Nhân đôi lợi ích khi gắn chặt chương trình OCOP với du lịch cộng đồng

Kiên Giang là một trong 4 tỉnh, thành phố được Bộ NN&PTNT lựa chọn thực hiện Đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ hội thuận lợi để tỉnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Đến nay, Kiên Giang đã có 101/116 xã và 5/15 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 9/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 2 huyện nông thôn mới nâng cao), 116/116 xã (đạt 100%) đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 40 xã nông thôn mới nâng cao và 15 xã kiểu mẫu). Và chương trình OCOP là một trong 6 chương trình chuyên đề trọng tâm để thực hiện mục tiêu này.

Chú trọng nâng "chất" và lượng sản phẩm OCOP

Là HTX nằm ở vùng sâu thuộc ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, nhưng với sự quyết tâm của tập thể, cùng sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, HTX dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát hiện đã có 5 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao.

kg1-1669004119.png
 Các HTX phát huy giá trị đặc sản của địa phương để xây dựng sản phẩm OCOP

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Lê Thị Kim Thoa cho biết, bình quân mỗi năm, HTX chế biến và cung ứng ra thị trường hơn 8 tấn tôm khô Vĩnh Thuận với giá dao động khoảng 580.000-700.000 đồng/kg; hơn 1 tấn khô cá lóc giá khoảng 250.000 đồng/kg; hơn 1 tấn khô cá kèo giá khoảng 300.000 đồng/kg; gần 1 tấn mắm tôm chua giá 180.000 đồng/kg và 1 tấn mắm cá lóc giá 200.000 đồng/kg. Năm 2021, cả 5 sản phẩm này được ngành chức năng công nhận đạt OCOP 3 sao. Năm 2022, HTX phấn đấu đưa sản phẩm tôm khô Vĩnh Thuận lên OCOP 4 sao... Mới đây, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” tỉnh Kiên Giang đợt 1 năm 2022 đã xét công nhận 40 sản phẩm dự thi sản phẩm OCOP hạng 3, 4 sao.

Theo đó, trong đợt này, Hội đồng đánh giá nhận được 45 hồ sơ đăng ký dự thi sản phẩm OCOP của 9 huyện, thành phố trong tỉnh tham dự. Sau khi thẩm định, đánh giá hồ sơ và kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của các chủ thể, kết quả có 40/45 sản phẩm đạt yêu cầu và có đầy đủ hồ sơ bắt buộc, hồ sơ minh chứng về sản phẩm. Trong 40 sản phẩm tham dự, có 8 sản phẩm xếp hạng OCOP 4 sao và 32 sản phẩm xếp hạng OCOP 3 sao.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, đến nay, tỉnh Kiên Giang đã công nhận được 108 sản phẩm OCOP và có 45 nghề truyền thống, 3 làng nghề, 4 làng nghề truyền thống được công nhận. Theo kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025, trong năm 2022, tỉnh công nhận từ 50 sản phẩm trở lên và phấn đấu đến năm 2025 công nhận ít nhất 190 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt hạng 3 sao trở lên. Trong đó, có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử… Đáng chú ý, khu vực kinh tế HTX được tỉnh Kiên Giang hết sức coi trọng trong chương trình OCOP. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2021, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX.

Đánh giá chung cho thấy, từ khi sản phẩm của HTX đạt chuẩn OCOP có gắn sao, thương hiệu của HTX được người tiêu dùng chấp nhận và mang lại nhiều khách hàng tiềm năng cho HTX. Từ đó, HTX tiếp tục đồng hành cùng sản phẩm OCOP bằng việc không ngừng đổi mới, cải tiến chất lượng, bao bì, mẫu mã đáp ứng yêu cầu thị trường, huy động các nguồn lực mở rộng sản xuất, tham gia các hội chợ quảng bá giới thiệu, gia tăng giá trị sản phẩm.

