8 giải pháp trọng tâm thúc đẩy xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2023

Xuất khẩu đã lấy lại được đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, để hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm nay, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo các đơn hàng mới, giúp tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cũng như giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Công Thương diễn ra ngày (07/7), đại diện cơ quan chức năng, địa phương khẳng định, xuất khẩu đã có đà phục hồi, tăng trưởng trở lại. Ngành Công Thương cũng đưa ra 8 giải pháp trọng tâm thúc đẩy xuất khẩu nửa cuối năm nay.

Được biết, có nhiều nguyên nhân khiến hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh ở cả 2 chiều xuất - nhập, trong đó có ít nhất 5 nguyên nhân được cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này chỉ ra cụ thể: Thứ nhất, là do giảm tổng cầu và tăng cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu có cơ cấu hàng xuất khẩu tương đồng. Thứ 2, do chi phí đầu vào vẫn ở mức cao trong khi giá hàng xuất khẩu không tăng, thậm chí giảm do cạnh tranh lớn ở các nước xuất khẩu.

thanh-long-1688957269.jpg
Ảnh minh họa.

Thứ 3, một số ngành hàng chủ lực như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa bị gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ở các nước xuất khẩu. Thứ 4, các nước nhập khẩu đặt ra yêu cầu về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên đối tác nhập khẩu (các sản phẩm dệt may, da giày) ưu tiên đặt hàng từ các nước sản xuất đã đầu tư phát triển sản xuất xanh và bền vững. Thứ 5, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là nhiều mặt hàng nông sản còn thiếu ổn định, chưa đồng đều, doanh nghiệp chậm đổi mới quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch…

Dù vậy, kết quả 6 tháng đầu năm cũng đã ghi nhận nhiều tích cực, khi tăng trưởng xuất khẩu tháng 5, tháng 6/2023 đã có khởi sắc, tháng sau cao hơn tháng trước. Nhờ đó, xuất khẩu đã phục hồi được khoảng 88% so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao, đạt 12,25 tỷ USD, góp phần ổn định vĩ mô, bảo đảm cán cân thanh toán, hỗ trợ công tác điều hành tỷ giá.

Đóng góp vào kết quả đó, có vai trò quan trọng của nhiều mặt hàng nông sản, trong đó phải kể đến mặt hàng rau quả đã đạt được 2,75 tỷ USD; mặt hàng gạo xuất khẩu được 4,37 triệu tấn, đạt 2,3 tỷ USD (số lượng tăng vượt bậc trong vòng 10 năm trở lại đây), là cơ sở để ngành nông nghiệp đặt mục tiêu  xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục chất lượng chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao công tác phối hợp giữa 2 bộ Nông nghiệp và Công Thương trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu thời gian qua.

Cũng theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, thời gian qua, đặc biệt là 6 tháng vừa qua, chúng tôi đã đón hàng trăm đoàn doanh nghiệp của Trung Quốc cũng như của các doanh nghiệp từ khắp các nơi trên thế giới như Đức, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… vào Việt Nam, tới từng địa phương để mua hàng, kết nối B2B giao thương. Tôi cho rằng hình thức này sẽ góp phần làm cho nhiều doanh nghiệp trên các địa phương hơn tiếp cận được với các nhà mua hàng quốc tế.

Nhận định xuất khẩu đã có đà phục hồi, tăng trưởng trở lại song vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước, Bộ Công Thương cho biết, sẽ đẩy mạnh 8 giải pháp để thúc xuất khẩu trong 6 tháng còn lại của năm.

Cụ thể, thứ nhất, phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, hỗ trợ sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu; kiến nghị thêm chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn.

Thứ 2, Bộ và Cục Xuất nhập khẩu sẽ chủ trì triển khai đồng bộ các chương trình trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược phát triển các mặt hàng chủ lực của ta trong đó Chiến lược xuất khẩu mặt hàng gạo.

Thứ 3, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Trong đó tập trung vào việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín. Trong đó, có hoạt động công bố các doanh nghiệp uy tín của Việt Nam.

Thứ 4, tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại, trong đó tập trung vào việc sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel; đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các thị trường còn là tiềm năng (UAE, Mercosur,…) hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ cho các Sở Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ 5, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với các nước nhất là Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới...

Thứ 6, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong đó, tập trung vào việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), cho phép doanh nghiệp tự in C/O từ hệ thống eCoSys của Bộ Công Thương và đẩy mạnh việc khai báo, nộp hồ sơ C/O điện tử mẫu AK và VK điện tử sang thị trường Hàn Quốc.

Thứ 7, tiếp tục thực hiện các giải pháp để phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Giải pháp cuối cùng là nâng cao tốc độ thông quan xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Ánh Dương (t/h)