Phân tích hiệu quả và năng suất của các công ty ngành dược niêm yết trên sàn HOSE

Đinh Thị Lụa - Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này phân tích hiệu quả và năng suất của các công ty ngành dược được niêm yết trên sàn HOSE giai đoạn 2020-2021 tại Việt Nam. Bài viết sử dụng phương pháp phân tích đường bao dữ liệu DEA để phân tích bộ dữ liệu tổng hợp từ kết quả báo cáo tài chính của các công ty dược giai đoạn 2020-2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp dược đang hoạt động dưới đường biên sản xuất hiệu quả. Hiệu quả theo quy mô chỉ đạt 66.7% chứng tỏ các công ty có thể tăng hiệu quả của họ lên trung bình khoảng 33.3% mới tận dụng hết quy mô hiện có. 

1. Giới thiệu

Theo Luật Dược 2005, Bộ Y tế quy định “Dược là thuốc và hoạt động liên quan đến thuốc”. Dược phẩm là một trong các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Ngành Dược góp phần đảm bảo sức khỏe của người dân, người lao động, tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực khác thực hiện tốt các sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, ngành Dược nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp ngành dược nói riêng tại Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số tồn tại và hạn chế, khiến ngành Dược nước ta mãi chưa phát triển lớn mạnh được.

Nhìn lại năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đa chiều đến ngành Dược Việt Nam, tạo nên sự phân hóa rõ rệt trong bức tranh về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh các doanh nghiệp đầu ngành giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận thì không ít doanh nghiệp lại ghi nhận mức lợi nhuận “đi ngang”, thậm chí sụt giảm. Năm 2021, dù ngành công nghiệp dược được dự đoán sẽ tăng trưởng khả quan nhưng thực tế cho thấy, có rất nhiều khó khăn đã và đang đến với ngành dược nước ta. Theo kết quả phân tích của Công ty Cổ phần chứng khoán SSI dựa trên số liệu báo cáo từ các công dược ty niêm yết và dữ liệu đấu thầu thuốc của Cục Quản lý Dược Việt Nam, lũy kế 8 tháng của năm 2021, tổng doanh thu của nhóm ngành Dược phẩm tại Việt Nam đã giảm 11% so với cùng kỳ ngoái. Trong đó, doanh thu từ các cửa hàng thuốc bán lẻ giảm 3% so với cùng kỳ và doanh thu tại bệnh viện giảm 16% so với cùng kỳ.

Nghiên cứu này tiến hành phân tích hiệu quả và năng suất của các công ty dược niêm yết trên sàn HOSE giai đoạn 2020-2021 sử dụng phương pháp phân tích đường bao dữ liệu. Kết quả của nghiên cứu sẽ góp phần đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành Dược cũng như các công ty trong ngành có đang sử dụng nguồn lực sản xuất một cách hiệu quả hay không. Từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả của ngành dược Việt Nam.

2. Phương pháp nghiên cứu 

Phân tích đường bao dữ liệu 

Phân tích đường bao dữ liệu (Data Envelopment Analysis – DEA) là phương pháp đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực của đơn vị ra quyết định (DMU) bằng cách xây dựng đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF). Dữ liệu sẽ được xử lý bởi phần mềm DEAP 2.1. Phương pháp phân tích đường bao dữ liệu phù hợp với dữ liệu nhiều đầu ra và đầu vào, đồng thời cũng không nhất thiết phải xác định hàm số.

Đường bao có hiệu suất không đổi theo quy mô (Constant returns to scale – CRS) khi sản lượng đầu ra tăng lên tỷ lệ tương ứng với mức tăng của yếu tố đầu vào. Tuy nhiên, thông thường giữa các DMU sẽ có sự thay đổi trong hiệu quả theo quy mô do có sự khác biệt trong quản lý, lao động, nguồn lực tài chính, thị trường,… Vì vậy, hiệu suất thay đổi theo quy mô (Variable returns to scale - VRS) phù hợp hơn trong nhiều trường hợp thực tế.

Hiệu quả quy mô (Scale efficiency - SE) chỉ mức độ năng suất có thể tăng lên để đạt được mức hiệu quả nằm trên đường CRS.

Mô tả dữ liệu

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của 14 CTCP ngành dược niêm yết trên sàn HOSE giai đoạn 20202021. 

Trong đó: 

Biến đầu vào: (1) Chi phí nguyên vật liệu, (2) Chi phí nhân công, (3) Tài sản cố định. 

Biến đầu ra: Doanh thu. 

