Pháp công bố chiến lược tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa khỉ

Vào thứ Ba (ngày 24/5), Cơ quan Y tế Quốc gia Pháp (HAS) đã công bố chiến lược tiêm chủng phòng chống bệnh đậu mùa khỉ sau khi ghi nhận 3 ca bệnh ở nước này.

HAS cho biết, chiến lược tiêm chủng này dành cho đối tượng người trưởng thành có nguy cơ nhiễm vi rút đậu mùa khỉ, bao gồm cả các chuyên gia và nhân viên y tế. HAS khuyến cáo chỉ nên sử dụng vắc xin thế hệ thứ 3, lý tưởng nhất là trong vòng 4 ngày sau khi tiếp xúc có vi rút hoặc bệnh nhân, đến tối đa 14 ngày sau đó.

Chương trình tiêm chủng bao gồm 2 hoặc 3 liều cho bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, mỗi liều cách nhau 28 ngày.

Theo HAS, khuyến nghị tiêm chủng sẽ được điều chỉnh theo dữ liệu dịch tễ học và lâm sàng.

Các biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ sẽ được Hội Y tế cộng đồng của Pháp công bố trong những ngày tiếp theo.

Ở Pháp, việc tiêm phòng bệnh đậu mùa là bắt buộc cho đến năm 1979.

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm từ động vật do vi rút gây ra, chủ yếu xuất hiện ở các khu vực rừng mưa nhiệt đới ở Trung và Tây Phi. Các triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: Sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, kiệt sức và phát ban giống như bệnh thủy đậu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có ít nhất 131 trường hợp được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ và 106 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ở 19 quốc gia kể từ khi trường hợp đầu tiên được ghi nhận vào ngày 7/5.

trieu-chung-cua-benh-dau-mua-khi-dieu-tri-va-phong-nguaanh-2-16530362275892146132802-1653454815.jpg
Một bé gái Zairian 7 tuổi bị bệnh đậu mùa khỉ ở giai đoạn cấp tính, ngày thứ 7 bị phát ban và bệnh đậu mùa khỉ ở một cậu bé Zairian 3 tuổi bị phát ban ở giai đoạn đóng vảy, DRC, 1970-1977.
Thế Mạc