Mô hình chăn nuôi lợn sinh học gắn với chuỗi sản xuất chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, của ông Nguyễn Đình Tường nằm ở thôn Đĩnh Tú, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai đang là cơ sở cung cấp sản phẩm thịt lợn được nhiều người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng.
Bênh cạnh giải pháp hiệu quả về kinh tế, mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường và giúp các hộ kinh doanh trong HTX Đồng Tâm có nguồn thu nhập ổn định.
Ấy vậy mà ít ai biết rằng, ông Tường trước đây từng trải qua nhiều thất bại trong chăn nuôi lợn. Mãi đến tháng 8 năm 2014, ông Tường mới trở thành 1 trong 36 hộ chăn nuôi điển hình của Thành phố được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội mời tham gia dự án nuôi lợn bằng cám sinh học.
Khởi điểm, gia đình ông Tường được hỗ trợ 30 con lợn giống và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học. Sau khi thực hiện thí điểm bước đầu đã cho kết quả khả quan. Cho đến năm 2016, mô hình chăn nuôi lợn sinh học gắn với chuỗi sản xuất chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn của xã Cấn Hữu được thành lập.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc HTX Đồng Tâm cho biết: “Quy mô sản xuất của mô hình khi mới thành lập bao gồm 15 hộ chăn nuôi với 100 lợn nái, hơn 1.000 lợn thịt. Đến năm 2018, số lượng lợn nái tăng lên trên 200 con, lợn thịt tăng 2.000 con.
Tuy nhiên, do biến động chăn nuôi, quy mô HTX đã giảm còn 10 thành viên với 120 con lợn nái và trên 1.500 lợn thịt; cùng 1 cơ sở giết mổ đủ điều kiện an toàn thực phẩm với công suất giết mổ 20 con/ngày.
Hiện nay, HTX đã xây dựng được chuỗi thịt lợn sinh học khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi tháng HTX cung cấp từ 12-15 tấn thịt lợn sạch và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn sinh học mang thương hiệu: Thịt lợn sạch Quốc Oai và xúc xích sạch Quốc Oai”.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Tường cùng với các thành viên trong HTX đã đầu tư dây chuyền chế biến thịt lợn thành các sản phẩm như xúc xích, giò, chả… HTX có 7 hộ chuyên đảm nhận chăn nuôi lợn an toàn sinh học và 3 thành viên chuyên đảm nhận khâu giết mổ, đóng gói và vận chuyển thịt lợn thành phẩm cho các cửa hàng, siêu thị.
Theo ông Tường, chăn nuôi lợn bằng cám sinh học mang lại nhiều ưu điểm như bảo vệ môi trường, chuồng trại không có mùi hôi thối; lợn khỏe mạnh, giúp đào thải độc tố; chất lượng thịt luôn thơm ngon, giai, giòn và chắc thịt, mỡ ăn không bị ngấy. Ngoài ra, hộ nuôi còn giảm được chi phí thuốc thú y.
“Nhờ đầu tư thêm khâu chế biến, chúng tôi đã chủ động được sản phẩm và có đầu ra ổn định cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại các tỉnh, thành phố. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng để chúng tôi duy trì chăn nuôi, vượt qua cơn bão giá lợn thấp kéo dài suốt 2 năm 2016 và 2017”, ông Tường chia sẻ.
Tới nay, sản phẩm thịt của mô hình chăn nuôi lợn sinh học gắn với chuỗi sản xuất chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn của HTX Đồng Tâm được người tiêu dùng tiếp nhận tích cực và đánh giá cao về chất lượng.
Về hiệu quả kinh tế, ông Tường cho hay: “Với mô hình liên kết xây dựng chuỗi nuôi lợn sinh học khép kín, nông dân chúng tôi không những chủ động được thị trường tiêu thụ, mà giá bán thịt lợn loại này còn cao hơn so với thịt lợn thông thường. HTX có mức thu nhập trên 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận gần 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mô hình cũng tạo công ăn việc làm ổn định cho 17 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân trên 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Đánh giá về mô hình của ông Tường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cấn Hữu Hà Dũng Bằng cho biết: “Ông Nguyễn Đình Tường là một hội viên nông dân luôn tâm huyết với nghề; năng động, sáng tạo và nhạy bén trong cơ chế thị trường; dám nghĩ, dám làm và đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể nói, Mô hình “Chăn nuôi theo chương trình Lợn sinh học an toàn” đã đem tới hiệu quả kinh tế cao, có đóng góp vào nền kinh tế của Thành phố và tạo việc làm cho nhiều người lao động tại địa phương.
Chính vì thế, Hội Nông dân xã vẫn sẽ luôn tạo điều kiện để hỗ trợ ông để tiếp tục mở rộng và phát triển sản xuất. Cùng với đó, Hội sẽ đưa các sản phẩm của HTX Đồng Tâm ra các cuộc triển lãm và hội chợ để trưng bày, giới thiệu và quảng bá. Hiện nay trên địa bàn xã đã có điểm kết nối giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn, các sản phẩm OCOP, từ đó, sản phẩm của HTX Đồng tâm sẽ được ưu tiên giới thiệu với bà con địa phương Thủ đô và toàn quốc”.
Nhìn nhận hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường từ mô hình của HTX Đồng Tâm đem lại, trong năm qua, ông Nguyễn Đình Tường được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tặng Bằng khen và Hội Nông dân Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Nông dân Thủ đô xuất sắc” năm 2021.