Gạo Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính

Điều này chứng tỏ, trong quá trình canh tác lúa, người nông dân đã có trách nhiệm cao trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

2 yếu tố quan trọng trong sản xuất lúa

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, những quốc gia xuất khẩu gạo là những quốc gia có sản lượng lúa gạo dư thừa trong nước, sản lượng dư thừa đó có thể do dân số họ ít, do sản lượng nhiều.

Còn với Việt Nam là một quốc gia điển hình trong việc sử dụng biện pháp thâm canh tăng vụ, nhờ đó sản lượng lúa gạo không ngừng tăng lên.

Theo ông Tùng, trong thâm canh lúa, có hai yếu tố quan trọng là giống để chúng ta có năng suất cao hơn và kỹ thuật canh tác (sử dụng phân bón, thuốc BVTV...). “Đây là 2 yếu tố rất quan trọng trong sản xuất lúa đối với bất kỳ quốc gia nào”, ông Tùng nhấn mạnh.

Để đi đến sản phẩm nông sản cuối cùng đạt chất lượng, an toàn, yếu tố quan trọng là phải đảm bảo an toàn về dư lượng về phân bón, tồn dư thuốc BVTV ở mức độ cho phép (mặc dù vẫn phải tiến hành thâm canh). Đây là yếu tố quan trọng mà những quốc gia muốn phát triển thương mại lúa gạo đều phải chú ý tới.

img-1420-1658152707.jpg
Việc lạm dụng thuốc BVTV nhiều sẽ dẫn đến tồn dư thuốc BVTV trong gạo. Ảnh: Mai Chiến

Nhiều năm qua, Việt Nam đã đặc biệt chú tới việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV an toàn cũng là 1 yếu tố quan trọng hàng đầu trong kỹ thuật đối với nông sản, không chỉ đối với lúa gạo mà tất cả các mặt hàng nông sản. Và xuất khẩu đi các quốc gia, các nước đều đặt ra yếu tố này.

Ông Tùng cho rằng, nói đến trách nhiệm trong việc sử dụng thuốc BVTV để sản xuất lúa bền vững, trước hết cần phải nói đến trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV. Trong quá trình phát triển của một quốc gia, ở một thời điểm nào đó, các doanh nghiệp sẽ nhận thấy một số hóa chất, hoạt chất có thể gây hại cho sức khỏe con người, từ đó hạn chế sử dụng, thậm chí là không sử dụng hoạt chất đó nữa, mà tiến hành tạo ra sản phẩm mới an toàn hơn.

Bên cạnh đó, cũng cần nêu cao trách nhiệm của các đại lý kinh doanh thuốc BVTV. Hiện nay, cả nước có tới 30.000 đại lý bán thuốc BVTV, hơn ai hết chính họ là người hiểu rõ tác hại của thuốc BVTV đối với con người, vật nuôi, môi trường… Từ đó, cung cấp những sản phẩm chất lượng, hướng dẫn người dân sử dụng hợp lý, trách nhiệm.

“Hiện nay, ngành BVTV từ Trung ương tới địa phương cũng đang chú trọng vào khâu phối hợp với các doanh nghiệp để tập huấn, nâng cao ý thức và trách nhiệm xã hội đối với hệ thống các đại lý thuốc BVTV này”, ông Tùng chia sẻ.

Ngoài ra, bản thân mỗi người sản xuất phải tự hình thành cho mình ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV. Hiện nay, các chương trình khuyến nông quốc gia, khuyến nông cộng đồng đã và đang góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này. Song, để đạt hiệu quả cao nhất thì phương pháp tiếp cận cần luôn được thay đổi cho phù hợp.

“Hiện nay, lúa gạo là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu cho nhiều quốc gia trên thế giới, do đó việc sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm sẽ góp phần nâng tầm lúa gạo của Việt Nam. Chúng ta sẽ chứng minh cho thế giới thấy rằng, hoạt động sản xuất lúa gạo của Việt Nam là có trách nhiệm, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường…”, ông Tùng nói.

Vai trò của hệ thống khuyến nông

Theo ông Nguyễn Viết Khoa, Trưởng phòng Đào tạo, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG), hệ thống khuyến nông Việt Nam có nhiệm vụ nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong sản xuất của người dân.

123-1658152707.png
Ông Nguyễn Viết Khoa, Trưởng phòng Đào tạo, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Mai Chiến

Để sử dụng vật tư nông nghiệp nói chung, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nói riêng có trách nhiệm, Trung tâm KNQG đã chia sẻ, tư vấn người dân ở 4 khía cạnh: Sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm với chính bản thân mình; trách nhiệm với cộng đồng; trách nhiệm với sản phẩm nông sản tạo ra; trách nhiệm với môi trường sinh thái.

Để người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc sử dụng thuốc BVTV, không có biện pháp nào khác ngoài tiếp tục nâng cao nhận thức cho họ. Phải làm cho người dân hiểu rằng việc sử dụng thuốc BVTV không có trách nhiệm sẽ mang đến những ảnh hưởng tới sức khỏe con người, môi trường sinh thái...

Theo cách tiếp cận đó, hệ thống khuyến nông đã áp dụng nhiều phương pháp như: Thay việc thông tin một chiều như trước đây, cán bộ khuyến nông sẽ cùng với người dân nhìn nhận, đánh giá thực tế trên đồng ruộng thông qua các hội thảo đầu bờ. Thông qua các mô hình trình diễn, người dân sẽ tự rút ra được những điểm thành công, không thành công để hình thành cho mình kinh nghiệm và từng bước chuyển biến trong tư duy, nhận thức. Khi người dân đã nhận thức đúng, họ sẽ hành động đúng.

Ông Khoa chia sẻ, cách tiếp cận của hoạt khuyến nông hiện nay là theo xu hướng quốc tế, muốn hoạt động hiệu quả không thể làm đơn lẻ, một mình. Các nước trên thế giới đã có cách làm khuyến nông rất hiệu quả theo hình thức đối tác công tư (PPP). Hình thức hợp tác này có thể hiểu là các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để cùng triển khai hoạt động khuyến nông một cách hiệu quả.

Theo đó, Trung tâm KNQG triển khai hoạt động khuyến nông theo nhiệm vụ nhà nước giao; doanh nghiệp có mong muốn triển khai các mô hình, hoạt động giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó gắn với hoạt động thương mại bán các sản phẩm.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Syngenta Việt Nam đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất bền vững, trong đó khuyến cáo người dân sử dụng vật tư đầu vào, nhất là thuốc BVTV sinh học thế hệ mới một cách tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo ổn định kinh tế, an toàn với môi trường. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục đích mà khuyến nông nhà nước cũng đang hướng tới.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng xây dựng hệ thống cán bộ khuyến nông tại các địa phương rất hùng hậu. Do đó, khi lực lượng khuyến nông nhà nước kết hợp với đội ngũ khuyến nông doanh nghiệp sẽ tạo thành một mạng lưới rộng khắp tại các địa phương, điều này sẽ giúp các hoạt động khuyến nông khi triển khai trở nên thuận lợi, sức lan tỏa sẽ rộng và nhanh hơn.

“Trong thời gian tới, Trung tâm KNQG có nhiều định hướng như triển khai đề án đổi mới hệ thống khuyến nông; đề án khuyến nông cộng đồng (Bộ NN-PTNT đã phê duyệt) để khắc phục tình trạng khuyến nông cơ sở đang bị đứt gãy, từ đó tạo cầu nối giữa người nông dân với HTX, doanh nghiệp”, ông Khoa thổ lộ.