Trong báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Research And Markets (Hoa Kỳ) cho biết, có ba lý do chính giúp hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam phát triển ổn định trong giai đoạn từ nay đến năm 2031.
Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, cơ cấu ngành hàng lúa gạo được điều chỉnh mạnh mẽ, gồm thay đổi quy trình canh tác, tập trung nâng cao chất lượng gạo hơn là tăng sản lượng.
Tỷ lệ sản xuất gạo ngon, đặc sản và chất lượng cao tăng dần qua các năm và đang chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng hạt giống chất lượng cao tại Việt Nam chỉ chiếm 35% - 40% cơ cấu sản xuất vào năm 2015. Nhưng con số này đã đạt từ 75% - 80%, thậm chí có nơi đạt tới 90% vào năm 2020.
Bên cạnh đó, cơ cấu sản xuất lúa gạo của Việt Nam tương đối đa dạng, phong phú với nhiều giống lúa gạo khác nhau, giúp đáp ứng nhiều phân khúc thị trường. Hiện tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng của Việt Nam ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xuất khẩu gạo hữu cơ cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng nhưng với tỷ trọng nhỏ.
Thứ hai, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia, bao gồm các FTA lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Qua đó, tạo điều kiện cho sản phẩm gạo của Việt Nam dễ dàng thâm nhập nhiều thị trường, bao gồm các thị trường khó tính như Nhật Bản, tạo sự bứt phá cho hoạt động xuất khẩu gạo.
Kể từ khi hiệp định EVFTA có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh. Theo hiệp định này, hàng năm Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấp hạn ngạch cho Việt Nam 80.000 tấn gạo xuất khẩu với mức thuế suất 0%, bao gồm 30.000 tấn gạo đã chế biến, 20.000 tấn gạo chưa xát và 30.000 tấn gạo thơm.
Tận dụng lợi thế trên, ngay từ tháng 9/2020, Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang EU với giá cao hơn nhiều so với trước đây. Cụ thể, trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 và gạo Jasmine xuất sang EU lần lượt chỉ là 800 USD và 550 USD/tấn, trong khi hiện nay giá lần lượt là trên 1.000 USD và 600 USD/tấn.
Thứ ba, khác với nhiều loại hàng hoá - nguyên liệu thô khác, nhu cầu về lương thực, thực phẩm trên thị trường toàn cầu vẫn ở mức tốt bất chấp sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 3,52 triệu tấn gạo với tổng kim ngạch đạt 1,72 tỷ USD, tăng 16,2% về lượng và hơn 1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 489,46 USD/tấn, giảm 54,71 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong cả năm 2022 đạt từ 6,3-6,5 triệu tấn, cao hơn khoảng 100.000-200.000 tấn so với năm trước.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines tiếp tục là thị trường chính, chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Ngoài Philippines thì nhu cầu ổn định từ thị trường Trung Quốc, Châu Phi và Cuba cũng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trong diễn biến liên quan, mới đây ông Akio Shibata, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên Nhật Bản cảnh báo rằng, châu Á không thể tiếp tục lạc quan về nguồn cung lương thực thiết yếu của mình. “Nếu giá phân bón tiếp tục tăng và nguồn cung bị gián đoạn, giá gạo có thể sẽ đi theo ‘vết xe đổ’ của giá lúa mì và ngô”, ông Shibata nói với tờ Nikkei Asia.
Theo vị chuyên gia người Nhật Bản, Thái Lan sẽ có thể đặc biệt dễ bị tổn thương do nông dân nước này thường dựa vào thuốc trừ sâu và phân bón hóa học đắt tiền khi mỗi năm quốc gia Đông Nam Á phải nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn phân bón. Trong khi đó, năng suất lúa của Thái Lan vẫn ở mức thấp, mỗi rai (0,16 ha) đứng ở mức 454 kg, thấp hơn nhiều so với mức 803 kg/rai của Việt Nam.
“Đó là điều khác biệt so với các đối thủ như Việt Nam và Ấn Độ. Việt Nam đã dành nhiều năm để phát triển bộ giống lúa mới và kỹ thuật trồng lúa cải thiện giúp cắt giảm chi phí sản xuất, trong khi Ấn Độ và Pakistan trồng lúa ở những vùng rộng lớn và giá nhân công rẻ”, theo ông Shibata.