Phát biểu về vai trò quan trọng của việc phát triển bền vững, tại Tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững: Kinh nghiệm và thực tiễn triển khai” do Tạp chí Ngân hàng tổ chức vào sáng 6/6, TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Việt Nam cho biết, phát triển bền vững đã trở thành xu hướng tất yếu trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Đối với ngành Ngân hàng, thời gian qua, các ngân hàng thương mại ngày càng quan tâm hơn tới Báo cáo Phát triển bền vững. Tuy nhiên, số lượng Báo cáo Phát triển bền vững được công bố bởi các tổ chức tín dụng thời gian qua còn khá khiêm tốn.
Hiện nay, việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững, hướng tới hài hòa mối quan hệ giữa các bên liên quan là chiến lược thiết yếu đối với thành công trong dài hạn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để góp phần làm tăng giá trị của doanh nghiệp và tối ưu hóa lợi ích hoạt động kinh doanh bền vững, các doanh nghiệp cần công bố thông tin về phát triển bền vững ra công chúng nhằm tăng cường sự minh bạch thông tin của doanh nghiệp và đạt được sự thừa nhận từ bên ngoài. Do đó, Báo cáo Phát triển bền vững ra đời và ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm, chú trọng - Phó Thống đốc Thường trực NHNN nhấn mạnh.
Trên thực tế, các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước cũng ngày càng quan tâm, ban hành quy định và chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn ESG và công bố thông tin Báo cáo Phát triển bền vững. Theo đó ngành Ngân hàng đang hướng đến việc mở ra nhiều cơ hội liên quan đến kinh doanh bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội thì sẽ có các rủi ro liên quan đến tính bền vững của ngân hàng như: Rủi ro về suy giảm lợi nhuận hoặc tổn thất đối với các khoản đầu tư, do các rủi ro của người vay hoặc việc bỏ lỡ cơ hội tiếp cận thị trường tài chính xanh đang phát triển…
Về phát triển tín dụng xanh, theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/03/2024, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 637 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trước đó, thời điểm cuối năm 2015, khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng xanh, dư nợ chỉ 71 nghìn tỷ đồng.
Trong 637 nghìn tỷ đồng tín dụng xanh được tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng 47%, nông nghiệp xanh khoảng 32%, nước sạch cho đô thị nông thôn khoảng 11% và phần còn lại dành cho lâm nghiệp. Trong số đó, tín dụng trung dài hạn chiếm 77% tổng dư nợ xanh. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng có đánh giá rủi ro môi trường và xã hội là 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp không ít khó khăn liên quan đến danh mục phân loại xanh, nhu cầu vốn, lĩnh vực đầu tư, quản lý rủi ro môi trường và xã hội…
Đánh giá về giải pháp của NHNN thúc đẩy tín dụng xanh góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, trong thời gian qua, NHNN đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tín dụng cho các ngành sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy tín dụng xanh, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế... Đồng thời, NHNN cũng đã chủ động lồng ghép, xây dựng các Đề án, Chương trình tín dụng góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án xanh, thân thiện với môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo đó NHNN đã hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các TCTD đa dạng sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; NHNN thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện tín dụng – ngân hàng xanh…
Trong thời gian tới, để thúc đẩy tín dụng xanh, hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh. Hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD. Đẩy mạnh đàm phán, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế và các TCTD trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, tài trợ vốn cho các dự án xanh.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục cung cấp, công bố các thông tin về hoạt động phát triển bền vững của ngành ngân hàng, làm cơ sở để đánh giá mức độ tham gia phát triển bền vững của ngành ngân hàng. Tích cực tham gia các hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành ngân hàng./.