Nuôi hươu sao mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Thành phố Hà Tĩnh

Nhờ chính sách hỗ trợ của địa phương, các hộ dân trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh đã đầu tư nuôi con hươu sao. Đến nay, đàn hươu đã cho lộc và từng bước cho thấy hiệu quả kinh tế cho bà con khi nuôi loài vật này.
huou2-1721722979.jpg
Nhiều hộ dân ở xã Thạch Bình thành công bước đầu trong việc nuôi hươu sao.

Hỗ trợ nuôi hươu sao phát huy hiệu quả kinh tế

Hà Tĩnh là thủ phủ nuôi hươu của cả nước nhưng đối với người dân xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh thì đây vẫn là vật nuôi mới và còn khá xa lạ. Gần đây, nghề nuôi hươu đã được bà con địa phương thí điểm thành công và phát huy hiệu quả kinh tế.

Năm 2023, UBND Thành phố Hà Tĩnh phân bổ kế hoạch kinh phí để thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông mới. Thành phố Hà Tĩnh đã xây dựng dự án “Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hươu sao”, thực hiện tại xã Thạch Bình.

Dự án thực hiện trong thời gian 5 năm (từ 2023 - 2028). Theo đó, bà con sẽ được hỗ trợ 50% chi phí mua con giống theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, liên kết với Công ty TNHH SXTM Dịch vụ An Phong để được cung cấp con giống, kỹ thuật nuôi cũng như bao tiêu sản phẩm.

huou1-1721723008.jpg
Những con hươu được người dân xã Thạch Bình, Tp Hà Tĩnh thả nuôi từ chính sách hỗ trợ của TP.

Chính sách được thể hiện trong Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh và Quyết định số 1383/QĐ-UBND ngày 16/6/2023 của UBND thành phố Hà Tĩnh.

Nắm bắt chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hươu sao của UBND thành phố Hà Tĩnh, 7 hộ dân trên địa bàn xã Thạch Bình mạnh dạn thả nuôi thử nghiệm 41 con hươu giống, đến nay, đàn hươu đã có 20 con cho “lộc”. Dù mới triển khai nuôi thử nghiệm chưa lâu nhưng bước đầu, các mô hình nuôi hươu sao ở xã Thạch Bình đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho bà con.

Tại xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh, ông Trần Hữu Bình là người đầu tiên đem hươu sao về nuôi tại địa phương. Ông đã đăng ký mua 6 con hươu sao từ Công ty TNHH SXTM Dịch vụ An Phong với sự hỗ trợ 50% chi phí mua con giống.

Ông Bình cho biết: Năm 2021, tôi đã lên huyện Hương Sơn tìm hiểu về nghề chăn nuôi hươu và mạnh dạn mua 6 con về nuôi, nhận thấy đây là con vật có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nên sau khi có dự án đưa hươu sao về Thành phố, tôi đã đăng kí mua thêm 6 con hươu nữa để nuôi. Đến nay đàn hươu của gia đình tôi lên tới 14 con, trong đó có 6 con đã và đang cho thu hoạch nhung, bước đầu đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Quá trình nuôi, gia đình ông sử dụng nền đệm lót sinh học nên chuồng nuôi lúc nào cũng sạch sẽ, không có mùi hôi, giảm công vệ sinh chuồng trại. Đồng thời đây cũng là nguồn phân hữu cơ để gia đình ông dùng để bón cho gần 50 gốc ổi và trồng thêm cỏ voi, đảm bảo được nguồn thức ăn phong phú cho hươu và tăng thu nhập cho gia đình.

Còn gia đình bà Đậu Thị Huê (thôn Đông Nam, xã Thạch Bình) trước đây chủ yếu nuôi bò và lợn nhưng công chăm sóc lớn, thường xuyên bị dịch bệnh, giá bán bấp bênh nên hiệu quả kinh tế không cao. Ngoài ra, không gian chật hẹp còn gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Bà Huê chia sẻ: Năm 2023, thông qua chính sách hỗ trợ của thành phố, gia đình tôi cải tạo lại chuồng trại, thả nuôi 4 con hươu đực, 1 con hươu cái do Công ty An Phong cung cấp. Để đảm bảo cho hươu sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình tôi luôn đảm bảo nguồn thức ăn cho hươu. Thức ăn được xay nhỏ trộn với cám gạo hoặc bột ngô, ngoài ra, gia đình tôi còn bổ sung thêm vitamin A, D, E và khoảng 20gr muối một ngày.

