Nông dân xuống giống vụ Đông Xuân với nỗi lo giá vật tư

Những cơn mưa nặng hạt trong mấy ngày qua là điều kiện thuận lợi để nông dân vùng sản xuất ngọt ổn định của tỉnh Bạc Liêu đẩy nhanh cải tạo đất, xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2021-2022.
nong-dan-cham-soc-lua-vu-dong-xuan-nam-2021-2022-1034-1638608519.jpg

Tuy nhiên, vấn đề khiến cho nông dân canh cánh nỗi lo khi bước vào vụ lúa Đông Xuân này là giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng và hiện tại đang ở mức rất cao trong khi giá lúa lại sụt giảm.

Ông Huỳnh Văn Dũng, nông dân xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long cho biết, phân URE (đạm) cách đây 3 tháng chỉ có giá 350.000 đồng/bao, nhưng ở thời điểm hiện nay đã tăng lên đến 960.000 đồng/bao/50kg. Không riêng gì phân URE, mà nhiều loại phân bón khác cũng tăng từ 2-3 lần so với trước. Cụ thể, phân NPK 25.25.5 (Vũ Long) có giá 720.000 đồng/bao/50kg; NPK 20.20.5 (Phú Mỹ) có giá 505.000 đồng/bao/50kg; N-P-K 20.20.5 (Đầu trâu) là 740.000 đồng/bao/50kg...

Giải thích về nguyên nhân tăng giá, một số đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp cho biết do nguồn phân bón nhập về từ các nhà máy tăng giá, cộng thêm chi phí vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Thực tế, giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật bắt đầu tăng từ đầu năm 2021, tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Thời điểm tăng giá cao đối với những mặt hàng này diễn ra từ tháng 8 đến nay.

Giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng đồng nghĩa với chi phí đầu tư của nhà nông cũng tăng lên. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, chi phí sản xuất của nông dân trong mỗi vụ lúa giao động khoảng 24-25 triệu đồng/ha.

Với bà con nông dân trồng lúa, lợi nhuận giảm, ngoài nguyên nhân giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng còn do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tình trạng này diễn ra ngày càng gay gắt hơn, điều đó cũng đồng nghĩa với những thiệt hại mà nông dân gánh chịu cũng sẽ nặng nề hơn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, ở vụ Thu Đông năm 2020, có hơn 20.000 ha lúa đang trong giai đoạn mạ bị ngập úng kéo dài vì mưa bão, hàng ngàn ha lúa của nông dân thiệt hại và không thể tái sản xuất trở lại. Gần đây nhất là 4.000 ha lúa Đông Xuân 2020-2021 trong giai đoạn chín, chuẩn bị thu hoạch thì gặp mưa lớn nhiều ngày nên bị sập và ngập trong nước, năng suất giảm nặng từ 30-40%.

Những năm trước, lúa hàng hóa có giá từ 6.000-7.000 đồng/kg, lợi nhuận mà nông dân Bạc Liêu thu được trong vụ lúa Đông Xuân là 3 triệu đồng/1 công (1.300 m2). Tuy nhiên, nếu với giá phân, thuốc bảo vệ thực vật tăng, chi phí bơm (giá xăng, dầu) cũng gia tăng trong khi giá lúa không tăng thì lợi nhuận mà nông dân thu được từ vụ lúa Đông Xuân sẽ không đủ trang trải cuộc sống.

Theo bà con nông dân, thông thường chi phí đầu tư trong vụ sản xuất sau chỉ có tăng chứ chưa thấy giảm so với vụ sản xuất trước. Chi phí sản xuất tăng phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó bên cạnh giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng còn do thời tiết tác động bất lợi cùng việc sử dụng phân bón của nông dân chưa hợp lý. Cụ thể, nông dân đang sử dụng hơn 100 kg đạm/ha, hơn 70kg lân/ha, hơn 50kg kali/ha. Liều lượng phân N-P-K nhiều hơn so với mức khuyến cáo khoảng 20kg/ha, gây lãng phí vốn đầu tư, giảm lợi nhuận của người sản xuất lúa. Riêng chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật trung bình gần 4 triệu đồng/ha và đang tăng lên khi giá thuốc tăng, sâu bệnh cũng tăng.

Tình trạng này chủ yếu là do vẫn còn nhiều nông dân chưa thay đổi phương thức canh tác. Việc sạ dày, bón nhiều phân đạm dẫn đến sâu bệnh phát sinh nhiều. Nông dân cũng còn giữ thói quen phun thuốc phòng ngừa, trộn nhiều thuốc trừ sâu lại với nhau. Điều này là không cần thiết, gây lãng phí.

Nhằm đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra do thiếu nước ngọt ở cuối vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu khuyến cáo nông dân xuống giống theo lịch thời vụ của ngành. Theo đó, đối với lúa Đông Xuân sớm, xuống giống từ ngày 15/11-15/12/2021 ở những khu vực có ô đê bao khép kín hoặc có điều kiện bơm tát; đối với lúa Đông Xuân chính vụ sẽ xuống giống từ ngày 25/12/2021-20/01/2022. Dự kiến vụ lúa Đông Xuân 2021-2022, tỉnh Bạc Liêu xuống giống 48.500 ha.

Bên cạnh đó, để khuyến khích nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp sản xuất mới như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tiết kiệm nước, cùng với đó sử dụng phân bón hữu cơ để tăng tính đệm cho đất, bón phân theo vùng đất, bón phân theo từng loại cây trồng, bón phân theo thời vụ một cách hợp lý để tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho đất.

Dù vậy, phần lớn nông dân vẫn sản xuất theo phương pháp cũ, sử dụng nhiều phân thuốc, chưa mạnh dạn thay đổi lối sản xuất cũng như áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Nhiều nông dân còn quá chú trọng đến năng suất thay vì giảm chi phí đầu tư, thế nên mới có tình trạng lúa trúng, nhưng lợi nhuận thu được lại không cao. Nếu gặp dịch bệnh, thời tiết xấu, có khi nông dân còn phải gánh chịu thua lỗ vì chi phí đầu tư cao.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu, bón phân là một trong những biện pháp kỹ thuật được thực hiện phổ biến, mang lại hiệu quả cao về năng suất; tương tự thuốc bảo vệ thực vật cũng đóng vai trò rất quan trọng, nhân tố quyết định cho vụ mùa. Thế nhưng việc sử dụng không đúng, lạm dụng sẽ đẩy giá chi phí sản xuất mùa vụ tăng cao khiến nông dân sản xuất lợi nhuận thấp. Mặc khác, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực còn để lại hệ lụy cho đất đai, nguồn nước, khiến đất bạc màu, nhiễm độc, môi trường nước ô nhiễm, từ đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng lúa thương phẩm./.