Nhiều "dấu hỏi" tại dự án 10 năm chưa xong do Sở TN&MT Bắc Giang làm chủ đầu tư ở huyện Việt Yên

Theo Kết luận thanh tra của Thanh tra Bắc Giang, Dự án "Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề nấu rượu truyền thống xã Vân Hà" chưa phát huy được hiệu quả đầu tư mặc dù đã trải qua 10 năm triển khai, tiêu tốn hàng chục tỉ đồng tiền ngân sách.

Như chúng tôi đã đưa tin, Dự án "Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề nấu rượu truyền thống xã Vân Hà" tại huyện Việt Yên do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư; Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP Bắc Việt - Công ty Nam Cường; Đơn vị tư vấn thiết kế Bản vẽ thi công (BVTC) - Tổng dự toán là Công ty Cổ phần CIC Thăng Long; Đơn vị Quản lý dự án (QLDA), giám sát thi công là Trung tâm giám định chất lượng công trình xây dựng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang.

Trải qua 10 năm (2012 - 2022) kể từ ngày được phê duyệt, Dự án “Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề nấu rượu truyền thống xã Vân Hà" vẫn chưa thể đi vào hoạt động chính thức, chưa phát huy được hiệu quả đầu tư, khiến dư luận trong và ngoài tỉnh hết sức bức xúc.

Dự án được phân chia thành 11 gói thầu. Trong đó, Gói thầu xây lắp mạng lưới thu gom nước thải có giá trị hơn 18,8 tỷ đồng và Gói thầu xây lắp trạm xử lý nước thải tập trung giá trị hơn 31 tỷ đồng đều do Liên danh Công ty Cổ phần Bắc Việt - Công ty Nam Cường thực hiện. Quá trình triển khai thi công 2 gói thầu trên đều bị chậm, kéo dài nhiều năm nên chủ đầu tư đã phải nhiều lần xin điều chỉnh gia hạn thời gian.

Ngày 17/5/2021, Sở TN&MT Bắc Giang đã có Biên bản nghiệm thu khối lượng và thanh lý hợp đồng 2 gói thầu nói trên với Liên danh Công ty Cổ phần Bắc Việt - Công ty Nam Cường và thanh toán số tiền hơn 40 tỷ đồng cho nhà thầu này.

dji-033300-00-46-08-1669700794.jpg
Dự án vẫn chưa được đưa vào hoạt động chính thức sau gần 10 năm triển khai.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, rất nhiều người dân tại thôn Vân Hà, xã Vân Hà thẳng thắn nói rằng hệ thống thu gom nước thải để đưa về trạm xử lý nước thải không hoạt động hiệu quả. Vì thế, khi tổ vận hành chạy thử nghiệm thì phát sinh ra những vấn đề "không giống như" họ đã nói với người dân gần 10 năm về trước. Chúng tôi được biết lý do lập dự án này là để giảm thiểu tác động xấu do nước thải thải trực tiếp chưa qua xử lý từ làng nghề Vân Hà xuống sông Cầu, thế nhưng 10 năm nay vẫn chưa hoàn thành đưa vào sử dụng, nước thải từ nhiều hộ trong làng nghề và ở xã Vân Hà vẫn phải thải trực tiếp ra Sông Cầu, khu vực giáp ranh 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư (Sở TN&MT Bắc Giang), đơn vị nhận bàn giao (UBND huyện Việt Yên) cần phải làm rõ hệ thống đấu nối nước thải từ các gia đình vào hệ thống thu gom vào dự án này có thực sự đảm bảo hiệu quả không hay là các gia đình đang tự xử lý rồi thải ra Sông Cầu thuận lợi hơn? Huyện Việt Yên và xã Vân Hà có biết công nghệ xử lý chất thải của Dự án này là công nghệ sinh học hay hóa học hay sinh hóa kết hợp, vận hành? Hóa chất hay vi sinh vật cho vào hệ thống vận hành như thế nào, hiệu quả ra sao, có hơn các hệ thống xử lý tại các hộ gia đình đang áp dụng hay không? Quan trọng nhất là quy trình công nghệ xử lý chất thải của chính công trình đó?... Rất nhiều câu hỏi đã được vị chuyên gia nêu ra.

z3919571010721-cc7d316fb8d43171f194886d6541e4d7-1669700427.jpg
Tại dự án, nhiều hạng mục đã bị han rỉ, bong tróc.

Tại Kết luận thanh tra số 231/ KL-TTr, ngày 21/6/2022 về Dự án "Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề nấu rượu truyền thống xã Vân Hà" do Sở TN&MT Bắc Giang làm chủ đầu tư. Thanh tra tỉnh Bắc Giang kết luận: Phần công đào bể kỹ thuật và đắp cát 10% bằng thủ công là không có cơ sở; Việc đắp cát đã phủ kín mặt cống, cao hơn mặt cống 50cm, đủ điều kiện để đắp đất phần trên bằng đầm 9T thay cho đắp bằng đầm cóc; bể điều hòa, chuyển đào thủ công sang đào máy. Tổng số tiền giảm trừ quyết toán là 400.605.000 đồng; Giảm giá trị tương ứng đối với đơn vị tư vấn QLDA và giám sát thi công là: 11.902.000 đồng.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang cũng chỉ rõ, Dự án triển khai thực hiện trong thời gian dài (Phê duyệt năm 2012, triển khai từ năm 2013 đến năm 2021 - pv), Dự án đầu tư không cân đối bố trí được nguồn vốn theo tiến độ trong Dự án được phê duyệt, quá trình GPMB thực hiện Dự án gặp khó khăn, địa hình thi công phức tạp… dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế BVTC - Tổng dự toán, phải điều chỉnh gia hạn tiến độ nhiều lần.

z3919571006059-561b276bf3f4ab3517877a0dedbde0fa-1669700427.jpg
Nhiều thiết bị, máy móc đã rơi vào tình trạng xuống cấp, hỏng hóc.