Hiệu quả bước đầu kỳ vọng mở rộng quy mô đàn hươu

d20240722084-1721723012.jpg
Đàn hươu đã bắt đầu cho lộc nhung.

Bà Đậu Thị Huê (thôn Đông Nam, xã Thạch Bình) phấn khởi chia sẻ: Sau một thời gian chăm sóc, đến nay đàn hươu gia đình tôi đã khai thác được 2 cặp nhung với tổng trọng lượng hơn 1,5kg và chuẩn bị thu hoạch thêm 1 cặp nữa, ngoài ra còn sinh thêm được 1 con hươu con. Nhung hươu sau khi thu hoạch sẽ được Công ty thu mua tận nơi với giá 10 triệu đồng/kg nên gia đình tôi rất phấn khởi khi nuôi con vật này.

Ông Trần Hữu Trung (thôn Bình Lý, xã Thạch Bình) cho biết: Trước đây, gia đình tôi chưa từng nghĩ sẽ nuôi hươu để phát triển kinh tế. Bởi, hươu là loài khó nuôi, ở địa phương cũng chưa thấy ai nuôi con vật này, nếu không có kinh nghiệm thì rủi ro rất lớn. Tuy nhiên, được các cấp hỗ trợ chi phí mua con giống và liên kết với công ty hướng dẫn về kỹ thuật nuôi cũng như bao tiêu sản phẩm, tháng 8/2023, gia đình tôi đã mạnh dạn mua 5 con hươu giống (4 đực và 1 cái) về nuôi thử nghiệm, với chi phí 130 triệu đồng. Qua đây cho thấy nuôi hươu là hướng phát triển kinh tế gia đình tại địa phương chúng tôi.

Sau thời gian chăm sóc, ông Trung nhận thấy, đàn hươu của gia đình sinh trưởng tốt, ra lộc đúng thời điểm. Đến nay, gia đình thu hoạch được 4 cặp nhung (mỗi cặp nặng từ 0,6 - 0,7 kg), được Công ty TNHH SXTM Dịch vụ An Phong thu mua với giá 10 triệu đồng/kg, mang về nguồn thu trên 25 triệu đồng. Hiện tại, hươu đang ra lộc nhung lứa thứ hai nên gia đình rất phấn khởi. Từ thành công bước đầu, nên ông Trung đang mở rộng chuồng trại và cố gắng nhân đàn để cải thiện nguồn thu nhập. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên học hỏi thêm kinh nghiệm để đàn hươu cho lộc đạt trọng lượng cao hơn.

huou3-1721723019.jpg
Công ty TNHH SXTM Dịch vụ An Phong là đơn vị liên kết để cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Phía Công ty TNHH SXTM Dịch vụ An Phong ngoài việc cung cấp con giống đảm bảo và thu mua toàn bộ sản phẩm, công ty còn thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật bám sát, hướng dẫn toàn bộ kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, hươu cho bà con một cách tỉ mỉ, từ đó giúp người dân yên tâm chăn nuôi.

Từ chính sách đúng của chính quyền địa phương, cùng với sự quyết tâm của người nông dân và sự hỗ trợ của Công ty TNHH SXTM Dịch vụ An Phong đã mang lại những thành công bước đầu của mô hình nuôi hươu sao tại xã Thạch Bình.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Huy Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Thạch Bình là địa phương có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đó trong xã có nhiều hộ chăn nuôi bò, lợn nhỏ lẻ trong khu dân cư. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều hộ chăn nuôi bị xóa đàn và chưa có kế hoạch tái đàn, chuồng trại chăn nuôi cũ sử dụng làm kho chứa phụ phẩm nông nghiệp hoặc để không gây lãng phí. Việc triển khai liên kết nuôi hươu theo chuỗi đã tận dụng, phát huy được lợi thế hiện có của người dân về chuồng trại, ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững.

Dù mới nuôi thử nghiệm nhưng các mô hình nuôi hươu đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho bà con, như: hươu sinh trưởng tốt, ra lộc đúng thời điểm, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Đặc biệt, nhờ liên kết với Công ty TNHH SXTM Dịch vụ An Phong trong việc bao tiêu sản phẩm nên bà con không phải lo lắng về đầu ra. Từ những hiệu quả trên, địa phương đang khuyến khích người dân nhân rộng mô hình trong thời gian tới, từng bước cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống./.

Nguyễn Duyên