Phát triển tài chính toàn diện khu vực nông thôn

Ngày 10/11, phát biểu tại Hội thảo quốc gia với chủ đề “Thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và luôn xác định tín dụng nông nghiệp, nông thôn là một trong năm lĩnh vực ưu tiên.

Theo Phó Thống đốc, các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư vốn, cơ chế thuận lợi về thủ tục, điều kiện, lãi suất... cho khách hàng trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống ngân hàng Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc cấp tín dụng, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp nông nghiệp bằng nhiều hình thức cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như gói sản phẩm, dịch vụ cho thu mua chế biến xuất khẩu lương thực, gói sản phẩm dịch vụ dành cho hộ sản xuất…

Nông nghiệp, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, để phát triển lĩnh vực này bền vững trong thời gian tới, đòi hỏi phải có hệ thống các giải pháp tổng thể, từ xây dựng chính sách điều hành vĩ mô, đến các biện pháp về kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực…; trong đó; tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng. 

PGS. TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng cho biết, kênh cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn liên tục được phát triển cả kênh truyền thống và kênh hiện đại, từ hệ thống các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các công ty Fintech... Số lượng sản phẩm dịch vụ ngày càng được đổi mới theo chiều hướng đa dạng, phong phú và có sản phẩm bắt kịp trình độ phát triển khoa học công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Không những vậy, chất lượng dịch vụ tài chính ngày càng được cải thiện nhờ công nghệ hiện đại, tăng tiện ích cho người dùng lại vừa giảm chi phí giao dịch, phù hợp với mọi đối tượng trong đó có khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, người dân vùng sâu vùng xa. 

“Nhờ vậy, khu vực nông thôn đang ngày càng được chú trọng và khai thác nhiều hơn, đem lại lợi ích kinh tế hài hòa cho cả phía nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm tài chính lẫn người dùng, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo tiền đề phát triển kinh tế bền vững trên phạm vi cả nước”, PGS. TS Nguyễn Thanh Phương nói. 

vna-potal-thuc-day-tai-chinh-toan-dien-huong-toi-phat-trien-ben-vung-nong-nghiep-nong-thon-5762124-1636541285.jpeg
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Cùng quan điểm, tại hội thảo các chuyên gia cho rằng việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính sẽ góp phần tăng năng suất lao động, đa dạng hóa sinh kế, giúp người nông dân tăng cường khả năng phục hồi trước các cú sốc bất lợi và tránh bẫy nghèo đói.

Thời gian qua, đã có nhiều chính sách được ban hành và triển khai mang lại những tác động rất tích cực như ưu tiên vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn gắn liền với nâng cao chất lượng, cải tiến quy trình, rút ngắn các thủ tục hành chính, tăng quy mô cho vay không cần tài sản đảm bảo... tạo thuận tiện cho người vay trên cơ sở đảm bảo an toàn cho tổ chức tín dụng; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ tài chính tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt phát huy vai trò của các định chế tài chính như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thô, Ngân hàng Chính sách xã hội, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô; triển khai các mô hình ủy thác giữa các ngân hàng và các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tại các địa phương.

Ngoài ra, thông qua sự phát triển của các kênh hiện đại như Internet Banking, Mobile - Banking cũng góp phần mở rộng việc cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng đến hầu khắp các khu vực trên cả nước. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc thúc đẩy toàn chính toàn diện tại khu vực nông nghiệp nông thôn vẫn còn những hạn chế như mạng lưới cung cấp dịch vụ ngân hàng còn tập trung ở khu vực thành thị và thưa thớt ở khu vực nông thôn, việc sử dụng các kệnh hiện đại vẫn còn hạn chế, đặc biệt ở khu vực nông thôn, người nông dân còn chưa quen với các phương thức giao dịch không dùng tiền mặt, hiểu biết về kỹ năng tài chính còn thấp; các cơ chế phòng ngừa và khắc phục rủi ro như bảo hiểm trong nông nghiệp vẫn chưa được phát triển

Theo PGS. TS Nguyễn Thanh Phương, các sản phẩm, dịch vụ tài chính chưa có sự phát triển đồng đều giữa các vùng, phần lớn tập trung ở các thành phố lớn. Điều này hạn chế khả năng sử dụng sản phẩm của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, mạng lưới cung ứng dịch vụ phát triển chưa đồng đều, dẫn đến khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của các đối tượng ở vùng xa xôi còn thấp. Trong khi đó, sự hiểu biết về tài chính của người dân chưa cao, trình độ hạn chế, không lập được phương án sản xuất nên thường phải thuê làm, khi ngân hàng thẩm định thì người dân không giải thích được, dẫn đến quá trình thẩm định, ký hợp đồng vay vốn triển khai chậm. 

Đặc biệt, người dân trong vùng chưa nhận thức được đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình khi sử dụng các dịch vụ tài chính, chưa hiểu biết đầy đủ về rủi ro và giải pháp hạn chế rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa hiểu biết nhiều về rủi ro khi sử dụng dịch vụ tài chính phi chính thức. 

Do đó, để tiếp tục thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp , nông thôn, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục triển khai các giải pháp như đẩy mạnh phát triển hệ thống kênh cung ứng, các sản phẩm, dịch vụ mang tính đặc thủ, phù hợp với nhu cầu của khu vực nông nghiệp, nông thôn. 

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục chủ động đưa ra các giải pháp mới nhằm đóng góp thiết thực cho quá trình cơ cấu lại khu vực nông nghiệp, nông thôn như ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng cho khu vực này, gắn liền với các giải pháp về giáo dục tài chính, xây dựng các chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. 

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam cho rằng, cần tiến hành điều tra, khảo sát, để hiểu rõ nhu cầu (về hành vi tài chính và cách sử dụng) của các nhóm dân cư này; tăng cường hòa nhập tài chính nông thôn, thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn có chiến lược mở rộng giáo dục tài chính đối với khách hàng của mình, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…/.