'Nữ tướng' làm giàu để chia sẻ với cộng đồng

Tính tình hồn hậu, dễ gần là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Thanh Nga, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Trường Sơn, nguyên Ủy viên Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam.
nu-tuong-dnktx-1709815619.jpg
Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Trường Sơn Nguyễn Thị Thanh Nga (Đồng Tháp)

Câu chuyện về cuộc đời kinh doanh của nữ chủ nhân những khu bất động sản, kinh doanh xăng dầu và khách sạn Trường Sơn (Đồng Tháp, Phú Quốc) đầy sóng gió, thăng trầm. Dù đã trở thành doanh nhân thành đạt, đóng góp nhiều cho xã hội. Nhưng trong chị còn nhiều day dứt, dự định giúp cộng đồng, như xây dựng trường học cho trẻ em nghèo, những mảnh đời khó khăn cơ nhỡ… nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp

Mở đầu câu chuyện, chị thẳng thắn thừa nhận: “Khi bước chân vào vào kinh doanh, tôi nhận thấy mình chịu nhiều sức ép, thương trường rất khốc liệt”. Chị tuổi Đinh Dậu (1957), người gốc ở Tân Kỳ (Nghệ An). Năm 1968, mẹ mất, nhà 7 miệng ăn trông chờ vào đồng lương công nhân của bố. Nhiều đêm chị thức trắng, thương bố nai lưng làm nhưng cũng không đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình. 12 tuổi, chị quyết định theo chân người cô đi buôn bán để phụ thêm tiền, đỡ đần bố.

Bước chân vào nghề buôn bán, việc đầu tiên, chị mua ổi, dưa chuột đem ra chợ bán. Hết hàng, chị lại tranh thủ ra ruộng nhổ rau má, lấy mầm chuối non bào, trộn hai thứ với nhau đem bán. Dù chị thức khuya, dậy sớm buôn bán nhưng vẫn không đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Chị quyết định đi bán hàng xa nhà gần chục cây số. Từ tờ mờ sáng, dù nắng hay mưa, đôi quang gánh trĩu nặng hai vai trên đôi chân trần: bưởi, chuối, cam, hồng ngâm… đi từ Nam Đàn về đến Thành phố Vinh, dài khoảng 25 km. Được một thời gian, chị quyết định chuyển sang bán chè, rau muống, dưa cải, trầu cau, quýt, nồi đất và bán hom để đánh tranh lợp nhà.

nu-tuong-dnktx1-1709815837.jpg
Chị chia sẻ nhiều với những mảnh đời khó khăn, nhưng không trống giong cờ mở

Năm 23 tuổi, chị lập gia đình với người bạn đời có hoàn cảnh như tuổi thơ của chị . Hai mảnh đời, 2 số phận, dường như, tìm được sự đồng điệu về tâm hồn, cảm thông hoàn cảnh của nhau. Ngày cưới của anh chị, chỉ có một bữa cơm thân mật với sự có mặt của đại diện hai gia đình. Khi ấy, 2 gia đình đều nghèo. Cưới xong, hai vợ chồng trẻ không cam chịu đói nghèo, quyết định vào Nam lập nghiệp.

Không nề hà việc gì, làm mải miết không kể ngày đêm

“Trong gia đình, tôi là người có nghị lực và cam chịu cực khổ để lo cho gia đình mình. Nay tôi đi xa theo chồng, anh trai và các em gái ở nhà lo lắng lắm”, chị nhớ lại. Nhìn tấm bản đồ đất nước, các em chị đã bật khóc. Họ lo lắng khi chị quyết định lập nghiệp xa, không biết chừng nào mới gặp lại nhau. Không người thân thích ở nơi đất khách quê người. Chị không nề hà việc gì, làm mải miết không kể ngày đêm. Ban đầu, chị được nhận làm “anh nuôi” ở Xí nghiệp Quốc doanh 3 Lấp Vò (Đồng Tháp), lo bữa ăn cho công nhân nhà máy.

Sau một thời gian, hai vợ chồng chị bàn nhau, quyết định vay mượn tiền mua một con heo nái về nuôi, để tăng thu nhập gia đình. Do chăm chỉ làm ăn siêng năng, từ con heo đó, chị đã gây giống được nhiều đàn. Sau nhiều năm chăn nuôi heo, chị quyết định trả số nợ vay ban đầu, có tiền gửi tiết kiệm. Khi có ít tiền dư, chị gửi về quê. Vừa chăn nuôi ở nhà,chị xin chuyển về Xí nghiệp I, làm bộ phận xay cám.

