Những tác động của con người đối với môi trường biển?

Theo các nhà nghiên cứu, quan hệ qua lại phức tạp giữa các tác động của con người thường làm “nhiễu” khiến cho ta khó phân biệt các tác nhân gây ô nhiễm và suy thoái môi trường biển.
o-nhiem-bien-dao-1676468079.jpg
Tình trạng xả thải các chất thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đạt quy chuẩn diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống, sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển. Ảnh TL

Ô nhiễm môi trường biển là một trong những vấn đề lớn trên toàn thế giới. Các vùng biển hiện nay đang ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Mà đây lại là một trong các nguyên nhân gây hại tới sức khỏe và các hoạt động sống của con người. Vậy ô nhiễm môi trường biển là gì? Những tác động của con người đối với môi trường biển ?

Ô nhiễm môi trường biển là gì?

Ô nhiễm môi trường biển là hiện tượng nước biển bị các nguyên nhân khác nhau tác động làm thay đổi tính chất. Gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới các chỉ số sinh hóa của nước biển. Đồng thời, nó gây hại tới sức khỏe con người. Cũng như các sinh vật sống trên biển.

Bởi, việc nguồn nước biển ô nhiễm sẽ kéo theo các loài sinh vật dười biển có nguy cơ bị tuyệt chủng. Kèm theo đó là hệ sinh thái, cảnh quan của biển cũng sẽ gặp những tác động tiêu cực và ảnh hưởng nặng nề.

Những tác động của con người đối với môi trường biển có thể được phân chia thành mấy nhóm chính như sau:

1. Từ lục địa mang ra: Các hoạt động phát triển trên đất liền, đặc biệt trên các lưu vực sông như đô thị hóa, phát triển các khu công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản nước lợ, các khu dân cư, khai khoáng,... Các chất thải không qua xử lý đổ ra sông suối và cuối cùng trăm sông đều đổ về biển cả. Lượng thải từ đất liền ra biển ở nước ta chiếm khoảng 50-60%.

2. Từ trên biển: Các hoạt động trên biển như hàng hải, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, phát triển cảng và nạo vét đáy biển, du lịch biển, thăm dò và khai thác khoáng sản biển (chủ yếu dầu, khí), nhận chìm tàu và các sự cố môi trường biển khác (tràn dầu, thải dầu, đổ dầu cặn bất hợp pháp, đổ thải phóng xạ, hóa chất độc hại,...).

3. Từ không khí đưa xuống: Các hoạt động tương tác biển - khí cũng kéo theo hiện tượng lắng các chất gây ô nhiễm xuống biển. Loại này khó theo dõi và quản lý vì thường phát tán trên diện rộng.

4. Từ đáy biển đưa lên: Chủ yếu ở những khu vực có hoặc chịu ảnh hưởng của các hoạt động địa động lực mạnh như động đất, núi lửa, sóng thần,...

Để thuận tiện trong đánh giá, người ta chia các tác động môi trường ra thành các tác động trường diễn (mức độ thấp, thời gian dài) và cấp diễn (thời gian ngắn, tác động nhanh mạnh). Tác động trường diễn bao gồm sự xâm nhập của một chất độc hoặc một yếu tố do con người gây ra, thường là liên tục và ở mức độ tương đối thấp, gây ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường tiềm năng, từ từ và lâu dài.

Thí dụ: Việc xả các chất dinh dưỡng vào biển bắt nguồn từ nước thải. Tác động cấp diễn biểu hiện khi hoạt động xả thải xảy ra trong thời gian ngắn, có thể gây ra hiệu ứng rõ ràng, song nó sẽ giảm dần theo thời gian. Tràn dầu là một thí dụ theo kiểu này: Thoạt đầu, dầu thường có tác động thảm hoạ đối với các hệ sinh thái và các nơi sinh cư (habitat) ở biển, nhưng chúng có thể sẽ được cải thiện sau khi dầu đã tràn hết.

