Quảng cáo #128

Nhiều cơ hội để ngành mỹ phẩm phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ

Theo các chuyên gia dự báo, năm 2024 và những năm tiếp theo thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ.
2-2038-1713611978.jpg
Nhiều cơ hội để ngành mỹ phẩm Việt Nam phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh minh họa

Trong những năm qua, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng chú trọng tới thẩm mỹ và sức khỏe, khiến nhu cầu sử dụng mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da tăng cao. Đây cũng là lĩnh vực không bị ảnh hưởng bởi đại dịch hay thăng trầm của thị trường. Theo Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel, tổng giá trị thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam đang vào khoảng 2,63 tỷ USD và được dự đoán tăng trưởng với tốc độ 3,32% hàng năm đến năm 2027. Trong đó, các sản phẩm chăm sóc da được ưa chuộng nhất, với hơn 60% người tiêu dùng sử dụng mỗi ngày.

Bên cạnh đó, thị trường làm đẹp Việt Nam rất tiềm năng với tốc độ phát triển hàng đầu so với các nước trong khu vực. Nếu như năm 2000 có 100 thẩm mỹ viện & Beauty Salon, thì năm 2020 đã lên tới 5.000 các thẩm mỹ viện, Beauty Salon. Các nhà nghiên cứu thị trường làm đẹp Việt Nam dự báo, năm 2025 sẽ có tới 10.000 các thẩm mỹ viện, Beauty Salon. Nghề làm đẹp thuộc top nghề hot, có mức thu nhập lý tưởng và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

Nghiên cứu của Euromonitor International (tập đoàn nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Anh quốc) cho thấy, trong giai đoạn 2018-2022, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam sử dụng các sản phẩm làm đẹp tăng từ 76% lên đến 86%. Dự kiến tốc độ tăng trưởng hằng năm của thị trường mỹ phẩm trong thời gian tới sẽ ở mức 15-20%.

Chia sẻ về tiểm năng thị trường mỹ phẩm Việt Nam, tại Diễn đàn “Thị trường ngành làm đẹp 2024 - "Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững”, theo ông Phạm Lộc Ninh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS) - Viện trưởng viện kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại: Thị trường làm đẹp Việt Nam là thị trường tiềm năng có tốc độ phát triển hàng đầu so với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh của sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp sức khỏe và làm đẹp, việc giữ vững vị thế hàng đầu không chỉ là một lợi thế, mà còn là một yêu cầu chiến lược quan trọng. Tuy nhiên, đi kèm với sự tăng trưởng là những thách thức khi cạnh tranh trong ngành công nghiệp làm đẹp ngày càng cao.

Đồng quan điểm, ông Chu Quốc Thịnh, TP. Phòng Quản lý Mỹ phẩm (Cục quản lý Dược – Bộ Y tế) cho biết: Ngành công nghiệp mỹ phẩm ở Việt Nam vẫn là ngành công nghiệp non trẻ, nhiều hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại. Đến nay, tổng số cơ sở sản xuất trong nước 965 cơ sở tuy nhiên chỉ 35 cơ sở sản xuất trong nước đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của Asean. Cùng với đó, với chiến lược truyền thông mạnh, các doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài đã chiếm lĩnh thị phần lớn. Vì thế, các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 30% số lượng sản phẩm mỹ phẩm được công bố nên chỉ có thể trụ lại ở phân khúc giá rẻ. 

imgl3725-copy20240420074222-1713611978.jpg
Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn “Thị trường ngành làm đẹp 2024 - "Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững”.

Với xu hướng đầu tư của các tập đoàn mỹ phẩm thế giới vào Việt Nam (Công ty TNHH Shiseido Việt Nam, Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty TNHH Procter& Gambele Đông Dương, Công ty TNHH Kao Việt Nam…) trị giá xuất khẩu đạt 302 triệu USD năm 2021. Triển vọng xuất khẩu của sản phẩm mỹ phẩm có tín hiệu tốt xuất khẩu nhiều nhất lại các nước phát triển như Nhật Bản (39,3%); Mỹ (8,6%); Vương quốc Anh (1,7%); Canada (1,1%) bên cạnh các nước trong khu vực Malaysia (6,9%); Thái Lan (4,5%); Hàn quốc (3,5%); Philippin (3%); Xingapore (2,4%), Campuchia (2,1%); Trung Quốc (1,6%) tổng giá trị xuất khẩu. Các dạng sản phẩm mỹ phẩm xuất khẩu đa dạng chủ yếu sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc, sản phẩm vệ sinh rang miệng, vệ sinh cá nhân…còn có cả sản phẩm cao cấp như nước hoa, trang điểm…

Từ đó, ông Chu Quốc Thịnh cho biết, các nhà đầu tư ngoại đang hướng về Việt Nam với nhiều dự án sản xuất và mở rộng hệ thống phân phối mỹ phẩm. Các thương hiệu mỹ phẩm Việt, do đó đang rơi vào tình trạng bị thu hẹp đáng kể thị phần tiêu thụ. Thêm vào đó, ngành Mỹ phẩm đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu về môi trường, an toàn và chất lượng sản phẩm.

Vì vậy, để phát triển, Trưởng phòng Phòng Quản lý Mỹ phẩm, (Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) cho rằng doanh nghiệp Việt cần chú trọng đến: Chất lượng sản phẩm, tính nền vững, đổi mới công nghệ và tiếp cận khách hàng thông qua các kênh trực tuyến. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì sự linh hoạt, thay đổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Đối với các thương hiệu mới muốn gia nhập thị trường, nên tập trung vào việc xây dựng lòng tin và tạo dựng uy tín trong mắt khách hàng bằng cách sử dụng nguyên liệu tự nhiên và các thành phần an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dùng. Đồng thời, việc đưa ra thông tin chính xác về sản phẩm và những lợi ích của nó cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách hàng.

Hiện nay, xu hướng thị trường đang chuyển đổi sang sản phẩm organic, sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Vì vậy, các thương hiệu cần tìm cách cập nhật và phát triển sản phẩm của mình để đáp ứng được nhu cầu này. Các nhà sản xuất phải không ngừng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời phải tìm cách tăng tính cạnh tranh và thu hút khách hàng.

Để tăng cường quản lý thị trường quản lý mỹ phẩm, ông Chu Quốc Thịnh cho biết, Cục Quản lý Dược đang làm đầu mối phối hợp các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ Y tế xây dựng Nghị định quản lý mỹ phẩm. Bộ hồ sơ đề xuất Nghị định các trong quá trình xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và dự kiến ban hành trong năm 2025./.