Các biến được đo lường trong đơn vị đồng tiền Việt Nam (triệu VND)

Kết quả nghiên cứu

Hiệu quả kỹ thuật theo mô hình hiệu quả không thay đổi theo quy mô (CRS)

8-1680082070.jpg

Theo kết quả phân tích ở bảng 1, dưới điều kiện hiệu quả không đổi theo quy mô (CRS), chỉ số TE trung bình trong giai đoạn 2020-2021 chỉ đạt 0.351. Điều này chỉ ra rằng, các doanh nghiệp trong mẫu chỉ sử dụng hiệu quả 35.1% các đầu vào và lãng phí 64.9% nguồn lực để tạo ra một lượng doanh thu cố định.

Trong đó, các CTCP dược sử dụng hiệu quả đầu vào và tối ưu hóa đầu ra dưới điều kiện hiệu quả không đổi theo quy mô trong giai đoạn 2020-2021 là:

  • Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex - VMD (năm 2020 và 2021)
  • Công ty cổ phần S.P.M - SPM (năm 2020)
  • Công ty cổ phần đầu tư Sao Thái Dương - SJF (năm 2021)

Hiệu quả kỹ thuật theo mô hình hiệu quả thay đổi theo quy mô (VRS)

9-1680082070.jpg

Từ kết quả phân tích ở bảng 2, ta thấy chỉ số TE trung bình dưới điều kiện hiệu quả thay đổi theo quy mô giai đoạn 2020-2021 đạt 0.563. Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp có thể cắt giảm đầu tư trung bình 56.3% nguồn lực đầu vào trong khi vẫn duy trì mức doanh thu không đổi. Nhìn chung các CTCP đã hoạt động ở mức dưới đường biên sản xuất hiệu quả.

Trong đó, các CTCP dược sử dụng hiệu quả đầu vào và tối ưu hóa đầu ra dưới điều kiện hiệu quả thay đổi theo quy mô trong giai đoạn 2020-2021 là:

  • Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex - VMD (năm 2020 và 2021)
  • Công ty cổ phần S.P.M - SPM (năm 2020 và 2021)
  • Công ty cổ phần đầu tư Sao Thái Dương - SJF (năm 2020 và 2021)
  • Công ty cổ phần dược phẩm Bến Tre - DBT (năm 2021)
  • Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú - APC (năm 2020 và 2021)

Hiệu quả theo quy mô (SE)

10-1680082070.jpg

Chỉ số hiệu quả quy mô SE = 0.667. Kết quả này chỉ ra rằng, trung bình các doanh nghiệp đã hoạt động ở mức độ thấp hơn so với mức độ hiệu quả quy mô tối ưu trong giai đoạn 2020- 2021. Điều đó có nghĩa rằng các CTCP có thể tăng hiệu quả của họ lên trung bình khoảng 33.3% mới tận dụng hết quy mô hiện có.

4. Thảo luận kết quả phân tích 

Dựa theo kết quả phân tích và đánh giá, ta có thể thấy hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngành dược giai đoạn 2020-2021 còn ở mức trung bình. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. 

Thứ nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội kéo dài trên toàn quốc của Chính phủ, nhiều công ty dược phẩm đã phải thực hiện sản xuất “ba tại chỗ” cũng như cắt giảm sản lượng sản xuất. Việc siết chặt giãn cách cũng khiến kênh phân phối ETC (các loại thuốc được bán ra theo đơn bác sĩ) và kênh OTC (kênh bán lẻ của các nhà thuốc, hiệu thuốc) cũng gần như bị đóng băng.

Thứ hai, qua thời gian đối mặt với dịch bệnh, ngành Dược Việt Nam lộ rõ điểm yếu phụ thuộc tới 80-90% nguồn nguyên liệu sản xuất nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc và Ấn Độ. Do vậy khi đại dịch bùng phát, nguồn cung từ hai nước này bị gián đoạn do phong tỏa, làm đẩy giá chi phí nguyên liệu cũng như các chi phí phân phối khác.

Thứ ba, Việt Nam chưa phát triển mạnh cũng như áp dụng được công nghệ hóa dược hiện đại, cũng chưa thành lập các vùng chuyên sản xuất dược liệu đảm bảo tiêu chuẩn, chưa kể chi phí đầu tư công nghệ và nghiên cứu tốn kém.

Mặc dù, đối mặt với nhiều khó khăn, song một số CTCP dược vẫn chứng tỏ là điểm sáng của ngành dược. Họ vẫn duy trì được hiệu quả và năng suất ở mức cao trong toàn ngành giai đoạn 2020-2021 như VMD, SPM, SJF,...