Chị không quản ngại cực nhọc, đạp xe đi làm từ tảng sáng đến chiều muộn mới về đến nhà. “Ngày ấy, tiêu chuẩn mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con đã gây khó khăn kinh tế cho gia đình. Chúng tôi mất lao động tiên tiến, tôi quyết định xin nghỉ việc Nhà nước, kinh doanh tấm, cám ngay ở nhà”, chị chia sẻ. Kinh tế gia đình tạm ổn, chị quyết định vay mượn thêm tiền, mua một lô đất đầu tiên, với diện tích khoảng 1.500m2 để buôn bán gạo.

Năm 1995, việc kinh doanh gạo không hiệu quả, chị chuyển sang kinh doanh xăng dầu, đặt tên Trường Sơn. Sau một thời gian, chị quyết định mua lô đất ở chợ Long Hải (Bà Rịa Vũng Tàu) trị giá lúc đó 14 cây vàng (năm 1997). Đến năm 2001, chị quyết định bán miếng đất đó để mua đất ở Bình Dương, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang)...

nu-tuong-dnktx2-1709816102.jpg
Dù được nhiều giải thưởng, nhưng chị luôn khiêm tốn.

Đức tính siêng năng là bí quyết thành công

Không ngờ giá đất tăng cao, trị giá gấp nhiều lần, chị quyết định chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản, mua đất, mua nhà cũ, sửa nhà mới, mua đi bán lại… Năm 2006, không dừng ở việc kinh doanh bất động sản, chị còn mở rộng mô hình kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng… Đến nay, số vốn cố định kinh doanh của chị khoảng vài chục tỷ đồng, tổng doanh thu của doanh nghiệp mỗi năm đạt nhiều tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng mỗi năm. Doanh nghiệp của chị đang mở rộng thêm mô hình dịch vụ kinh doanh.

Chị cho rằng bí quyết để có được thành công như ngày hôm nay đó là đức tính siêng năng, khéo léo, có khả năng thuyết phục khách hàng. Là chủ doanh nghiệp thì phải luôn đổi mới, sáng tạo, vận động không ngừng trước những khó khăn của thương trường. Bên cạnh đó, để có được thành công, yếu tố quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp là nguồn nhân lực. Chị không coi họ là những người làm công ăn lương. Với những vị trí chủ chốt, chị luôn tin tưởng, giao cho họ tự chủ tài chính, tự quyết định kinh doanh. May mắn đối với doanh nghiệp, mỗi khi khó khăn, chị luôn có được một đội quản lý giỏi, sáng tạo đột phá trong tư duy lĩnh hội cái mới, sát cánh cùng mình.

Trong chị luôn ý thức vai trò của người phụ nữ - đảm việc nước, giỏi việc nhà. “Khi người phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, phải tự quyết định, một mình chèo chống trên thương trường sẽ khó lòng đảm bảo được việc nuôi dạy con tốt. Nhưng với tôi, nuôi dạy con đó lại là việc quan trọng nhất”, chị nói. Dù bộn bề việc kinh doanh, nhưng chị vẫn dành khoảng thời gian để chăm lo, vun đắp cho gia đình nhỏ bé của mình. Đến nay, 4 người con của chị đều đã trưởng thành, không phụ sự chăm sóc tận tình của chị. Mỗi người con, đều được chị ủy quyền, giao đảm nhận một phần việc trong quản lý doanh nghiệp.

Mỗi tuổi nó đuổi xuân đi, người phụ nữ tuổi Đinh Dậu này đang bước sang ngã rẽ thứ hai cuộc đời. Chị chia sẻ: “Vốn xuất thân từ nghèo khó, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, tôi rất hiểu và cảm thông về những nổi khổ của nhiều người đang phải sống trong hoàn cảnh nghèo túng, tật bệnh, thiếu thốn. Nhiều số phận hẩm hiu, tôi được chứng kiến, khiến mình thấy quặn lòng. Đó là một phần động lực để tôi quyết định làm ăn lớn để có thêm cơ hội giúp đỡ họ”.

Khi kinh doanh thành đạt, trong chị luôn coi trọng việc làm công tác xã hội, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Chị coi đó như nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng để san sẻ tình cảm, vật chất của mình đối với những người khó khăn. Như thể, “trả nợ đời” những năm tháng lam lũ, nhặt nhạnh từng cắc lẻ để sống qua ngày./.

Trần Gia Anh Thư