Ngoài ra, sự phối hợp giữa du lịch và di sản còn mang lại việc làm, cải thiện đời sống của người dân địa phương, tăng ngân sách địa phương. Từ nguồn ngân sách này, di sản lại có nguồn tài chính để tu bổ, bảo tồn, phát huy giá trị. Nói rõ hơn thì du lịch và di sản cần có nhau và nên gắn bó với nhau để dựa vào nhau cùng phát triển.
Tuy nhiên qua hoạt động thực tế tại các địa phương có di sản trong nhiều năm vừa qua, sự gắn bó này đem lại nhiều lợi ích cho du lịch trong khi di sản thường chịu thiệt. Lý do bởi chính quyền địa phương phải tập trung phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của khách du lịch, việc xây dựng các công trình mới như cơ sở lưu trú, trung tâm mua sắm…. là điều không thể tránh khỏi. Không chỉ có vậy, số lượng khách du lịch tăng còn gây áp lực cho việc mở rộng đường, xây thêm cầu, bê tông hóa đường đi để thuận lợi cho khách du lịch…
Ví dụ như việc cho phép xây dựng thêm nhiều khách sạn, trung tâm thương mại bên bờ nam sông Hương (Huế) không chỉ phá vỡ cảnh quan cổ kính của cố đô mà còn gây áp lực tới khu vực đô thị cổ bởi gia tăng mật độ dân cư và khách du lịch. Sự phát triển thần tốc của du lịch Quảng Ninh đã gây sức ép lớn tới di sản Vịnh Hạ Long tới mức UNESCO đã phải cảnh báo.
Lượng khách quá lớn mỗi ngày đặc biệt tại các điểm tham quan như động Thiên Cung, hang Sửng Sốt, hang Đầu Gỗ, đảo Ti tốp… kéo theo rác thải cả trên mặt đất và mặt biển. Để đảm bảo an toàn cho khách du lịch tham quan hang động, chính quyền phải xây dựng cầu thang, lắp thêm đèn chiếu sáng… điều này làm thay đổi môi trường, khí hậu độ ẩm của hang, gây tổn hại tới các nhũ thạch triệu năm. Lượng tàu bè đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long quá lớn không tránh khỏi tác động tới môi trường nước, làm thay đổi và ảnh hưởng tới môi trường sống của sinh vật biển.
Những ví dụ nêu trên chỉ là điển hình, còn rất nhiều thực trạng khác đã và đang tiếp tục diễn ra tại các điểm đến di sản. Trong khi đó, một thực tế không thể không nhìn nhận đó là các di sản đều dễ bị tổn thương bởi chúng là các công trình cổ có niên đại hàng trăm đến hàng nghìn năm, những danh thắng/cảnh quan được thiên nhiên kiến tạo qua hàng triệu năm. Nếu không có định hướng rõ trong việc khai thác di sản thì những giá trị nghìn năm này khó có thể đáp ứng được nhu cầu khai thác và không thể đáp ứng xu hướng phát triển mới.
Đại dịch COVID đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới mọi hoạt động của con người trên thế giới, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngay cả khi một số quốc gia lớn hiện nay đã thực hiện việc áp dụng hộ chiếu vaccine để phục hồi ngành du lịch thì xu hướng du lịch trong thời gian tới vẫn sẽ có rất nhiều thay đổi trong cách nhìn nhận, tiếp cận và lựa chọn loại hình.
Tuy nhiên không hoàn toàn chỉ bởi đại dịch COVID mà việc thay đổi để thích ứng trong xu thế phát triển mới cũng là vấn đề không thể không làm khi cả thế giới bước vào kỷ nguyên số, đồng thời thực trạng khai thác tận thu di sản đã quá rõ ràng và gây tác động xấu những năm vừa qua.
Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ số để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, điển hình có thể kể đến như Trung Quốc, Pháp. Với số lượng di sản được công nhận thuộc danh sách nhiều nhất thế giới, Trung Quốc và Pháp cũng là những quốc gia có số lượng khách du lịch lớn nhất. Vì thế để giảm tải cho các di sản, cơ quan quản lý du lịch đã sớm áp dụng công nghệ khoa học đối với việc bảo tồn di sản, kết hợp với phát triển du lịch.