5. Kiến nghị, giải pháp

Hiện nay, Việt Nam đang trong bối cảnh hướng tới sống chung với dịch bệnh. Do vậy, nguồn cung cũng như nhu cầu dược phẩm sẽ tăng lên nhờ nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường. Một điểm đáng chú ý với ngành dược là nhu cầu điều trị các bệnh di chứng hậu Covid-19 tại Việt Nam sẽ tăng mạnh. Theo quan sát của CDC, bệnh nhân sau khi mắc Covid-19 có thể gặp phải 2-3 di chứng như các bệnh rối loạn chức năng tim, phổi, thận,... kéo dài nhiều tuần hoặc tháng. Theo đó, để có thể đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như chủ động được nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong nước, các doanh nghiệp cần:

Thứ nhất, tập trung đầu tư phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Thứ hai, tăng đầu tư cho chương trình bảo tồn, phát triển nguồn gen cây thuốc, quý, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ tiên tiến đánh giá chất lượng nguồn gen và chọn tạo giống cây thuốc.

Thứ ba, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ, có sức cạnh tranh trên thị trường. Quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, sử dụng quy trình kỹ thuật GACP-WHO, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và ít gây ô nhiễm.

6. Kết luận

Từ kết quả phân tích năng suất và hiệu quả của 14 CTCP dược niêm yết trên sàn HOSE giai đoạn 2020-2021, ta có thể nhận thấy hiệu quả hoạt động của các công ty này chỉ nằm ở mức trung bình. Hiệu quả theo quy mô chỉ đạt 66.7% chứng tỏ các công ty này có thể tăng hiệu quả của họ lên trung bình khoảng 33.3% mới tận dụng hết quy mô hiện có. Nguyên nhân dẫn đến hoạt động kinh doanh của các công ty dược chỉ nằm ở mức trung bình trong thời gian qua chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập cũng như chưa đồng bộ công nghệ dược hiện đại./.

Tài liệu tham khảo:

Bộ Y tế. Khoản 1, Điều 2. Luật Dược 2005.

Bộ Y tế. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Finn Group. 2022. Đầu tư cổ phiếu, nhóm ngành nào tiềm năng cho năm 2022?, xem

12.4.2022. https://fiingroup.vn/NewsInsights/Detail/10260937?lang=vi-vn

Góc tư vấn - Nhóm ngành phòng thủ: Tiềm năng của dược phẩm. (n.d), xem 15.4.2022. https://www.vcbf.com/quy-mo/goc-tu-van-vcbf/goc-tu-van/goc-tu-van-nhom-nganhphong-thu-tiem-nang-cua-duoc-pham.html

Hạnh Bích. 2022. Các mã cổ phiếu ngành dược & TOP những mã tiềm năng 2022, xem

15.4.2022. https://dautu.io/cac-ma-co-phieu-nganh-duoc-tiem-nang.html

Huỳnh Thế Nguyễn. 2019. Các yếu tố tác động đến hiệu quả kỹ thuật trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á, 30(7), 43–65.

Khánh Huyền. 2022. Năm 2021, lợi nhuận Dược phẩm Vimedimex (VMD) giảm hơn

48% so với cùng kỳ. Thương trường, xem 22.4.2022.

https://thuongtruong.com.vn/news/nam-2021-loi-nhuan-duoc-pham vimedimex

Nguyễn, Ngọc Duy. 2020. Phân tích hiệu quả và năng suất của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Kinh tế-Luật và Quản lý, 4(3):859-871.

Nguyễn, Quỳnh Anh. 2022. Giáo trình Phân tích năng suất hiệu quả.

Nguyễn, Vũ Cường. 2022. Ngành dược triển vọng khả quan nhưng khó đặt kỳ vọng cao. BSC, xem 20.4.2022. https://www.bsc.com.vn/tin-tuc/tin-chi-tiet/889817-nganh-duoc-trien-vong-kha-quannhung-kho-dat-ky-vong-cao

Nhóm 1. 2021. Đánh giá hiệu quả kinh doanh và các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sách và thiết bị ở Miền Bắc. Bài tập nhóm môn Phân tích năng suất hiệu quả. Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Efficiency and productivity of pharmaceutical companies listed on HOSE 

Dinh Thi Lua

Abstract: This study aims to measure the efficiency and productivity of pharmaceutical companies listed on HOSE in the period of 2020 - 2021. The article uses Data Envelopment Analysis to analyze the data set from the financial reports of pharmaceutical companies in the period of 2020 - 2021. Research result shows that pharmaceutical firms are operating below the efficient production frontier. Efficiency to scale of only 66.7% shows that companies can increase their efficiency by an average of about 33.3% to make full use of existing scale.

Đinh Thị Lụa/Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội