Nhớ về một cuộc thi nhân kỷ niệm 3 năm xuất bản Tạp chí

Vậy là Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã tròn 3 năm từ ngày xuất bản số đầu tiên 31/8/2021. Có thể nói đó là 3 năm đầy thử thách với một tạp chí chuyên ngành mới mẻ.

Ba năm xuất bản, các ấn phẩm in và điện tử của Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã đăng tải hàng ngàn bài viết, tin tức, tư liệu, hình ảnh tập trung chứng minh và làm rõ “kinh tế xanh” (green economics) một mô hình mà không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang thực hiện vì một hành tinh xanh. Là sự kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố: Kinh tế, xã hội và môi trường, sinh thái cùng nhiều lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, xã hội. Một nền kinh tế phát triển của cải vật chất cho xã hội, chú trọng giảm thiểu hiểm họa môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

7r7a0191-1-1726298285.jpg

Là diễn đàn của Hiệp hội Đầu tư Xây dựng Dịch vụ Nông lâm nghiệp Việt Nam, Tạp chí đã quan tâm phản ánh các hoạt động, chương trình công tác của Hiệp hội như: Giới thiệu, phổ biến một số mô hình thí điểm sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, gieo trồng các loại lương thực, thực phẩm sạch, kết nối thương mại, dịch vụ nông sản hàng hoá của các địa phương, ứng dụng khoa học vào thực tiễn sản xuất nông lâm nghiệp và dịch vụ của các đơn vị thành viên trực thuộc Hiệp hội cũng như toàn xã hội.

3 năm qua, tôi nhớ nhất về cuộc thi “Vì Việt Nam Xanh” mà Tạp chí tổ chức. Với các đơn vị truyền thông có bề dày kinh nghiệm, các cuộc thi như thế này quá đơn giản, là hoạt động thường kỳ nhằm phát hiện vấn đề, phát hiện nhân tài và quảng bá hình ảnh tạp chí với bạn đọc. Nhưng với một tạp chí mới, đội ngũ phóng viên, CTV còn mỏng tổ chức một cuộc thi không mấy dễ dàng. Mặc dù chuẩn bị khá kỹ nhưng chúng tôi vẫn lo, lo không có tác phẩm, lo chất lượng bài viết, lo thời gian không đủ để triển khai…

Nhưng nỗi lo đã được giải tỏa chỉ sau một thời gian ngắn phát động hàng loạt tác phẩm dự thi đã được đăng tải trên cả tạp chí giấy và điện tử với sự xuất hiện những bài báo có giá trị phát hiện vấn đề mà tòa soạn quan tâm. Sau 2 tháng từ ngày phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn một trăm tác phẩm dự thi là những bài phản ánh,phóng sự truyền hình của các tác giả là nhà báo, nhà nghiên cứu, cộng tác viên các bộ, ngành, địa phương. Ban Giám khảo đánh giá: “Hầu hết các tác phẩm dự thi đều có giá trị tư tưởng, lý luận và thực tiễn, có sức hấp dẫn, tính thuyết phục cao. Khi tác giả đề cập, phản ánh các mô hình, điển hình phát triển kinh tế xanh bền vững”.

Có những tác phẩm dự thi phản ánh hết sức cảm động như phóng sự về nhà văn Nguyễn Đức Lợi hơn 20 năm kiên trì vượt lên bệnh tật hiểm nghèo đi vay nợ để xây dựng thành công hai mô hình kinh tế xanh: Trồng tảo Spirulina - một sản phẩm được tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận là thực phẩm bảo vệ sức khỏe tốt nhất của loài người trong thế kỷ XXI và khu du lịch sinh thái độc đáo “Đào Viên Sơn” ở bản Bua, xã Ẳng Tớ, huyện Mường Ẳng, đây là địa chỉ du lịch mà du khách không thể bỏ qua khi đến Điện Biên. Nhân vật trong tác phẩm đã bộc bạch: “Làm du lịch, muốn phát triển thì phải liên kết, mở rộng kinh doanh hàng nông sản sạch, quà lưu niệm, ẩm thực trải nghiệm điền dã… mới đủ sức thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng đa dạng của du khách”.

Rồi hành trình vượt qua muôn vàn khó khăn để làm thay đổi một quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ của Giám đốc Công ty TNHH Pun Coffee để tạo ra sản phẩm cà phê ngon, thơm, độc lạ nổi tiếng được người tiêu dùng nhiều nước thế giới như Nhật Bản, Nga, Hà Lan… yêu thích trên vùng đất Khe Sanh lịch sử. Tôn vinh giá trị sản phẩm bản địa, từ đó tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Vân Kiều làm cà phê, thực hiện một công đôi việc vừa bảo vệ môi trường vừa phát triển kinh tế canh tác cà phê đa dạng sinh học tại khu vực Trung Trường Sơn - Quảng Trị. “Chúng tôi cùng người nông dân bắt tay xây dựng những vườn cà phê độc canh thành những vườn cà phê  đa dạng sinh học, để mỗi người nông dân trồng cà phê đều được sở hữu một cánh rừng nhỏ, chủ động khai tháccác nguồn thu nhập khác nhau từ vườn cà phê nông lâm kết hợp này” - Giám đốc công ty khẳng định.

Là Khoa y dược, Trường Đại học Thành Đông (Hải Dương) đã quyết tâm biến Tuyên bố Talloires, ký kết năm 1990 tại Pháp cam kết xây dựng bền vững môi trường trong ngành giáo dục thành hiện thực. Không gian kiến trúc trường học đầy ấn tượng, các toà nhà làm việc, giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, ký túc xá, khu thể thao được bố trí theo một quy hoạch thống nhất với các thảm cỏ xanh, vườn hoa, cây cảnh hồ nước lớn,cho ta cảm giác như vào một “công viên xanh” ngay giữa trường đại học. Đặc biệt, 2/3 diện tích khuôn viên nhà trường xanh màu lá của nhiều loại cây dược liệu quý hiếm.

trao-giai-cho-cac-tac-gia-1726298330.jpg

Là hình ảnh vị Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hiệu, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ngoài thành công của chiến dịch “Màu xanh đồng bằng” trồng 600 ha rừng tại Bỉm Sơn, Thanh Hoá. Giờ đây, đã hơn 70 tuổi, nhưng ông vẫn đi khắp mọi miền đất nước hăng say, miệt mài vận động nhân dân trồng cây, gây rừng bảo vệ môi trường. “Hành trình tôi mong muốn trồng cây khắp đất nước cũng là gửi gắm thông điệp, để mong cho Việt Nam sẽ ngày càng xanh hơn, môi trường càng được bảo vệ, trước tình trạng diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, lũ lụt, hạn hán, thiên tai. Tôi mong rằng mỗi một nơi tôi đã đi qua, mỗi một cây tôi đã trồng, sẽ giúp cho thế hệ hôm nay thêm yêu màu xanh và sự trong lành của môi trường này. Đó chính là bảo vệ cuộc sống và tương lai của chính chúng ta”. Vị tướng hào hứng trao đổi.

Là hình ảnh doanh nhân Giáp Văn Thanh, Giám đốc Công ty Phương Nam chuyên sản xuất tấm cách âm, cách nhiệt ông luôn kiên định, quyết tâm đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào ngành sản xuất vật liệu xanh bền vững… Sau 30 năm không ngừng cải tiến, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ Công ty sản xuất và thương mại Tôn Sài Gòn. Đến nay đơn vị đã được công nhận là đơn vị cung cấp vật liệu nhẹ, cách âm, cách nhiệt, chống cháy hàng đầu Việt Nam với tên gọi Công ty TNHH Cách âm Cách nhiệt Phương Nam. Có thể nói cuộc thi đã khơi dậy sự tìm tòi sáng tạo của những người tham gia cuộc thi.

Tổng kết cuộc thi, Ban Giám khảo đã lựa chọn được nhiều tác phẩm xuất sắc để trao giải các tác phẩm: Giải Nhất: Không có; Giải Nhì gồm 2 tác phẩm: “Nhà văn vượt lên bệnh tật, xây dựng hai mô hình kinh tế xanh” của tác giả Trần Dũng; Phóng sự “Những giá trị từ các mô hình nông nghiệp sinh thái” của tác giả Đông Kiểm.

7r7a0117-1726298209.JPG

Giải Ba gồm 3 tác phẩm: “Khoa Y Dược trường Đại học Thành Đông: Không gian xanh và vườn dược liệu sạch” của tác giả Nguyễn Mai Anh; “Cà phê đặc sản Khe Sanh - Hiện thực và triển vọng” của tác giả Thành Chung - Lê An; tác phẩm “Công ty cách âm cách nhiệt Phương Nam nỗ lực cho vật liệu xanh” của tác giả Từ Ngọc Lang.

Giải Khuyến khích gồm 5 tác phẩm: “Hà Giang, miền du lịch xanh đầy tiềm năng” của tác giả Nguyễn Thị Dịu, Nguyên Hằng; “Dấu ấn về mô hình hợp tác xã kinh tế xanh phát triển bền vững” của tác giả Phương Vi; “Fago 4.0 giúp nông dân bứt phá” của tác giả Ngọc Oanh; “Kinh tế xã hội trong đại dịch Covid-19 và hành động toàn diện để không ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi xanh” của tác giả Lê Thành Ý; “Làm ra cái lạ mới tài” của tác giả Đặng Thị Việt Quỳnh. Liệt kê các tác phẩm được trao giải để thấy rằng vấn đề các tác giả đề cập khá phong phú, hình thức thể hiện cũng rất đa dạng.

Theo đó còn rất nhiều nhân vật, sự kiện, ứng dụng công nghệ, sản phẩm xanh đã được các tác giả phản ánh sinh động, hấp dẫn từ rất nhiều mô hình, điển hình kinh tế xanh đã triển khai, xây dựng thành công ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

7r7a0151-1-1726298556.jpg

Ông Lê Hữu Quế, Phó chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Hội đồng biên tập, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi nhận định: “Nội dung các tác phẩm dự thi “Vì Việt Nam Xanh” đã góp phần quan trọng khẳng định, tôn vinh ý chí, nghị lực, bản lĩnh, trí tuệ và tình yêu thiết tha của nhiều tập thể, cá nhân, nhất là các doanh nhân quyết tâm chung tay xây dựng, phát triển một nền kinh tế xanh, môi trường xanh bền vững ở Việt Nam. Điều này đã minh chứng hùng hồn: Các chủ trương, chính sách, quyết tâm chính trị của Đảng, của Nhà nước cho xây dựng một nền xây dựng, phát triển một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững ở Việt Nam là vô cùng đúng đắn, hợp với quy luật, xu thế phát triển kinh tế của thời đại, của thế giới và được nhân dân, nhất là giới doanh nhân, tri thức hoàn toàn ủng hộ”.

Cuộc thi đã thành công ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi là động lực và bài học kinh nghiệm để tổ chức các cuộc thi sau, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của Tạp chí./.

Thái Hà