Trách nhiệm chính đối với các thiếu sót, tồn tại này trước hết thuộc Chủ đầu tư Dự án là Sở TN&MT, tiếp đến là nhà thầu thi công: Liên danh Công ty CP Bắc Việt - Công ty Nam Cường.

Quá trình thiết kế BVTC, lập Dự toán áp dụng đơn giá chưa phù hợp dẫn đến làm tăng dự toán công trình.

Trách nhiệm chính đối với các thiếu sót, tồn tại này trước hết thuộc Chủ đầu tư Dự án là Sở TN&MT, tiếp đến là đơn vị tư vấn thiết kế BVTC - tổng dự toán (Công ty Cổ phần CIC Thăng Long) và đơn vị thẩm tra thiết kế BVTC - Tổng dự toán là Trung tâm giám định chất lượng công trình xây dựng - Sở Xây dựng).

Quá trình thi công, nghiệm thu chủ đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị giám sát đã không cắt giảm đơn giá, định mức dẫn đến việc chủ đầu tư thanh toán sai chi phí cho đơn vị thi công, đồng thời làm tăng sai giá trị thanh toán cho đơn vị quản lý dự án và giám sát thi công.

Trách nhiệm chính đối với các thiếu sót, tồn tại này trước hết thuộc Chủ đầu tư Dự án là Sở TN&MT, tiếp đến là nhà thầu thi công:  Liên danh Công ty CP Bắc Việt - Công ty Nam Cường và đơn vị QLDA, giám sát thi công là Trung tâm giám định chất lượng công trình xây dựng.

z3930302655124-c69cba8afcc91ba753bf968c189b1ee1-1670042891.jpg
Thanh tra tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm nêu trên.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang kiến nghị, yêu cầu Giám đốc Sở TN&MT Bắc Giang giai đoạn 2013-2020 kiểm điểm rút kinh nghiệm do để xảy ra những tồn tại, thiếu sót, sai phạm trong việc thực hiện Dự án như nêu trên.

Giám đốc Sở TN&MT Bắc Giang (hiện nay - pv) theo thẩm quyền xem xét trách nhiệm, kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến tồn tại, sai phạm, thiếu sót của Dự án như nêu trên.

Yêu cầu Sở TN&MT Bắc Giang sớm bàn giao Dự án cho UBND huyện Việt Yên để quản lý, vận hành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư của Dự án.

Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Cân (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): Dự án kéo dài, không phát huy được hiệu quả đầu tư mặc dù đã tiêu tốn đến 40 tỷ đồng tiền ngân sách và đến nay vẫn chưa thể nghiệm thu, bàn giao cho UBND huyện Việt Yên để đưa vào vận hành, hỗ trợ tối đa cho người dân thôn Vân Hà không xả nước thải làng nghề trực tiếp xuống sông Cầu thì không chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm xuông mà cần phải làm rõ trách nhiệm của từng "cá nhân, đơn vị tư vấn, thiết kế, giám sát, triển khai..." dự án xem đó là do năng lực, do buông lỏng quản lý hay thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?. Có như vậy mới đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật, tránh lãnh phí những dự án đầu tư công khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên, khi ông Đào Duy Trọng (Đương kim Bí thư huyện Yên Thế) lên làm Giám đốc Sở TN&MT (1/12/2020 - 30/11/2021) thì phòng Kế hoạch - Tài chính trình ông Trọng ký quyết toán dự án nêu trên nhưng ông Trọng làm văn bản đề nghị Thanh tra tỉnh vào thanh tra để làm rõ một số nội dung liên quan tới Dự án "Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề nấu rượu truyền thống xã Vân Hà".

Dự án “Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề nấu rượu truyền thống xã Vân Hà" được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt tại Quyết định số 570/QĐ-UBND ngày 08/5/2012 và được phê duyệt lại tại Quyết định số 898/QĐ-UBND ngày 14/6/2013.

Địa điểm xây dựng tại thôn Vân Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Diện tích sử dụng đất khoảng 1 ha với tổng mức đầu tư dự án là hơn 106 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư từ nguồn sự nghiệp môi trường 50%; ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác 50%. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2012 - 2015.

Trong một diễn biến khác liên quan tới một dự án do Sở TN&MT Lạng Sơn làm Chủ đầu tư, ngày 4/1/2021, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Lạng Sơn tuyên án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Nguyễn Đình Duyệt, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn, trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ năm 2016 – 2018, bị cáo Duyệt là Phó Giám đốc Sở TN&MT, kiêm Trưởng Ban Quản lý 2 Dự án xử lý, cải tạo và phục hồi điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại thôn Đồi Chè, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn và thôn Dốc Mới 1, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng. Bị cáo Duyệt đã tin tưởng cấp dưới, không chỉ đạo sâu sát, không trực tiếp làm việc và không biết đơn vị thi công tự lập dự toán, áp mã hiệu sai để nâng giá trị dự toán công trình. Ngoài ra, bị cáo còn lựa chọn đơn vị không đủ năng lực giám sát công trình. Tổng số ngân sách nhà nước (NSNN) bị thiệt hại do hành vi thiếu trách nhiệm của bị cáo là hơn 590 triệu đồng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Vô Ngã - Quang Chương