030, nhập khẩu nhiên liệu sẽ tăng gấp 3 và 2050 tăng gấp 8 lần so với 2019. Điều này cho thấy, có 3/4 năng lượng tiêu thụ của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu.

Trong khi đó, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; độc quyền Nhà nước còn cao; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. Khung khổ pháp lý còn thiếu đồng bộ nên chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Cần một cách tiếp cận mới về tư duy thị trường và tầm nhìn năng lượng tái tạo

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh cần một cách tiếp cận mới về tư duy thị trường, hiện đại hóa và tầm nhìn năng lượng tái tạo từ đó tạo cơ hội thời đại và vị thế quốc gia mới. Trong quá trình này, cần điều chỉnh chiến lượng phát triển năng lượng tái tạo cả phía cung lẫn phía cầu trên cơ sở căn bản về giá cả và thị trường điều tiết, chủ động đẩy mạnh quá trình thị trường hóa điện song hành cùng giá điện.

“Để giá điện thực sự mang tính thị trường và công bằng trong xã hội, cần tách bạch vai trò giữa nhà nước và thị trường. Cần trả lại vai trò DN đích thực cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đồng thời đẩy nhanh việc hình thành cơ chế giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng), cũng như chủ động có kế hoạch điều chỉnh giả điện theo mùa vụ, trừ trường hợp bất thường”, PGS.TS Trần Đình Thiên đề cập.

phat-trien-thi-truong-nang-luong-canh-tranh-4-1733474055.jpg
Thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực quốc gia mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển. (Ảnh minh họa)

Để phát huy vai trò báo chí trong tuyên định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, các cơ quan báo chí cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các Bộ, ngành, cơ quan để chủ động xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh. Ngoài ra, cần thúc đẩy thông tin, truyền thông trên nền tảng số.

“Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần coi trọng và tăng đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ tuyên truyền về thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội, chủ động đấu tranh, bóc gỡ, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin...”, TS. Nguyễn Minh Phong nêu giải pháp.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, từ Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế đồng bộ, minh bạch, cạnh tranh và đa dạng. Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Bình Châu