Di sản văn hóa hang đá Mạc Cao, hang đá Vân Cương đều là những di sản có niên đại hàng nghìn năm, việc chịu tác động của thời gian là điều không thể tránh khỏi. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi lượng khách du lịch quá lớn tìm đến những di sản này. Để có thể khai thác giá trị di sản phục vụ du lịch, song song với việc bảo tồn, ngành du lịch Trung Quốc đã sớm áp dụng công nghệ 3D trong việc phục dựng, tái hiện hang động.
Khách du lịch có thể tham quan hang động tại những khu vực cho phép, đối với vùng lõi và những khu vực đang chịu tác động khi con người tiếp cận, thay vì cho phép tham quan, du khách sẽ được ngắm nhìn qua hình ảnh 3D. Đối với một số di sản chỉ còn lại phế tích, ngành du lịch Trung Quốc cũng áp dụng việc tái hiện và phục dựng bằng công nghệ để du khách có cái nhìn chân thực nhất về di sản.
Để phân bổ số lượng khách du lịch tham quan, tránh tập trung cùng một khung giờ dẫn tới việc quá tải gây ảnh hưởng tới các di sản. Pháp áp dụng công nghệ đặt lịch trên ứng dụng và chỉ nhận giới hạn số lượng khách trong các khung giờ quy định. Ngoài ra để giảm bớt số lượng hướng dẫn viên hướng dẫn, các di sản và điểm tham quan quan trọng đều sử dụng công nghệ hướng dẫn viên ảo.
Từ những điển hình thành công đó, ngành du lịch Việt Nam cần học hỏi và có định hướng để giảm tải việc khai thác tận thu gây tác động xấu tới các di sản thế giới tại Việt Nam. Khi các di sản được bảo tồn tốt, thì chúng mới có khả năng phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt là xu hướng phát triển mới luôn đặt yếu tố bền vững lên hàng đầu. Đối với những di sản thiên nhiên như Vịnh Hạ Long hay hang Sơn Đoòng, có thể áp dụng công nghệ mua vé và đặt lịch tham quan trên ứng dụng, tránh việc quá tải khách du lịch vào cùng khung giờ.
Khi hàng nghìn người cùng tham quan, đi lại, chụp ảnh, trong hang động thì việc gây mòn nền hang đá, nhũ đá và thay đổi nhiệt độ trong hang là điều không thể tránh khỏi. Đối với những di sản văn hóa như Thành nhà Hồ, Hoàng Thành Thăng Long hay Thánh địa Mỹ Sơn việc có thể sử dụng công nghệ 3D để tái hiện hình ảnh thời kỳ hoàng kim của các di sản sẽ giúp khách du lịch có thêm trải nghiệm và hiểu rõ hơn về di sản, thay vì chỉ tham quan một phế tích.
Các nhà cổ hàng trăm năm tuổi và những công trình kiến trúc giá trị tại Hội An, cố đô Huế hiện nay phần nhiều đã trải qua trùng tu, sửa chữa, nếu khách du lịch có thể chiêm ngưỡng hình ảnh nguyên gốc của những công trình này bằng công nghệ tái hiện thì chúng sẽ sống động, hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, tại những di sản dễ bị tổn thương như bên trong hoàng thành Huế, các dịch quán, nhà cổ ở Hội An nên áp dụng công nghệ hướng dẫn viên ảo để giảm bớt số lượng người qua lại tác động tới di sản.
Việc áp dụng công nghệ số không chỉ là việc cần thiết để thích ứng trong xu hướng phát triển của kỷ nguyên 4.0 mà chúng còn đặc biệt phù hợp trước diễn biến dịch bệnh COVID. Khi chúng ta phải hạn chế tập trung đông người, phải có những hình thức tham quan, tìm hiểu từ xa và đặc biệt khi cả thế giới ngày càng quan tâm hơn tới yếu tố bền vững./.
Tài liệu tham khảo:
- http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/988073/cong-nghe-ky-thuat-so-canh-tay-dac-luc-trong-cong-tac-bao-ton-di-san
- https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/30957
- Chuyên trang di sản thế giới - Bộ VHTTDL