Nhiều điểm ở Thanh Hóa bị sạt lở, hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp trong đêm

Mưa to trong nhiều ngày khiến cho tầng địa chất ở một số huyện miền núi Thanh Hóa bị đứt gãy, dẫn đến sụt lún và sạt lở, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng người dân. Để đảm bảo an toàn, hàng trăm hộ dân ở khu vực nguy hiểm đã được di dời trong đêm.
sat-lo-thanh-hoa-1-1727141738.jpg
Sạt lở khiến trường một trường THCS ở Lang Chánh bị hư hại nặng.

Tính đến sáng ngày 24/9, tại tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở và sụt lún ở các huyện miền núi như Thạch Thành, Bá Thước, Quan Hóa và Mường Lát… làm ảnh hư hại nhiều công trình giao thông, nhà cửa, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của trăm hộ dân.

Tại xã Thành Trực (huyện Thạch Thành), do mưa lớn nên nhiều thôn trên địa bàn xã xảy ra việc nứt, sạt lở núi đe dọa bị vùi lấp nên phải di dời dân khẩn cấp tới nơi an toàn. Cụ thể, quả đồi Đá Bàn thuộc thôn Chính Thành xuất hiện vết nứt, sạt lở vào chiều 22/9. Vết nứt rộng hơn 1m, dài khoảng 100 m, chính quyền địa phương đã thực hiện di dời khẩn cấp 13 hộ dân đến nơi an toàn.

sat-lo-thanh-hoa-2-1727141866.jpg
Xuất hiện nhiều vết nứt ở huyện Thạch Thành.

Ngoài ra, một quả đồi khác thuộc thôn Định Thành, Xuân Thành cũng xuất hiện vết nứt, nguy cơ sạt lở rất cao. Chính quyền xã Thành Trực đã vận động di dời các hộ dân tới nhà hàng xóm. Đến chiều 23/9, xã Thành trực đã vận động, di dời 29 hộ do sạt lở đất.

Một quả đồi thuộc khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành cũng đã xuất hiện vết nứt từ trên cao, chân núi bị sạt lở gây ảnh hưởng tới nhà dân. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã yêu cầu 10 hộ di dời. Chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo, cử lực lượng thường trực để theo dõi diễn biến, có phương án xử lý kịp thời.

Ngoài ra, mưa lũ đã làm các tuyến quốc lộ 15, 15C, 217, 218B, 16, 47 và các tỉnh lộ bị sạt lở taluy dương, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc 182 vị trí, nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước. Để đảm bảo an toàn, hàng trăm hộ dân ở huyện Quan Hóa, Mường Lát sinh sống gần khu vực sạt lở đã phải di dời trong đêm.

sat-lo-thanh-hoa-3-1727141912.jpg
Sạt sở khiến nhiều điểm ở Quốc lộ 15 C bị chia cắt.

Ngoài ra, nước lũ từ thượng nguồn đổ về suối Xim (thuộc địa phận các xã Mường Chanh, Quang Chiểu) khiến mực nước dâng cao, chảy xiết làm nhiều đoạn bị sạt lở, gây ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống dọc suối. Nhiều đập tràn bị ngập sâu (có nơi mực nước ngập sâu lên đến gần 1m) khiến người và phương tiện giao thông không thể qua lại, giao thông tạm thời bị tê liệt. Trước tình hình trên, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, huyện Mường Lát đã thực hiện sơ tán 464 hộ/2.146 khẩu đến nơi tránh trú an toàn.

Trước đó, do ảnh hưởng của hoành lưu bão số 3, khiến một trường THCS ở huyện Lang Chánh và trường THCS và trường THPT ở huyện Như Thuân bị sạt lở, chính quyền địa phương phải ra thông báo khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho thầy cô giáo và học sinh.

Để đảm bảo an toàn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời tổ chức sơ tán người và di dời tài sản của Nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét theo phương án đã được phê duyệt.

Tiếp tục tổ chức trực ban 24/24h; chỉ đạo thực hiện việc sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét, tuyệt đối không lơ là để thiệt hại về người; triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).

Bên cạnh đó, kịp thời thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại về sản xuất, cơ sở hạ tầng do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện; tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các sở, ban, ngành, các lực lượng chức năng để sớm thông các tuyến đường chính./.

Hà Khải