Trong thực tế, ô nhiễm có thể phát sinh từ một nguồn, ở một địa điểm nhất định (đơn nguồn hoặc rõ nguồn gốc, point source) hoặc từ nhiều nguồn, ở những địa điểm khác nhau (đa nguồn hoặc không rõ nguồn gốc, non-point). Trong một số trường hợp, ô nhiễm phát sinh từ một nguồn, như từ một ống cống hoặc từ miệng cống nước thải của một nhà máy.

Khi đó, nồng độ của chất gây ô nhiễm (contaminant) hoặc cường độ tác động (thí dụ: Nhiệt độ ở gần miệng cống nhà máy điện) sẽ phải giảm dần trên khoảng cách xa dần so với điểm nguồn. Bản chất của sự giảm như vậy phụ thuộc vào tính chất lý-hoá của chất gây ô nhiễm hoặc yếu tố dòng chảy và môi trường trầm tích, cũng như tốc độ xâm nhập của chất hoặc yếu tố gây ô nhiễm.

Trong trường hợp như vậy, việc xác định và quản lý tương đối đơn giản, bởi vì cơ quan quản lý có thể tìm ra nguồn phát sinh và theo dõi được quy mô không gian của tác động đó. Ngược lại, các tác động kiểu đa nguồn thì hoàn toàn không thể gán cho một địa điểm phát sinh nào cả.

Thí dụ khá rõ về kiểu đa nguồn là: nước chảy sau khi mưa làm các độc chất và chất dinh dưỡng bắt nguồn từ phân bón sau đó có thể bị cuốn vào biển trên một dải bờ khá rộng, không rõ nguồn xuất phát từ đâu. Trong trường hợp này, hoạt động quản lý sẽ khó hơn nhiều vì khó xác định rõ ràng nguồn phát thải về mặt địa lý.

Thực trạng ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam

Theo báo cáo, hiện Việt Nam đứng thứ tư trong danh sách những nước có tình trạng ô nhiễm rác thải biển cao trên thế giới. Trong đó, tình trạng rác thải nhựa chiếm tỷ trọng cao, một số khu vực ven biển và cửa sông xuất hiện tình trạng ô nhiễm dầu. Một số rừng ngập mặn bị ô nhiễm, xuất hiện nhiều rác thải nilon.

Tình trạng môi trường biển Việt Nam hiện nay xuất hiện tình trạng ô nhiễm dầu, chủ yếu là do các vụ tràn dầu từ tàu chở dầu gây ra. Tính từ năm 1987 đến nay, Việt Nam có đến hơn 90 vụ tràn dầu gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho hệ sinh thái và nguồn tài nguyên biển. Điều này ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế biển, kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo đó, tại các vùng biển quần đảo Trường Sa và các khu vực biển có tuyến hàng hải quốc tế, qua ảnh chụp vệ tinh cho thấy tại những khu vực đó hàm lượng dầu trong nước chiếm tỷ lệ cao. Xuất hiện nhiều vệt dầu loang trên các tuyến hàng hải quốc tế dọc theo hải phận của Việt Nam.

Trong đó, một số những tai nạn gây tràn dầu ô nhiễm môi trường biển nổi bật như:

Tháng 9 - 2001, tàu Formosa (Liberia) đâm vào tàu Petrolimex 01 (Việt Nam) đã làm tràn 1000 lít dầu, gây nên ô nhiễm môi trường biển tại vịnh Gành Rỏi thuộc Vũng Tàu.


Năm 2003, tàu Hồng Anh của Việt Nam trên đường từ Cát Lái đi đến Vũng Tàu chở 600 tấn dầu bị sóng đánh chìm gây tràn dầu làm ô nhiễm vùng biển Cần Giờ.


Năm 2007, ở vùng biển Tuy An thuộc Phú Yên, tàu New Oriental bị đắm tạo ra dầu loang trên biển lên đến 25ha.


Năm 2017, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, 9 tàu chở hàng va đập và chìm khiến tình trạng dầu loang rộng trên vùng biển Quy Nhơn.

Có thể thấy rằng ô nhiễm môi trường biển tại Việt Nam chủ yếu là tràn dầu, rác thải nhựa, rác thải nilon.