Những chính sách về tiền lương có hiệu lực từ tháng 4/2022

Trong tháng 4/2022, nhiều chính sách về tiền lương bắt đầu có hiệu lực giúp người lao động tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống sau đại địch COVID-19.

Lương công chức quản lý thị trường cao nhất gần 12 triệu đồng/tháng

Từ ngày 01/4/2022, Thông tư 02/2022/TT-BTC quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức quản lý thị trường bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Xếp lương các ngạch công chức Quản lý thị trường như sau:

- Ngạch Kiểm soát viên cao cấp thị trường (mã số 21,187) áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Ngạch Kiểm soát viên chính thị trường (mã số 21.188) áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Ngạch Kiểm soát viên thị trường (mà số 21.189) áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Ngạch Kiểm soát viên trung cấp thị trường (mã số 21.190) áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.

Với mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng/tháng thì lương công chức quản lý thị trường sẽ dao động từ hơn 3,1 triệu đồng đến gần 12 triệu đồng/tháng.

tienluong-7565-1648432795.jpg
Ảnh minh họa

Chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc

Tại Nghị định 19/2022/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc được thực hiện như sau:

1. Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác (nếu có) theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý công nhân và viên chức quốc phòng trước khi thôi việc chi trả.

3. Thực hiện chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng đã thôi việc về địa phương trong thời gian không quá 01 năm (12 tháng) kể từ ngày quyết định thôi việc có hiệu lực như sau:

a) Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được thực hiện chế độ chuyển ngành theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định này, đồng thời phải hoàn trả khoản trợ cấp một lần quy định tại khoản 2 Điều này và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi công nhân và viên chức quốc phòng công tác trước khi thôi việc chỉ đạo thu hồi quyết định thôi việc và các khoản trợ cấp nêu trên; ra quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển ngành; nộp các khoản trợ cấp đã thu vào ngân sách nhà nước và tài khoản chuyên thu của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng xác nhận, thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó theo quy định.

b) Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà có nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì phải hoàn trả khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi công nhân và viên chức quốc phòng công tác trước khi thôi việc chỉ đạo thu hồi khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần nộp vào tài khoản chuyên thu của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng xác nhận, thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó theo quy định. Khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, không được áp dụng cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính lương hưu theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 2 Nghị định này.

c) Trường hợp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi công nhân và viên chức quốc phòng công tác trước khi thôi việc đã sáp nhập hoặc giải thể thì thực hiện theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 2 Nghị định này.

d) Thời gian công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc về địa phương không được tính là thời gian công tác tham gia bảo hiểm xã hội.

Tiền lương và thời gian công tác để tính hưởng chế độ đối với công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc

1. Tiền lương để tính hưởng chế độ

Tiền lương tháng để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần, trợ cấp thôi việc quy định tại điểm đ, khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 2 và khoản 2 Điều 3 Nghị định này là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, thôi việc, bao gồm: Tiền lương theo loại, nhóm, bậc đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; nhóm, ngạch, bậc đối với viên chức quốc phòng và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có).

2. Thời gian công tác để tính hưởng chế độ

a) Thời gian công tác để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 và khoản 2 Điều 3 Nghị định này là tổng thời gian công tác trong Quân đội (gồm: Thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng) và thời gian công tác tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước có đóng bảo hiểm xã hội, trừ thời gian đã hưởng chế độ trợ cấp một lần khi phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc.

b) Thời gian công tác quy định tại điểm a khoản này nếu đứt quãng thì được cộng dồn; nếu có tháng lẻ thì được tính như sau: Dưới 03 tháng không tính, từ đủ 03 tháng đến đủ 06 tháng được tính là 1/2 năm, từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 01 năm.

Bổ nhiệm, xếp lương giảng viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng CDNN

Từ ngày 19/4/2022, mỗi giảng viên sẽ chỉ cần 1 loại chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để được bổ nhiệm và xếp lương.

Đây là nội dung tại Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập; Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Cụ thể, quy định mới không còn yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cho từng hạng như hiện hành.

- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên cao đẳng sư phạm đối với tất cả các hạng (I, II, III):

Không còn yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm riêng cho từng hạng, mà quy định chung cho các hạng là phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm.

- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập đối với tất cả các hạng (I, II, III):

Thay vì yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên theo từng hạng thì Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn chung là có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học.

Đăng Khoa (t/h)