"Việc tập trung phòng, chống dịch bệnh động vật là yếu tố rất quan trọng, bởi chăn nuôi và thủy sản vẫn là lĩnh vực còn dư địa nhiều để tăng trưởng. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ giao ngành phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao, cùng với việc đảm bảo đủ nguồn cung, an toàn thực phẩm cho trong nước và xuất khẩu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ ra.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, có 22/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản; trong đó, có 13 tỉnh, thành phố bố trí hơn 33 tỷ đồng; 9 tỉnh có kinh phí cụ thể cho giám sát, xét nghiệm bệnh với tổng kinh phí là gần 14,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 2 tỉnh không bố trí riêng kinh phí cho việc phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Số lượng các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản có kế hoạch chủ động và bố trí kinh phí còn chưa nhiều, không đủ để triển khai việc phòng chống dịch, đặc biệt là kinh phí cho hoạt động giám sát chủ động dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Long cho rằng, các địa phương cần khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt và bố trí kinh phí để tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022. Đồng thời, cung ứng hóa chất bằng nguồn ngân sách của địa phương để chủ động xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh.
Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, Cục Thú y đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn. Cùng đó, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao.
Với thủy sản trong năm 2022, các địa phương có giải pháp đồng bộ để khắc phục, cải thiện điều kiện hạ tầng vùng nuôi, quản lý mùa vụ nuôi; có ao lắng để trữ nước sử dụng khi cần thiết, chỉ thả giống khi bảo đảm điều kiện nuôi, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp; thực hiện kế hoạch giám sát chủ động để dự báo, cảnh báo và áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh.
Các địa phương cần tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh; đặc biệt các chuỗi, các vùng cần an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để phục vụ xuất khẩu.
Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, phát sinh 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình và Hà Nội với tổng số gia cầm mắc bệnh chết và tiêu hủy là 13.600 con. Các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vaccine. Các địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 lây lan và gia tăng là rất cao. Nguy cơ xuất hiện một số chủng virus CGC (A/H7N9, A/H5N2,...) xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.
Về dịch tả lợn châu Phi, hiện cả nước đang có 168 ổ dịch tại 73 huyện của 31 tỉnh, thành phố; 8 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục tại 2 huyện của 2 tỉnh, thành phố.
Về thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh năm 2021 khoảng 5.608 ha, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2020. Về cơ bản, các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tiếp tục được kiểm soát, đặc biệt không để các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi xâm nhập vào trong nước.
Riêng về bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi nước lợ, tỉnh Sóc Trăng có diện tích bị bệnh lớn nhất, chiếm 27,45% tổng diện tích bị bệnh. Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 8 xã của 3 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh là 16 ha.
Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản kiến nghị, Cục Thú y cần kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng con giống thủy sản, bởi đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn dịch bệnh ngay từ đầu và hiệu quả trong nuôi trồng. Cục cũng cần tích cực phối hợp với địa phương phát triển các vùng nuôi an toàn dịch bệnh và đây là yêu cầu phát triển chung của thị trường.
Hàng tuần, Tổng cục Thủy sản vẫn nhận được báo cáo về tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản của Cục Thú y, tuy nhiên cần có thêm các thông tin về kiểm dịch tôm bố mẹ nhập khẩu để Tổng cục có các chỉ đạo, hướng dẫn cũng như khuyến cáo cho các địa phương, người nuôi trồng kịp thời./.