Để các sản phẩm tham gia OCOP, HTX tăng cường các hoạt động thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn, từng bước thay đổi diện mạo vùng quê trên cơ sở khơi dậy nội lực người dân nhằm cho ra đời ngày càng nhiều sản phẩm có tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Các hoạt động của HTX còn là đòn bẩy thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thông qua tạo việc làm tại chỗ, nâng thu nhập, cải thiện đời sống người dân...

Tác động tương hỗ cùng phát triển

Để quảng bá sản phẩm OCOP, trong thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm OCOP giới thiệu, trưng bày, quảng bá tại các khu, điểm du lịch. Hiện nay, tỉnh đang phát triển khá mạnh về loại hình du lịch cộng đồng, trong đó tập trung nhiều tại huyện U Minh Thượng, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc.

Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Kiên Giang chưa công nhận được sản phẩm OCOP nào về dịch vụ du lịch cộng đồng. Nguyên nhân là do các cơ sở dịch vụ du lịch chưa quan tâm nhiều về Chương trình OCOP, một số điểm du lịch cộng đồng còn nhỏ lẻ, chưa liên kết các dịch vụ với nhau để cùng phát triển, đa phần các điểm du lịch cộng đồng đều phát triển dựa trên nguồn lực sẵn có như rừng, núi, biển… Đại diện Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là một trong 4 tỉnh/thành phố được Bộ NN&PTNT lựa chọn ưu tiên thực hiện Đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo và Phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, là một lợi thế để tỉnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP.

Nhằm phát huy hiệu quả giá trị bản địa, góp phần khai thác tiềm năng về du lịch tại khu vực nông thôn theo hướng bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng, thu thập và hiện trạng kinh tế - xã hội ở các khu vực nông thôn, nâng cao cuộc sống người nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

kg2-1669004193.png
Kiên Giang có nhiều lợi thế phát triển du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP

Mục tiêu cụ thể của Đề án phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 4 điểm du lịch nông thôn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, định hướng 5 sao. Đến năm 2030 có ít nhất 12 điểm du lịch nông thôn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, trong đó có sản phẩm được tham gia, đánh giá phân hạng 5 sao quốc gia.

Đáng chú ý, với nhóm giải pháp về chất lượng sản phẩm, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông thôn gắn liền với xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, phát triển cảnh quan, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn di sản văn hóa địa phương. Kêu gọi đầu tư, phát triển các dịch vụ bổ sung cho du lịch nông thôn cũng như quan tâm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm cho du khách để kéo dài thời gian lưu trú và tăng doanh thu cho ngành du lịch. Chú ý các vấn đề an toàn, an ninh trật tự cho du khách tại điểm đến. Chuyên nghiệp hóa chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân lực du lịch. Gắn chất lượng sản phẩm với nhu cầu thị trường và các yêu cầu trong Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP. Xây dựng bản đồ các điểm du lịch nông thôn được đánh giá, phân hạng, tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại để quảng bá chất lượng sản phẩm du lịch nông thôn.

Bên cạnh đó, để khai thác hiệu lợi thế sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu và nâng số lượng sản phẩm được công nhận đến năm 2025 từ 120 sản phẩm lên 290 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm của HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ... Đặc biệt, sẽ phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng của từng địa phương, nâng cao chất lượng, giá trị, mẫu mã sản phẩm gắn với phát triển du lịch nông thôn; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các combo quà tặng, quà lưu niệm từ sản phẩm OCOP gắn với các điểm, khu du lịch cộng đồng tại địa phương và thành phố du lịch như Phú Quốc và Hà Tiên.

Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương về phát triển mô hình kinh tế du lịch nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ mới, kết hợp với du lịch trải nghiệm và phát triển thương mại điện tử... Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang khẳng định, việc tận dụng thế mạnh của các làng nghề truyền thống, mở rộng không gian du lịch, khai thác các giá trị văn hóa bản địa gắn với giới thiệu, quảng bá sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị và mang thu nhập khá cho người dân. Qua đó, góp phần chung cho mục tiêu xây dựng 100% xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới./.

Minh Long