Đó là những hình ảnh cảm động của các chị trong nghề lao công đẩy xe rác. Những mảnh đời quanh năm gắn với những công việc nặng nhọc để làm đẹp cho đời. Ngày qua ngày, họ đã quen với chiếc xe rác và cái chổi trên tay.
Lao động mệt nhọc khiến họ quên luôn những ngày lễ dành cho phái đẹp mà chính bản thân họ đáng lẽ cũng phải được trân trọng, nâng niu. Nhưng chỉ khi những con phố khoác lên mình chiếc áo mới, với những cánh hoa rực rỡ vương trên những chiếc xe rác, lúc ấy họ mới nhận ra rằng ngày lễ đã qua rồi.
Mỗi bông hoa họ nhặt lên, dường như cũng mang theo một câu chuyện riêng. Có bông hoa còn vương chút phấn son, có bông hoa đã héo úa, nhưng tất cả đều được họ nâng niu như một món quà quý giá. Họ mỉm cười, không phải vì những bông hoa ấy, mà vì trong khoảnh khắc ấy, họ cảm thấy mình đã làm được điều gì đó có ích. Và rồi, họ lại tiếp tục công việc của mình, lặng lẽ góp phần làm đẹp cho thành phố.
Cách đây hơn 1 năm về trước, chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện với những người phụ nữ có cuộc sống bất hạnh. Tại khu phố Bào Ngoại, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, chúng tôi bắt gặp người đàn bà mồi hôi nhễ nhại, đang còng lưng đẩy chiếc xe rác lặng lẽ đi từng bước một nhặt những bông hoa mà người ta vứt bỏ sau ngày lễ. Gương mặt bà rám nắng, khắc khoải những nếp nhăn của thời gian, đôi mắt ánh lên sự ấm áp và nghị lực. Bà khom lưng nhặt từng cánh hoa rụng, đôi tay chai sạm nhẹ nhàng nâng niu chúng như nâng niu chính những đứa con của mình.
Hỏi ra mới biết, đó là bà Nguyễn Thị Mai (61 tuổi), trú tại khu khu phố Bào Ngoại, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa. Bà là người đã dành cả cuộc đời mình lái những “siêu xe” chạy khắp các con đường ngõ xóm để có một môi trường sống trong sạch hơn.
Khi được hỏi về những công việc, cũng như những món quà mà bà thường nhận được trong những ngày lễ, bà Mai cười hiền hậu: “Công việc này vất vả thật, nhưng nhìn thành phố sạch đẹp, bà thấy vui lắm, vui hơn cả nhận được quà ý chứ. Các cháu không thấy, trên siêu xe của bà đầy ắp hoa à”.
Mặc dù bà Mai tính hài hước, luôn yêu đời, nhưng sau câu nói ấy, sâu trong đôi mắt của bà vẫn ánh lên vẻ đượm buồn khó tả.
Bà Nguyễn Thị Mai sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, đông anh chị em ở phố Đinh Lễ. Dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, nhưng bố mẹ của bà luôn răn dạy các con phải sống tử tế, “đói cho sạch, rách cho thơm”. Nên ngay từ khi còn nhỏ, bà đã có tính tự lập, cố gắng làm việc, giúp đỡ cha mẹ để cuộc sống được cải thiện hơn.
Vốn tính siêng năng cần cù, nên bà Mai được rất nhiều chàng trai yêu quý, theo đuổi. Nhưng đáp lại những tấm chân tình đấy chỉ là cái mỉm cười khước từ. Mãi đến năm 1989, khi bà chứng kiến cảnh chàng thanh niên Nguyễn Văn Chính (SN 1966) bị tàn tật hai chân đang cố gắng giúp mẹ dọn gánh hàng dong đã vô tình làm tan chảy trái tim bà. Ý chí nghị lực của ông Chính như tiếp thêm sức mạnh cho bà vượt qua mọi thử thách. Sau một thời gian tìm hiểu, dù gia đình phản đối, nhưng bà Mai vẫn lựa chọn ông Chính là bến bờ hạnh phúc.
Dù sống trong nghèo đói, chồng tàn tật, nhưng ông bà rất hạnh phúc cùng với 4 người con. Để có đủ kinh phí nuôi dưỡng gia đình, hàng ngày bà phải đi làm ở công trường. Đêm đến, khi chồng con đã ngủ say, bà lại lủi thủi đẩy xe đi gom rác ở chợ đầu mối đến gần sáng mới về.
Khi bắt đầu vào công việc thu gom rác với những mùi hôi thối khó chịu khiến bà Mai nhiều hôm không ăn được cơm. Tuy nhiên, vì chồng con, vì cái đẹp chung của khu phố đã tiếp thêm sức mạnh cho bà bước tiếp trên con đường “chinh phục” rác thải của những con phố.
Giờ đây, khi các con của bà đã lớn khôn, học hành đến nơi đến chốn cũng là lúc sức khỏe, tuổi tác của bà bước sang bên kia sườn dốc, nhưng bà vẫn miệt mài bên chiếc xe rác. Mỗi buổi sáng, bà Mai lại đẩy chiếc “siêu xe” của mình len lỏi qua từng con ngõ, hẻm, nhặt nhạnh từng mảnh rác một cách tỉ mỉ. Với bà, được nhìn thấy những con phố sạch đẹp là phần thưởng lớn nhất.
Chia sẻ về những công việc của bà Mai, chị Nguyễn Thị Đào, trú tại phường Đông Hương cho biết: “Bà Mai rất chăm chỉ, tính tình hiền lành. Cứ ngày 2 lần bà đẩy xe đi quanh khu phố để thu gom rác của các hộ dân. Bà thường dành lời khen cho những gia đình đã phân loại rác, nhưng cũng nghiêm nghị nhắc nhở những hộ chưa chấp hành nên mọi người đều yêu quý bà”.
Không chỉ bà Mai, mà tất cả các phụ nữ đang thầm lặng đẩy những chiếc xe rác để làm sạch cho đời đều chỉ nhận được những bó hoa đã tàn bị vứt bỏ sau những ngày lễ. Trong khi những người khác đang tận hưởng niềm vui của lễ hội, thì họ lại lặng lẽ nhặt nhạnh những tàn tích của sự vui chơi ấy. Những bông hoa rực rỡ một thời nay chỉ còn lại những cánh hoa rụng rời vương vãi trên đường phố, và cuối cùng lại trở thành phần thưởng cho những người phụ nữ đang lặng lẽ làm sạch thành phố.